Những lưu ý về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam

Thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là thời gian thực hiện công việc theo kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.
Những lưu ý về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam
Những lưu ý về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam


Những thắc mắc về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài

Đối tác của Công ty TNHH KBL Việt Nam là pháp nhân nước ngoài, chuyên thi công các dự án xây dựng, sắp tới sẽ ký kết hợp đồng thầu xây dựng với chủ đầu tư tại Việt Nam. Nội dung của hợp đồng thầu bao gồm hai phần: Phần thi công dự án – kéo dài 2 năm và phần bảo trì, bảo dưỡng hạng mục thi công – kéo dài 5 năm.

Để nhà thầu nước ngoài này có thể tiến hành thi công tại Việt Nam, nhà thầu sẽ thành lập văn phòng điều hành dự án (PMO) và xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam, trong đó sẽ nói chi tiết về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài này.

Thực tế, nội dung trên giấy phép xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam và quy định về văn phòng điều hành dự án của nhà thầu nước ngoài không thể hiện hiệu lực thời gian hoạt động của hai hạng mục này.

Bên cạnh đó, theo Khoản, 3 Điều 79 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định thời hạn cấp giấy phép hoạt động xây dựng:

3. Giấy phép hoạt động xây dựng hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

a) Hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý;

b) Hợp đồng không còn hiệu lực khi nhà thầu nước ngoài bị đình chỉ hoạt động, giải thể, phá sản hoặc vì các lý do khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.

Vì thời gian cam kết hạng mục bảo trì, bảo dưỡng kéo dài khá lâu, có thể một năm chỉ tiến hành một đến hai lần hoặc chỉ khi nào bên chủ đầu tư có yêu cầu thì bên nhà thầu nước ngoài sẽ sang kiểm tra và tiến hành bảo trì.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH KBL Việt Nam đề nghị giải đáp, giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng điều hành dự án có giá trị hiệu lực duy trì hoạt động trong 7 năm hay chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm thi công?

Câu hỏi trên cũng là vấn đề chung hay mắc phải của các doanh nghiệp về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài.


Thông tin về thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài từ Bộ Xây Dựng

Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng không quy định thời hạn giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Một trong các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động xây dựng là kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.

Do đó, thời gian giấy phép hoạt động xây dựng là thời gian thực hiện công việc theo kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 73 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP nêu trên thì giấy phép hoạt động xây dựng hết hiệu lực khi hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý.

Do đó, nội dung hợp đồng thầu bao gồm hai phần việc là phần thi công dự án (2 năm) và phần bảo trì, bảo dưỡng hạng mục thi công (5 năm) thì thời hạn giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam là 7 năm trừ trường hợp nhà thầu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.

MuaBanNhaDat theo TBKD