Nguồn cung giảm mạnh, vốn tín dụng vào BĐS Tp.HCM vẫn tăng

Báo cáo tổng kết thị trường 6 tháng đầu năm 2018 của HoREA cho thấy, dù nguồn cung nhà ở tại Tp.HCM đang giảm mạnh nhưng nguồn vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản vẫn tiếp tục tăng.
Nguồn cung giảm mạnh, vốn tín dụng vào BĐS Tp.HCM vẫn tăng
Nguồn cung giảm mạnh, vốn tín dụng vào BĐS Tp.HCM vẫn tăng


Cụ thể, thị trường bất động sản Tp.HCM trong hơn 05 tháng đầu năm 2018 có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Theo đó, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với 32 dự án cùng kỳ năm trước. Tổng số căn hộ đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn của cùng kỳ năm 2017. Phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với năm 2017. Căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6%. Đặc biệt, phân khúc căn hộ bình dân chỉ có 1.881 căn chào bán, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong chu kỳ thời gian này, tình hình lãi suất được duy trì tương đối ổn định, lãi suất cho vay trung, dài hạn trên dưới 10%/năm, tăng trưởng tín dụng duy trì tốc độ cao với 6,42%. Tổng dư nợ tín dụng khoảng 1,87 triệu tỷ đồng (chiếm 27,9% tổng dư nợ tín dụng cả nước). Trong đó, tín dụng trung, dài hạn khoảng 998.000 tỷ đồng chiếm 53,2%; dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 10,8% tổng dư nợ. Nhìn chung, các doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).


Để đối phó với thực trạng nguồn tín dụng nội địa từ ngân hàng đang khó tiếp cận, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh kêu gọi nguồn vốn từ đối tác quốc tế và kiều hối. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm tại Tp.HCM đạt 216,3 triệu USD. Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Hoa Kỳ, và gần đây là Trung quốc.

Nguồn kiều hối gửi về nước hàng năm giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD, trong đó, Tp.HCM chiếm khoảng 50%, và có khoảng 21% đầu tư vào bất động sản. Theo HoREA, có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản:

- Nhà nước thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước.

- Nền chính trị, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng vững chắc, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Các yếu tố này giúp thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn.

- Ngoài ra, tính từ tháng 1 đến nay, Tp.HCM đã có 4 doanh nghiệp lên sàn là Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Văn Phú Invest, Đạt Phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát...

MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh