Sáng 18/6, công trường thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 khá im ắng. Suốt chiều dài của đoạn đường đi trên cao hơn 8 km từ Ngã tư Bình Thái (quận 9) đến vị trí giao cắt với đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) dường như không thấy bóng dáng công nhân làm việc, dù công trình đang trong giai đoạn lắp đặt đường ray và thi công các nhà ga trên cao.
Ông Hùng (42 tuổi, ngụ quận 9) bán quán ăn tại khu vực Ngã tư Bình Thái cho biết hơn nửa tháng qua, công trình vắng hoe nên quán ăn của ông cũng vắng khách.
“Có một số công nhân đến thanh toán tiền cơm còn thiếu. Họ cho biết về quê, chưa biết bao giờ quay lại làm việc”, ông Hùng cho hay.
Vẫn dang dở tuyến đường sắt trên cao. Ảnh: PV.
Tiêu không hết tiền...
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) sớm có văn bản gửi nhà tài trợ JICA và Đại sứ quán Nhật Bản đề xuất gia hạn hiệu lực khoản vay đến ngày 31/10/2019 để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án này.
Theo Hiệp định vay vốn số VN11-P7 ngày 30/3/2012, tổng giá trị khoản vay là 44.302 triệu yen. Việc TPHCM xin gia hạn là bởi Chính phủ đang triển khai các thủ tục thông qua cấp thẩm quyền về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 nên Bộ KHĐT chưa thể phân bổ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, dẫn đến chậm giải ngân so với tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Đến thời điểm hiện nay, số vốn chưa giải ngân của Hiệp định vay là 8.766 triệu yen, chiếm 20%, còn khá lớn trong khi Hiệp định vay sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2018.
UBND TPHCM cho hay việc giải ngân các khoản vay không những tùy thuộc vào tiến độ Quốc hội xem xét, cho phép chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư mà còn liên quan đến trình tự thủ tục xem xét bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án. Việc giải ngân hết số vốn còn lại của Hiệp định vay số VN11-P7 trước ngày khóa sổ khoản vay là rất khó để thực hiện. Do vậy, rất cần phải đề nghị gia hạn hiệp định vay thêm 1 năm nhằm đảm bảo đủ thời gian giải ngân toàn bộ khoản vay sau khi Quốc hội chấp thuận tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với lãnh đạo TPHCM cũng như Chính phủ Việt Nam.
“Khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, phía JICA nói thẳng trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán tiền cho các nhà thầu. Từ thực tế của tuyến metro này, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang cho hay.
Xin tự quyết
Dự án tuyến metro số 1 đang gặp vướng mắc về thủ tục, cụ thể là tại thời điểm điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án (tháng 8/2011) từ 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật) lên hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen), dự án thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhưng sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ thời điểm ấy đã cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.
Việc điều chỉnh dự án, JICA đã tuyển chọn tư vấn độc lập để thẩm tra. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này. Theo JICA, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là phù hợp, đồng thời cam kết tăng vốn ODA cho dự án.
Từ khi phê duyệt điều chỉnh năm 2011, dự án đã triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp chính. Tuy nhiên, với lý do dự án chưa được Quốc hội thông qua, từ tháng 9/2016 đến nay, việc giao vốn ODA của trung ương dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn đến việc thanh toán cho các gói thầu phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công và đề nghị thanh toán các khoản chi phí liên quan.
Trong một văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho hay tháng 6/2017, làm việc với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện dự án theo tiến độ.
Sau buổi làm việc đó, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ - ngành sớm trình Chính phủ về việc ứng trước vốn. Tuy nhiên, dự án metro 1 đã không được bố trí vốn. Để giải quyết khó khăn tạm thời trong việc bố trí vốn ODA từ ngân sách trung ương, UBND TP đã tạm ứng vốn 3 lần với số tiền 2.273 tỷ đồng từ ngân sách TP để trả cho các nhà thầu.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị (metro) trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị, sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung để triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay đối với các dự án metro, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Chưa kể, các dự án metro với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỷ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt đô thị của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số quy định về đầu tư theo luật pháp Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian để xin ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyển metro với tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống là 220km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 25 tỷ USD.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh