Nhà xây không phép, sai phép được tồn tại
Theo Thông tư 03, nếu nhà ở riêng lẻ đáp ứng đủ các điều kiện để tồn tại công trình thì chủ nhà không phải nộp lại một phần khoản lợi bất hợp pháp thu được từ phần diện tích nhà xây không phép, sai phép. Cụ thể, hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 4.1.2008 và đã kết thúc trước 15.1.2018, nhưng sau ngày 15.1.2018 mới được phát hiện. Nếu được phát hiện trước 15.1.2018 và có một trong các văn bản: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả; không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Thông tư 03 cũng quy định những công trình vi phạm xây dựng sau ngày 15.1.2018 sẽ bị xử lý nghiêm minh và bị buộc phải tháo dỡ, không để cho tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định mới mà xây dựng không phép, sai phép. Trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt nhưng các cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa thực hiện, áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình/phần công trình xây dựng vi phạm. Trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt thì sẽ không bị phạt vi phạm hành chính, nhưng công trình sai phạm hoặc phần sai phạm sẽ bị buộc tháo dỡ. Đối với công trình nhằm mục đích kinh doanh, nếu xây dựng sai phép sẽ phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Theo đó, số lợi bất hợp pháp là tổng số mét vuông sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1 m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%.
Lãnh đạo một địa phương tại TP.HCM cho rằng quy định trên sẽ tháo gỡ những vướng mắc lâu nay của TP khi có rất nhiều nhà xây dựng không phép, sai phép nhưng phù hợp với quy hoạch mà người dân vẫn không thể hoàn công, cấp giấy chứng nhận.
“Những sai phạm về xây dựng nếu không ảnh hưởng đến mật độ xây dựng, phù hợp với quy hoạch, không xảy ra tranh chấp… hoàn toàn có thể cho tồn tại và hoàn công cấp giấy chứng nhận cho người dân. Điều này tránh sự đối đầu về quyền lợi giữa chính quyền và người dân. Tuy nhiên, phải làm thật chặt chẽ, tránh tạo các kẽ hở để bị lợi dụng”, vị này cho biết.
Hàng ngàn nhà dân thoát án phạt
Anh Tuấn, có nhà tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), cho biết căn nhà của anh đã xây xong từ năm 2016, nộp hồ sơ hoàn công gần 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong để làm sổ đỏ. Nguyên nhân các cơ quan chức năng xác định nhà anh xây lố một cái sân thượng rộng khoảng 40 m2. Thời gian qua, anh Tuấn chạy qua chạy lại giữa UBND xã Phước Kiển và UBND H.Nhà Bè nhiều lần nhưng hồ sơ vẫn “ngâm” tại UBND xã Phước Kiển. Mới đây nhất, UBND H.Nhà Bè đã họp và thống nhất sẽ hoàn công cấp sổ cho căn nhà của anh Tuấn, nhưng hồ sơ đến nay vẫn “kẹt” ở chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Nhà Bè.
“Do là khu tái định cư nên nhà xây không phải xin phép xây dựng, chỉ cần báo với UBND xã Phước Kiển để được cấp lệnh khởi công. Lúc đó chính quyền địa phương cũng không nói rõ xây bao nhiêu tầng, chỉ cho biết chiều cao nhà không được quá 14,5 m, lùi trước 3 m, lùi sau 2 m. Nhà tôi đã xây tuân thủ đúng như vậy, nhưng khi đi làm thủ tục hoàn công thì bị lố cái sân thượng khoảng 40 m2 và tắc đến nay gần 2 năm vẫn chưa hoàn công ra sổ đỏ được”, anh Tuấn cho biết. Với quy định mới, anh Tuấn hy vọng sẽ sớm làm sổ đỏ, hợp pháp hóa căn nhà đang ở.
Một trường hợp khác là anh Trung từ năm 2016 đến nay đi hoàn công cho căn nhà ở Q.9 (TP.HCM) nhưng không được do thực tế nhà có một số điểm khác so với giấy phép xây dựng được duyệt. Anh Trung cho biết theo giấy phép xây dựng, cửa chính ban đầu là thụt vào khoảng 1,5 m để mở hướng nam. Nhưng xây lên thấy chật, không phù hợp thực tế và thay vì lùi vào như thiết kế, anh lại xây bằng với cửa sổ mở ra hướng tây. Ngoài ra, nhà vệ sinh lầu 1 phía sau xây lấn khoảng 1,5 m2 trên phần đất của ban công, nhưng không lấn ra ngoài và hoàn toàn trong lộ giới vì nhà có chừa sau 1,5 m làm sân.
“Những vi phạm này không lấn chiếm khoảng lùi, chỉ thay đổi lại thiết kế. Khi đi làm thủ tục hoàn công, cơ quan chức năng yêu cầu đóng tiền phạt cho các lỗi trên khoảng 50 triệu đồng. Do mình thấy những lỗi trên không đáng và thực tế không hề vi phạm quy hoạch, lộ giới, khoảng lùi, chiều cao nên không chịu. Chính vì vậy, việc hoàn công căn nhà đến nay vẫn chưa thực hiện được”, anh Trung cho hay.
PGS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, phân tích tình trạng nhà xây thực tế khác với giấy phép là phổ biến. Bởi có người đến lúc xây nhà rồi mới thấy chỗ này chưa hợp lý, chỗ kia cần sửa chữa; hoặc đi ngoài đường thấy nhà người ta “ngon” hơn của mình cũng có thể dẫn đến xây khác đi so với thiết kế ban đầu. Những trường hợp như vậy phải cho người ta có thời gian, có quyền, có thủ tục để sửa lại cho ngôi nhà hợp lý hơn chứ không thể bắt vẽ một lần và phải làm đúng như vậy, ở suốt đời.
Nhiều nhà dân xây dựng sai phép sẽ thoát án phạt và được tồn tại. ẢNH: ĐÌNH SƠN
“Những người dân bình thường dành dụm cả đời mới có được số tiền lớn xin phép cất nhà. Nhiều trường hợp tới phòng quản lý đô thị thuê dịch vụ xin phép xây dựng, các công ty này vẽ đại cho họ để ra được giấy phép. Đến lúc xây dựng mới thấy căn nhà không đẹp hoặc nhiều điểm không hợp lý nên muốn sửa lại cũng là điều nên làm. Vì vậy, các trường hợp sai so với giấy phép xây dựng nhưng phù hợp quy hoạch cần hoàn công cấp sổ đỏ cho người dân”, ông Hiệp nói.
Tuy nhiên theo ông Hiệp, với những nhà xây dựng không phép ở Hà Nội và TP.HCM nên đập luôn, không tha. Còn ở các tỉnh khác nhỏ hơn thì có chính sách riêng, không thể áp chính sách này trên cả nước. Bởi các đô thị lớn trật tự được thiết lập thì người dân phải tuân theo, còn ở một cái xã nào đó “xa lắc xa lơ” người dân cũng không biết luật, làm nhà không xin phép xây dựng thì không thể nào đập ngang được. Làm như vậy mới giữ được trật tự trong xây dựng.
Sau khi Thông tư 03 được ban hành, Sở đã soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện để UBND TP chỉ đạo các quận/huyện thực hiện thống nhất chủ trương này. Hiện Thanh tra Sở Xây dựng cũng đang phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê số lượng nhà ở xây dựng sai phép, không phép nhưng phù hợp quy hoạch. TP cũng đang có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm tổ chức lại bộ máy thanh tra xây dựng theo hướng chuyển 85% lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay về quận/huyện, giữ lại 15% lực lượng thanh tra làm thanh tra Sở. Nếu Thủ tướng chấp thuận thì quy chế phối hợp mới cũng sẽ được ban hành để có thể triển khai ngay. - Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh