Amazon và Walmart, đều là hai công ty bán lẻ khổng lồ toàn cầu, đang có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau đối với câu chuyện đổi mới. Amazon kiên quyết tự sáng tạo, còn Walmart lại lựa chọn mua lại những ý tưởng mới.
Ảnh: Bartek Sadowski / Bloomberg
Năm ngoái, số lượng bằng sáng chế của Amazon một lần nữa gia tăng. Rõ ràng chiến lược mà công ty đang hướng tới là tự phát minh, thay vì mua lại các ý tưởng lớn để ứng dụng trong lương lai. Amazon hiện đang nỗ lực thực hiện đổi mới thông qua các công nghệ tự xây dựng, với minh chứng gần nhất là công ty sẽ thay thế nhiều nhân lực hơn bằng một giải pháp thuật toán khác. Công ty này đã nhận được 1.963 bằng sáng chế vào năm 2017, theo dữ liệu mới nhất của IFI Claims, một công ty chuyên theo dõi dữ liệu bằng sáng chế toàn cầu. Amazon có nhiều bằng sáng chế hơn bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào khác trong ngành (7.096). Trên thực tế, vào năm ngoái, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến đã chi 22,6 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 41% so với năm 2016, cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Con số này nhiều hơn bất kỳ công ty Mỹ nào, bao gồm Microsoft, Intel, Facebook, thậm chí cả Apple, theo Recode.
Amazon đã tập trung vào việc sáng tạo trong thời gian dài. Điều này bắt nguồn từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong kỷ nguyên dot-com, khi công nghệ Internet bùng nổ. Sáng tạo mua hàng chỉ qua một cú nhấp chuột của Amazon, được cấp bằng sáng chế năm 1999, đã dựng nên tiêu chuẩn cho toàn bộ ngành bán lẻ.
Sau gần hai mươi năm, hiện tại chúng ta có Amazon Prime và Amazon Marketplace. Amazon vẫn đi trước thời đại, tự mình sáng tạo ra tất cả những gì có thể bằng cách định hình và dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng. Theo một bài báo gần đây của CNBC, vào năm ngoái, công ty đã được cấp bằng sáng chế cho gương thử trang phục ảo. Phát minh này cho phép khách hàng thử quần áo bằng cách phỏng chiếu các trang phục khác nhau lên người dùng. Amazon cũng đã nhận được bằng sáng chế cho phương tiện giao hàng trên không được trang bị cảm ứng thông minh, tùy chọn tắt tiếng chế độ video của Amazon Echo hướng tới quyền riêng tư của người dùng, thậm chí cả phát minh có khả năng phát hiện xe tự lái bị hack.
Ngược lại, Walmart hiện chỉ nắm trong tay 349 bằng sáng chế. Phần lớn chiến lược đổi mới của công ty đều dựa trên hoạt động mua lại những ý tưởng mới tốt nhất.
Theo TechCrunch, cuối năm ngoái, Walmart xem hoạt động mua lại là cốt lõi cho mô hình đổi mới của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, bán lẻ và kinh doanh thương hiệu dành cho khách hàng quen thuộc với công nghệ kỹ thuật số (digital native brands). Marc Lore, CEO thương mại điện tử Mỹ của Walmart, người sáng lập Jet.com (được Walmart mua lại vào năm 2016), nhấn mạnh rằng, theo quan điểm của công ty "định vị cụ thể tốt hơn định vị đại chúng" (specialist positioning is better than mass). Các thương vụ mua lại gần đây của Warmart bao gồm ShoeBuy, Moosejaw, Bonobos, Parcel, Hayneedle và ModCloth, và hành trình mua lại này sẽ vẫn được tiếp tục.
Walmart cũng đã bắt đầu xây dựng Store No.8, vườn ươm doanh nghiệp của riêng công ty, nhằm mục đích "nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp", cho phép họ hoạt động như mọi công ty khởi nghiệp khác, nhưng "được bảo vệ bởi tổ chức và được hỗ trợ bởi nhà bán lẻ lớn nhất thế giới", theo Lore.
Ngoài ra, Walmart Labs, nhánh nghiên cứu của Walmart, đầu tư vào các doanh nghiệp với hình thức tương tự như đầu tư mạo hiểm (VC) và cung cấp vốn bổ sung. Website của Walmart Labs có các khoản đầu tư vào tối ưu hóa, giao hàng đám đông, ứng dụng di động và rô bốt làm việc tại cửa hàng… Gần đây, Warmart đã mua lại Spatialand, một công ty công nghệ thực tế ảo, với mục tiêu cải thiện trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, Walmart Labs hiện đang tuyển dụng hơn 400 vị trí, bao gồm các chuyên gia khoa học dữ liệu, kỹ sư điện toán đám mây và kỹ sư dữ liệu trực tuyến. Rõ ràng công ty mẹ Warmart đang chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nhánh nghiên cứu này.
Vậy chiến lược nào sẽ chiến thắng? Thật khó để phân định. Cả Amazon lẫn Walmart đều không muốn dồn tất cả nguồn lực mình có vào một nơi. Walmart hiện đang chờ cấp bằng sáng chế cho công nghệ máy bay không người lái (drone) tại cửa hàng, giỏ mua hàng thông minh, thiết bị theo dõi di động và blockchain. Amazon đã công bố 10 thương vụ mua lại vào năm 2017. Việc mua lại Whole Foods cho thấy Amazon sẵn lòng thực hiện các thương vụ mua lại nhằm mở rộng mô hình công ty sang các ngành mới.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: để thành công, cả hai công ty không chỉ nên nhìn vào những gì mình có thể làm được, mà còn phải nhìn ra những gì người tiêu dùng cần. Đây là điều rất khó thực hiện bởi có nhiều công ty, cũng như công nghệ sáng tạo mới đã thất bại. Người tiêu dùng vẫn là nhân tố chính nắm giữ thị trường, trong khi Walmart và Amazon đang tiến bước trên hai cung đường song song nhằm tiếp cận gần nhất với nhu cầu của khách hàng.