Visa gặp sự cố: Châu Âu đã sẵn sàng cho thanh toán hoàn toàn không tiền mặt?

Giả thiết nếu các dịch vụ của MasterCard cũng rơi vào tình huống ngưng hoạt động tương tự, trong khi không có tiền mặt, chúng ta sẽ gặp rắc rối đối với việc thực hiện thanh toán, khi mà tiền mã hóa cũng không phải là một sự lựa chọn.
Visa gặp sự cố: Châu Âu đã sẵn sàng cho thanh toán hoàn toàn không tiền mặt?

Thẻ Visa gặp lỗi hệ thống trên toàn châu Âu vào ngày 01.06.2018 - Ảnh: Leon Neal/Getty Images

Hãng thẻ Visa vừa ra thông báo các dịch vụ của công ty đã trở lại hoạt động bình thường sau khi gặp sự cố lỗi phần cứng hệ thống, làm toàn bộ người dùng thẻ Visa tại châu Âu không thể dùng thẻ thanh toán trong vòng vài giờ vào ngày 01.06.2018.

Visa đã đưa ra lời xin lỗi trong một thông báo chính thức và khẳng định sự cố không liên quan đến các hoạt động tấn công mạng hoặc truy cập trái phép. Tuy nhiên, nhiều khách hàng thông báo tài khoản họ đã bị mất tiền.

Châu Âu liệu đã thực sự sẵn sàng bỏ hoàn toàn tiền mặt? Giả thiết nếu các dịch vụ của MasterCard cũng rơi vào tình huống ngưng hoạt động tương tự, trong khi không có tiền mặt, chúng ta sẽ gặp rắc rối đối với việc thực hiện thanh toán, khi mà tiền mã hóa cũng không phải là một sự lựa chọn.

Mặc dù tại Anh, thẻ tín dụng có mặt từ những năm 1950, nhưng các loại hình thanh toán di động mới thực sự là chất xúc tác làm cho việc sử dụng tiền mặt ngày càng ít đi, đặc biệt là tại những quốc gia như Mỹ, nơi mà việc thanh toán đều thực hiện qua các thao tác vuốt màn hình, tương tự như cách người châu Âu nhập mã PIN hay sử dụng thẻ thanh toán mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với dụng cụ đọc thẻ.

Những câu như “chúng tôi không nhận tiền mặt” ngày càng được nghe nhiều tại châu Âu nhờ vào những cải tiến của công nghệ, trung bình 80% khách hàng sẵn sàng sử dụng thẻ, các cửa hàng tin rằng bước đi hợp lý tiếp theo là việc hoàn toàn không còn chấp nhận thanh toán tiền mặt.

Theo G4S, đơn vị quản lý hệ thống phân phối tiền mặt cho biết, tiền giấy chiếm 9,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu, tăng so với tỉ lệ 8,1% của năm 2011. Vì thế, chúng ta có thể sẽ không thể sớm chứng kiến một xã hội hoàn toàn không tiền mặt.

Trong tất cả các quốc gia, Thụy Điển được coi như nơi tiên phong trong việc hoàn toàn không sử dụng tiền mặt, trong khi chưa có một quốc gia nào khác làm được như vậy. Tiền mặt chỉ chiếm 20% trong tổng số các giao dịch, dưới mức trung bình 75% của thế giới.

Thụy Điển đã giảm bớt việc sử dụng tiền mặt xuống một nửa bằng những ứng dụng trên điện thoại thông minh ngày càng phổ biến như Swish. Theo Ngân hàng trung ương của nước này, Riksbank, nhiều người Thụy Điển sử dụng thẻ thanh toán hơn là tiền mặt.

Hơn thế nữa, 85% người dân có thể tiếp cận vào các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Tỉ lệ tiền mặt đang lưu hành cũng giảm qua mỗi năm. Chỉ còn 2% các giao dịch sử dụng tiền mặt và con số này được mong đợi sẽ tiếp tục giảm vào năm 2020.

Sự chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán thẻ đang diễn ra nhanh đến nỗi thống đốc của Riksbank, ông Stefan Ingves đã nói rằng, một xã hội không tiền mặt hoàn toàn là kết quả của việc chỉ có một số các tổ chức thương mại chịu trách nhiệm cho toàn bộ các giao dịch thanh toán ở Thụy Điển.

Tuy nhiên, ông Ingves cũng cho biết thêm, nếu có bất kì khủng hoảng nào diễn ra như sự cố ngừng hoạt động vừa rồi của Visa, thì Thụy Điển cũng chưa có bất kì sự chuẩn bị nào và đâu đó, vẫn có số ít người dân nước này không tiếp cận bất kì hình thức thanh toán điện tử, chẳng hạn như người cao tuổi hay người tị nạn.

Phó thống đốc Riksbank, bà Cecilia Skingsley từng phát biểu với báo chí: “Chúng tôi khởi đầu bằng việc cung cấp các loại tiền mặt cho người dân và họ vẫn muốn sử dụng chúng so với các hình thức khác, miễn sao an toàn và hiệu quả.”

Mặc dù vẫn còn một số người không có tài khoản ngân hàng số, Thụy Điển có thể “xảy ra tình huống mà tiền pháp định không còn là phương tiện trao đổi trung gian hiệu quả cho các giao dịch thương mại và đây là tình huống mà chưa quốc gia nào trên thế giới từng trải qua,” bà Skingsley nói.

Người dân tại châu Âu vẫn đang sử dụng tiền mặt và điều này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, mà cũng có thể là hàng thập kỉ nữa, toàn bộ châu lục này mới có thể trở thành nền kinh tế hoàn toàn không tiền mặt, nhất là khi thói quen sử dụng tiền mặt vẫn chiếm tỉ lệ trung bình 75% trên toàn cầu.