Khi các ứng dụng giao thức ăn như Uber Eats phát triển và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với những người tiêu dùng thiếu thốn thời gian, liệu mua thức ăn giao tận nơi có thay thế được nhu cầu nấu ăn tại nhà? - Ảnh: Jack Taylor / Getty Images
Những người tiêu dùng thiếu thời gian và luôn đề cao sự tiện lợi, dẫn đầu nhóm khách hàng này là thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000), đang thể hiện sự hào hứng với thức ăn được giao tận nơi. Dịch vụ này là một điểm sáng trong ngành nhà hàng ảm đạm, nhưng nó có thể đặt dấu chấm hết cho các bữa ăn nấu tại gia hay không?
Trong một báo cáo dài 82 trang được công bố đầu tháng 6.2018 với tựa đề “Is the kitchen dead?” (Căn bếp tại nhà đã chết?), ngân hàng đầu tư UBS đã nhắc lại nhiều nghiên cứu và đưa ra triển vọng phát triển cho doanh số kinh doanh thức ăn trực tuyến toàn cầu. UBS dự báo doanh số của dịch vụ giao thực phẩm tận nơi toàn cầu có thể tăng trung bình hơn 20% mỗi năm, lên con số 365 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, từ mức 35 tỉ đô la Mỹ hiện tại.
Báo cáo có đề cập tới thực tế rằng các nhà hàng, từ McDonald đến Buffalo Wild Wings, đang tỏ ra hứng thú với dịch vụ giao thức ăn tận nơi và đã ký hợp đồng với các ứng dụng chuyên về dịch vụ này như Uber Eats. Danh sách nhà hàng hợp tác của Uber Eats gần như tăng gấp ba trong vòng một năm qua. UBS cũng phát hiện ra rằng, thế hệ Millennial có khả năng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi nhiều hơn gấp ba lần so với thế hệ cha mẹ mình. Chưa hết, các ứng dụng giao thức ăn hiện đang nằm mức trung bình trong danh sách top 40 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở các thị trường lớn.
Qua báo cáo bao gồm khảo sát hơn 13.000 người tiêu dùng trên toàn cầu, UBS đã chỉ ra viễn cảnh: “Năm 2030, rất có thể hầu hết các bữa ăn hiện được nấu tại nhà sẽ được đặt hàng trực tuyến và giao hàng tới tận nơi từ các nhà hàng hoặc nhà bếp trung tâm (một hình thức bếp nội bộ của các công ty thuộc ngành dịch vụ ăn uống)."
UBS nhận định các mô hình kinh doanh trực tuyến đã và đang biến đổi nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ cho tới dịch vụ taxi. Và giờ đây, chúng đang làm điều tương tự với các siêu thị và nhà hàng.
"Tầm quan trọng của nấu ăn tại gia có khả năng sẽ biến mất và trở thành tự nấu thức ăn sáng hoặc pha trà, cũng giống như may vá tại nhà đã thay đổi từ việc tự may một chiếc quần nay sang chỉ còn là sửa quần áo đơn giản (...) Chúng ra có thể đang ở giai đoạn đầu tiên của công nghiệp hóa việc nấu nướng và giao thức ăn.”
Tại sao điều này lại xảy ra? Đó là nhờ các yếu tố bao gồm lực lượng lao động rẻ và sẵn có trong "gig economy" (nền kinh tế tự do, tồn tại nhiều công việc ngắn hạn): các "căn bếp ẩn" làm nên thức ăn chuẩn nhà hàng chỉ để đem giao, robot có khả năng lật bánh mì kẹp thịt hoặc làm salad và máy bay không người lái dùng để giao thức ăn. Báo cáo cho biết tổng chi phí sản xuất của một bữa ăn được nấu một cách chuyên nghiệp và đem giao tận nơi rất cận với chi phí của một bữa ăn nấu tại nhà, hoặc thậm chí có thể rẻ hơn nếu xét cả nhân tố thời gian.”
Báo cáo nhận định nếu điều này xảy ra trên quy mô lớn, siêu thị và những đơn vị khác trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm truyền thống cùng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng gói, bao gồm Kraft Heinz, General Mills, Nestle và Unilever, có thể bị tổn thương. Nếu nhà bếp ngày càng ít được sử dụng, có khả năng nhiều ngôi nhà sẽ được thiết kế không bếp hoặc có bếp nhưng diện tích bị thu nhỏ đi rất nhiều. Trong khi đó, những hình thức căn hộ và sắp xếp sinh hoạt như Wework của WeLive (nơi các cá nhân sinh sống chung trong một căn hộ và chia sẻ một phần tiện nghi sinh hoạt với nhau) có thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu của thế hệ Millennial, những người muốn sống một mình nhưng vẫn mong tận hưởng các tiện nghi và dịch vụ chung, chẳng hạn như bếp chung.
"Đối với hơn 25% những hộ gia đình chỉ có một thành viên ở Mỹ và Anh, lợi ích kinh tế của việc chia sẻ thay vì sở hữu riêng một căn bếp ít khi sử dụng có thể ngày càng trở nên rõ nét hơn," UBS cho biết.
Điều này đồng nghĩa với ảnh hưởng xấu đến ngành kinh doanh đồ gia dụng. Thị trường bất động sản thương mại cũng có thể bị tác động nếu nhiều nhà hàng lựa chọn xây dựng nhiều "nhà bếp ẩn" hơn nhằm đáp ứng nhu cầu mua thức ăn giao tận nơi ngày càng tăng, thay vì mở thêm các nhà hàng, cửa hàng ăn phục vụ tại chỗ ở những địa điểm đắc địa.
Tiết kiệm thời gian và chi phí có đủ để chấm dứt thói quen tự nấu ăn?
Tuy vậy, có bao nhiêu phần trăm để viễn cảnh kể trên có thể trở thành hiện thực? UBS thừa nhận "đây là một điều không chắc chắn" bởi xu hướng suy giảm trong thói quen nấu ăn tại nhà có thể bị đảo ngược do các yếu tố bao gồm: sự ngày càng phổ biến của các gói thực phẩm sơ chế, các thiết bị nhà bếp thông minh cùng các ứng dụng nấu ăn.
Dù chi phí mua thức ăn giao tận nơi có thể đủ thấp để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định không nấu ăn một cách dễ dàng, nhiều nghiên cứu khác cho thấy có những cá nhân, trong số đó có thế hệ Millennial, lại dành nhiều thời gian ở nhà và thực sự nấu ăn. Đây được xem như một phần của trải nghiệm cá nhân để sau đó những người này khoe khoang trên mạng xã hội. Đó là chưa kể đến xu hướng nấu ăn sử dụng nguyên liệu tươi sống và tốt cho sức khỏe cùng mong muốn được kiểm soát chế độ ăn của người tiêu dùng.
Một minh chứng điển hình cho sự tồn tại của thói quen tự nấu ăn là gói thực phẩm theo tháng, trong đó khách hàng đăng kí và nhận được một hộp chứa các sản phẩm phù hợp định kì. Đây vẫn là một trong những hạng mục lớn nhất của ngành công nghiệp kinh doanh hộp định kì (subscription box) vốn nhiều cạnh tranh. Theo một nghiên cứu của Hitwise, các công ty sản xuất gói thực phẩm sơ chế như Blue Apron và Hello Fresh đều nằm trong top năm website kinh doanh hộp định kì được truy cập nhiều nhất tại Mỹ vào tháng 4 với hơn ba triệu lượt truy cập mỗi website.
Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, số lượng người trưởng thành được đánh giá là “đam mê nấu ăn” tại Mỹ tăng lên mỗi năm, từ 98 triệu người trong năm 2014 lên 115 triệu người trong năm 2017. Gần 80% tổng số người Mỹ cho biết, họ tự nấu từ nguyên liệu chưa qua chế biến một đến hai lần mỗi tuần trong năm 2017, con số này cao hơn hẳn so với 70% từng được ghi nhận trong năm 2015. Mintel cho biết vào năm 2017, 80% những người thuộc thế hệ Millennial thỉnh thoảng vẫn tự mình nấu nướng bằng nguyên liệu chưa qua chế biến, tăng cao so với số liệu 67% của năm 2015.
“Các khách hàng thuộc thế hệ Millennial bị hấp dẫn bởi nấu ăn tại gia, đặt thức ăn từ các nhà hàng giao về tận nơi và ăn thật nhanh trong các nhà hàng bình dân hay nhà hàng thức ăn nhanh,” Sally Smith nhận định trong một lá thư viết vào tháng tháng 5.2017 gửi các cổ đông trước khi từ chức chủ tịch và CEO của chuỗi nhà hàng Buffalo Wild Wings.
Một nghiên cứu khác từ tập đoàn NPD đã phát hiện ra rằng thế hệ Millennial, những người trong độ tuổi từ 21 đến 36, xem bữa tối là một trải nghiệm. Khoảng một phần ba những dịp ăn tối của họ đều có ít nhất một món ăn tự nấu, dù một số người thoải mái tự “biến tấu” khái niệm thức ăn tự nấu thành làm salad hoặc lấy một vài nguyên liệu đã được chế biến sẵn ra và xào nấu chút ít.
Tập đoàn NPD cũng chỉ ra rằng mặc dù thế hệ Millennial mong muốn mọi thứ tiện lợi hơn nữa và sẵn sàng bỏ qua bước chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng tốn thời gian; khi thế hệ này bắt đầu xây dựng tổ ấm và có con, họ vẫn quan tâm đến thực phẩm tươi sống và muốn tham gia vào quá trình chuẩn bị thức ăn.
Nghiên cứu của Mintel cũng nhắc lại quan điểm rất khác nhau của người tiêu dùng về khái niệm “tự nấu ăn”. Nhiều nam giới và thanh niên cho rằng mình đã tự tay nấu một bữa ăn dù chỉ đơn giản là sử dụng lò vi sóng hoặc lò nướng bánh mỳ.
Tiết kiệm thời gian và sự tiện lợi là những yếu tố then chốt thúc đẩy doanh số của ngành dịch vụ giao thức ăn tận nơi, nhưng liệu chúng có đủ để thay thế trải nghiệm về một căn bếp thực sự và một bữa ăn tự nấu không, đây lại là một câu hỏi lớn chờ lời đáp.