CEO của hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi, Lei Jun tham dự cuộc họp báo về đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty tại Hồng Kông ngày 23.06.2018 - Ảnh: Philip FONG /AFP
Một loạt các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang ồ ạt bán cổ phần thông qua IPO. Cứ một công ty lên sàn sẽ thu hút được sự chú ý của ít nhất ba trong số những người giàu có nhất Trung Quốc. Tuy vậy, mức định giá cao khiến các cổ phiếu này khó bán được cho các nhà đầu tư khác trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 26 công ty công nghệ Trung Quốc đã chào bán các cổ phiếu mới trị giá 8,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 9% tổng giá trị IPO toàn cầu, theo Dealogic. Trong số đó, bao gồm cả công ty sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi. Hãng dự định huy động tới 6,1 tỉ đô la Mỹ thông qua đợt bán cổ phần tại Hong Kong. Đây dự kiến là sẽ là thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong suốt hai năm qua. Meituan-Dianping, một công ty cung cấp dịch vụ giao thức ăn online, cũng đã nộp hồ sơ đăng ký IPO tại Hong Kong trong năm nay. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này được cho rằng đang hướng tới mức định giá công ty lên tới 60 tỉ đô la Mỹ sau IPO.
Trong khi đó, các đợt niêm yết với quy mô lớn hơn đang trong giai đoạn chuẩn bị: công ty tài chính Ant Financial của Jack Ma hiện đang rục rịch chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu, có thể diễn ra sớm nhất vào năm sau. Công ty con về thanh toán của Alibaba vừa mới hoàn tất đợt huy động vốn khủng trong tháng 6 vừa qua, giúp giá trị của công ty đạt 150 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, một vài nhà phân tích nhấn mạnh cần cảnh giác trước sự gia tăng đột biến về số lượng của các thương vụ IPO. Nguyên nhân là do hầu hết các công ty rất khó có thể minh chứng bản thân tương xứng với mức giá trị cao như vậy trong tương lai gần.
Chuẩn bị sẵn sàng
Các công ty chuẩn bị niêm yết đang tận dụng ưu thế từ thay đổi gần đây trong quy định niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong. Để thu hút thêm nhiều công ty công nghệ, thị trường chứng khoán Hong Kong đã bắt đầu cho phép các công ty thực hiện IPO với cổ phiếu hai tầng (dual-class shares), cho phép cổ đông sáng lập có quyền biểu quyết lớn hơn những cổ đông khác. Đây là một cấu trúc sở hữu được sử dụng rộng rãi bởi các gã khổng lồ công nghệ tại Mỹ và Trung Quốc nhằm đảm bảo người quản lý vẫn nắm được quyền kiểm soát sau khi cổ phiếu được bán ra công chúng. Sau nhiều năm phát triển nhanh chóng tại quê nhà, một số công ty công nghệ Trung Quốc đang hướng tới việc bành trướng sang các thị trường nước ngoài và họ cần nhiều vốn hơn để thực hiện điều này. Một ví dụ là Xiaomi, công ty này hiện đang tăng rộng độ phủ sóng tại châu Âu để cạnh tranh với Apple và Samsung trong việc thu hút người tiêu dùng.
Paul Gillis, giáo sư kế toán tại đại trường quản trị kinh doanh Guanghua thuộc đại học Bắc Kinh, cho rằng: "Sau Alibaba, không có nhiều công ty công nghệ Trung Quốc thực hiện IPO. Hiện tại, rất nhiều công ty sẵn sàng niêm yết và thị trường cũng đang rất khả quan."
Khách hàng chờ thanh toán ở quầy dịch vụ trong một cửa hàng Xiaomi tại Paris (Pháp) - Ảnh: Christophe Morin/Bloomberg
Tuy nhiên, niềm tin của thị trường có thể sẽ thay đổi nhanh chóng. Một yếu tố khác khiến các công ty ồ ạt tiến hành IPO đó là căng thẳng leo thang trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các thị trường tài chính trên toàn cầu đang đón nhận ảnh hưởng tiêu cực từ hàng rào thuế đánh lên nhiều ngành hàng và điều này có thể dẫn đến sự bất ổn lớn hơn đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, Benson Wong, nhà phụ trách bộ phận khởi nghiệp tại PwC ở Hồng Kông, nhận định.
Một vài doanh nghiệp hàng đầu ở châu Á có cùng quan điểm với nhận định trên. Theo Bloomberg, tỉ phú Lý Gia Thành dự định mua 30 triệu đô la Mỹ cổ phiếu của Xiaomi. Pony Ma của Tencent và Jack Ma của Alibaba cũng đang thu thập một lượng cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại thông minh này. Sự chống lưng của doanh nhân giàu nhất Hồng Kông và hai người giàu nhất Trung Quốc sẽ giúp trả lời một số câu hỏi và hoài nghi xoay quanh việc niêm yết của Xiaomi.
Nghi ngờ gia tăng
Lei Lei Jun, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, đã giới thiệu tiềm năng của công ty đến từ kinh doanh quảng cáo và các trò chơi trực tuyến, được truyền tải trên dòng thiết bị công nghệ giá rẻ đang phát triển của công ty. Lợi nhuận từ các dịch vụ này lớn hơn rất nhiều so với những gì công ty này có thể có được từ kinh doanh điện thoại, lĩnh vực vẫn đang mang lại phần lớn doanh thu cho Xiaomi.
Thế nhưng Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã công khai đưa ra câu hỏi việc Xiaomi định vị bản thân là một công ty Internet liệu có "chính xác" hay không, bởi 70% doanh thu công ty đều xuất phát từ kinh doanh điện thoại. Bên cạnh việc thực hiện IPO ở Hong Kong, Xiaomi cũng đã có kế hoạch bán cổ phần thông qua một loại hình chứng khoán mới được gọi là chứng chỉ lưu ký (China Depositary Receipts). Tuy nhiên những kế hoạch đó đã bị hoãn lại vô thời hạn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc có một quy tắc bất thành văn, đó là giá trị các thương vụ niêm yết mới bị giới hạn ở mức 23 lần thu nhập mà doanh nghiệp từng đạt được. Điều này không mấy hấp dẫn đối với các công ty công nghệ phát triển nhanh chóng như Xiaomi. Tham vọng ban đầu của nhà sản xuất điện thoại thông minh này là bán 100 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu, tức là giá trị của công ty sẽ cao gấp 54 lần lợi nhuận hoạt động năm 2017; so sánh với Apple - doanh nghiệp sản xuất thiết bị và điện thoại thông minh có mức lợi nhuận cao nhất thế giới - được định giá gấp 15 lần thu nhập năm 2017, và công ty Internet lớn nhất Trung Quốc là Tencent được định giá gấp 34 lần lợi nhuận hoạt động năm ngoái.
Ông Ken Xu, partner tại Thượng Hải của công ty đầu tư Gobi Partners cho biết: "Cho dù đó là Hồng Kông hay Trung Quốc đại lục, hiện tại đều đặt ra sự kiểm soát nhất định về mức giá để đảm bảo sự ổn định của thị trường. Để được niêm yết, các công ty công nghệ của Trung Quốc phải đạt được sự cân bằng nhất định giữa sự kiểm soát của nhà quản lý và mức định giá mà họ mong muốn".
Sợ bỏ lỡ cơ hội đầu tư
Meituan, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đánh giá nhà hàng và giao thức ăn của Trung Quốc, có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự. Giáo sư Gillis tại đại học Bắc Kinh cho rằng, mục tiêu 60 tỉ đô la Mỹ của công ty này “khó hiểu” bởi Meituan tiết lộ đã lỗ 2,9 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. 60 tỷ đô giá trị niêm yết của doanh nghiệp này bao gồm các mục chỉ được phát sinh một lần như quyền chọn cổ phiếu và thay đổi giá trị cổ phiếu ưu đãi. Tuy vậy, công ty này cũng đã chi tiêu khá nhiều để giành thị phần trong cuộc đua khốc liệt với các công ty đối thủ được chống lưng bởi "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba và công ty du lịch Trung Quốc Ctrip.
"Tuy nhiên, vẫn có khả năng nhu cầu dành cho các cổ phiếu này tồn tại," ông Xu cho biết. Cả Xiaomi và Meituan đều là những cái tên quen thuộc với các hộ gia đình tại Trung Quốc và là những công ty dẫn đầu thị trường trong các phân khúc kinh doanh của mình. Cuối cùng, rất có thể hai công ty sẽ trỗi dậy để thách thức “bộ tam đại gia công nghệ” hiện tại của quốc gia này là Baidu, Alibaba và Tencent.
"Định giá của họ thực sự ở mức vô cùng đắt đỏ," ông Xu nhận định. "Nếu bạn nhìn vào các nền tảng của những doanh nghiệp này thì các mục tiêu có vẻ không hợp lý. Nhưng tất cả mọi người đều đang đặt cược rằng, đây sẽ là những gã khổng lồ tiếp theo ở Trung Quốc, và không ai muốn bỏ lỡ điều này."