Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của công nghệ blockchain. Ý tưởng tạo nên sự tin tưởng bằng cách sử dụng mạng lưới phân tán hơn là bằng trung tâm kiểm soát hoàn toàn thuyết phục và có tiềm năng mang đến nhiều lợi ích cho tài chính, quản lý quyền sở hữu điện tử, hệ thống bầu cử, quản lý chuỗi cung ứng và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng vào tầm quan trọng của việc nhận biết được những trở ngại có thể ngăn cản sự chấp nhận đối với công nghệ mới này. Một cái nhìn sáng suốt về những trở ngại này sẽ khiến cho blockchain sớm được chấp nhận một cách dễ dàng hơn và tạo ra nhiều cơ hội hưởng lợi từ hệ sinh thái blockchain trong tương lai.
Với tư tưởng trên, dưới đây là năm thách thức lớn đối với sự phát triển của công nghệ blockchain.
Blockchain đang đứng trước nhiều thách thức để được chấp nhận rộng rãi - Thiết kế: Hiếu Nguyễn
1. Quảng cáo phóng đại
Không bất ngờ nếu cho rằng, có quá nhiều quảng cáo phóng đại xung quanh công nghệ này. Dù một vài người có nói gì trên báo chí đi chăng nữa, thì blockchain vẫn không phải giải pháp cho mọi vấn đề. Trên thực tế, công nghệ blockchain không thể áp dụng vào mọi lĩnh vực.
Vì sao điều này quan trọng? Bởi một công nghệ có thể hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng có thể có nhiều chi phí đi kèm. Khi mà các dự báo lạc quan không được hiện thực hoá, sự mất tín nhiệm sẽ khiến cho việc chấp nhận công nghệ mới trở nên khó khăn hơn đối với mọi thành viên tham gia trong hệ sinh thái, bao gồm cả nhiều nhà khởi nghiệp từ blockchain. Họ cần lưu ý không nên hứa hẹn quá nhiều, cần đảm bảo những đề xuất ở mức hợp lý đối với nhà đầu tư và mang đến cho thị trường những sản phẩm được thiết kế tốt.
2. Blockchain có thể đánh mất tính toàn vẹn
Chúng ta thường được nghe giải thích rằng blockchain hưởng lợi từ sự toàn vẹn (intergrity), không thể xâm phạm hay sửa đổi. Tuy nhiên, nhận định này còn quá đơn giản. Trước tiên, đây không phải là một khối, mà có rất nhiều chuỗi khối. Và một vài chuỗi khối chắc chắn hơn các chuỗi khối khác. Thứ hai là một blockchain toàn vẹn hôm nay có thể mất đi tính toàn vẹn trong tương lai. Lấy ví dụ, những hệ thống dựa trên bằng chứng xử lý (proof of work) điển hình, như bitcoin chẳng hạn, được thiết kế với giả định rằng, không có một nút mạng nào kiểm soát quá 50% năng lượng xử lý trên toàn mạng lưới.
Mạng lưới các nút mạng cùng nhau quản lý blockchain có thể phát triển theo thời gian, và không loại trừ khả năng một trong những giả định dựa trên tính toàn vẹn của hệ thống có thể sẽ không còn đúng nữa. Công nghệ blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực cần lưu trữ dữ liệu trong vòng từ nhiều năm cho đến nhiều thập kỉ. Vì vậy, cần phải suy nghĩ nhiều hơn về cơ chế hoạt động của blockchain để đảm bảo rằng, những sổ cái (ledger) liên quan có thể giữ được sự vững chắc theo thời gian. Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về việc cần phải làm gì trong trường hợp khối dữ liệu ban đầu mất đi tính toàn vẹn của nó.
3. Huy động hàng trăm triệu đô la Mỹ thông qua ICO chỉ với không gì hơn một "white paper"
ICO, huy động vốn lần đầu bằng phát hành đồng tiền mã hoá, thường được dùng để huy động vốn trong lĩnh vực blockchain. ICO cho phép tránh khỏi một loạt trở ngại thường gặp phải so với các phương pháp huy động vốn truyền thống hơn. Tuy nhiên, một vài thách thức, như quy trình thẩm tra (due-diligence) kỹ càng được tiến hành bởi các nhà đầu tư mạo hiểm, đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư để đạt được tỉ suất lợi nhuận đầu tư tốt.
Lượng tiền huy động được từ một thương vụ ICO cũng phần nào đem đến lo lắng, bởi số tiền đầu tư đôi khi hoàn toàn không tương ứng với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Một điều tôi biết được sau nhiều năm làm đầu tư mạo hiểm (venture capital) ở vùng vịnh San Francisco đó là: việc có quá nhiều tiền có thể giết chết một startup, giống như khi họ có quá ít tiền. Trong trường hợp đổ quá nhiều tiền cho một startup, kỷ luật tài chính có xu hướng bị phá bỏ. Các công ty được đầu tư quá mức thường tuyển dụng nhiều người một cách vô cùng nhanh chóng, mà thiếu đi điều tra đủ cẩn trọng, trả quá nhiều tiền cho các dịch vụ và đánh mất sự tập trung khi phát triển sản phẩm.
Một công ty startup về phần mềm không cần đến hàng trăm đô la Mỹ để phát triển và đưa một sản phẩm đến thị trường. Tuy nhiên, một thương vụ gọi vốn bằng ICO có thể mang về hàng trăm triệu đô la Mỹ, chỉ dựa trên không gì hơn một "whitepaper" (tạm dịch: bản cáo bạch, tức tài liệu công khai giải thích tính ứng dụng và cơ chế hoạt động của một dự án blockchain). Whitepaper thường mang đến khoảng thời gian ăn mừng trong ngắn hạn đối với các nhà sáng lập dự án, nhưng lại mù mờ đối với những nhà đầu tư vào thương vụ ICO, họ không biết điều gì sẽ đến khi mọi thứ được nói và thực hiện.
Điều này không có nghĩa là tất cả các thương vụ ICO đều là những khoản đầu tư sai lầm, nhưng cần phải giữ cho đôi chân trên mặt đất. Ngay cả khi hoạt động thẩm tra đã được thực hiện, phần lớn các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các startup không thể cất cánh. Xác suất thành công thậm chí còn thấp hơn đối với ICO, do thiếu rất nhiều biện pháp bảo vệ so với hoạt động huy động vốn truyền thống.
4. Tìm kiếm sự cân bằng trong quản lý
Việc quản lý quá gay gắt có thể kìm hãm đổi mới. Nhưng cũng không phải một lựa chọn khả thi nếu để thiếu vắng đi vai trò quản lý trong lĩnh vực blockchain. Cuối cùng, công nghệ này đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như chuyển tiền, giao kết hợp đồng và phát hành chứng khoán - là những lĩnh vực vốn đã có những khuôn khổ pháp lý và quy định quản lý cụ thể. Những khuôn khổ pháp lý này thường được ban hành từ thập kỷ trước và có thể không còn phù hợp với công nghệ trong hiện tại. Vì vậy, điều quan trọng là các bên tham gia trong hệ sinh thái blockchain cần đối thoại với các nhà làm luật và cơ quan quản lý, giúp họ hiểu hơn về công nghệ cũng như các ứng dụng của nó. Khi đó, việc cập nhật và áp dụng điều luật và quy định trở nên khả thi và hướng đến mục địch hỗ trợ, chứ không phải kìm hãm sự đổi mới sáng tạo.
5. An toàn mạng
An toàn mạng là thách thức trong bất kỳ không gian số nào, đặc biệt đối với nhiều dịch vụ đa dạng được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain. Hơn nữa, những thách thức đối với an toàn mạng "truyền thống" đang gia tăng cùng với hệ sinh thái blockchain phát triển nhanh chóng hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Những hệ thống, dịch vụ và cách tiếp cận mới của blockchain đang được phát triển và ứng dụng hàng ngày. Điều này có nghĩa, đối với những người phát triển hệ thống phòng chống tấn công mạng trong lĩnh vực blockchain, họ không sở hữu lợi thế về thông tin liên quan đến những cuộc tấn công mạng, như họ có thể có trong một môi trường truyền thống và ổn định hơn.
Tác giả: John Villasenor - giáo sư về kĩ sư điện tử, chính sách công và quản lý tại trường đại học California, Los Angeles (Mỹ) - UCLA