Công ty bán lẻ Sears nộp đơn xin phá sản

Trong khi những đối thủ bán lẻ khác đứng vững trên hai chân - online lẫn offline - để chiến đấu, Sears lại chỉ lo dồn sức vào một chân bán lẻ trực tuyến. Sự thất bại của Sears, người khổng lồ vang bóng một thời của ngành bán lẻ Mỹ, được xem là tất yếu trong xu hướng chuyển dịch của ngành bán lẻ tại Mỹ.

Công ty bán lẻ Sears nộp đơn xin phá sản

Sears sẽ đóng cửa 142 cửa hàng còn lại vào cuối năm 2018. Ảnh: Ảnh: Eduardo Munoz Alvarez/VIEWpress/Corbis/Getty Images)

Đúng như những dự đoán, Sears Holdings Corp đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản đầu ngày 15.10.

Công ty sẽ đóng cửa 142 cửa hàng còn lại vào cuối năm 2018, trong nỗ lực cắt lỗ sau nhiều năm qua.

Sears cho biết chuỗi cửa hàng Sears, Kmart và nền tảng thương mại trực tuyến Shop Your Way sẽ vẫn hoạt động bình thường. Công ty đang làm việc với các nhà cung cấp để duy trì mức hàng lưu kho và đảm bảo phân phối sản phẩm kịp thời trong dịp lễ lớn sắp tới.

Eddie Lampert, chủ tịch kiêm CEO của Sears, đã nhường ghế CEO lại cho một ủy ban mới được thành lập, bao gồm giám đốc tài chính và hai giám đốc điều hành khác. Công ty cũng đã chọn ra một giám đốc chịu trách nhiệm quá trình tái cấu trúc.

“Xu hướng chuộng mua sắm trực tuyến đã tạo nên những thay đổi trong môi trường bán lẻ, tạo ra những rào cản to lớn trên con đường tìm kiếm lợi nhuận của Sears." Lampert chia sẻ trong một bài đăng trên blog vào tháng 9.

Viện dẫn cho sự thay đổi của môi trường kinh doanh không phải là một lý do hợp lý, bởi mảng bán hàng online của Sears từng là một điểm sáng của công ty. Lampert đã từng tập trung vào nền tảng thương mại điện tử Shop your way, đẩy mạnh chiến lược "tích hợp bán lẻ online và offline" nhằm thúc đẩy doanh số của cửa hàng thực lẫn ảo và nghiên cứu sâu hơn hành vi người tiêu dùng. Bỏ xa nhiều đối thủ, Sears đã xây dựng được mảng bán lẻ online hết sức nổi bật. Năm 2011, công ty được vinh danh là Nhà bán lẻ trên thiết bị di động của năm, trước khi bị Walmart và Target truất ngôi vương vào những năm sau đó.

Thị phần thương mại điện tử của Sears từ vị trí thứ 17 năm 2012 đã tụt xuống thứ 27 vào năm 2017, theo Euromonitor. Không ngoại lệ, con số này của Kmart, một nhánh bán lẻ của Sears, cũng tụt dốc không phanh, từ vị trí thứ 27 rơi xuống tận vị trí thứ 53 trong cùng kỳ.

Lượt truy cập Sears.com chỉ đạt 30,3 triệu tháng 9.2018, ít hơn cả JC Penney, một nhà bán lẻ khác cũng đang chật vật để tồn tại. Trong khi đó, những đối thủ có kết quả kinh doanh tốt hơn, bao gồm Kohl's, Lowe's và Home Depot đều có lượt truy cập vượt xa Sears. Kohl's thu hút được 62 triệu lượt truy cập vào website tháng 9.2018, Lowe's nhiều khách truy cập gấp gần bốn lần Sears và con số của Home Depot thậm chí còn cao hơn gấp năm. Chễm chệ ngôi đầu bảng là Amazon với 1,7 tỉ lượt truy cập.

Trong khi đó, số liệu của Rakuten Intelligence cho thấy thị phần thương mại điện tử của Sears.com đã giảm xuống còn 0,2% vào tháng 9.2018, từ mức cao nhất 0,4% của tháng 11.2016, trong khi con số này của Kmart quá nhỏ tới mức gần như không hiện hữu.

"Suốt những năm qua, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để cải tổ hoạt động kinh doanh và nâng cao giá trị tài sản," Lampert nhận định trong một tuyên bố. "Dù có tiến triển, kế hoạch vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi. Việc giải quyết các nhu cầu thanh toán nợ ngay lập tức đã ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu trở thành một nhà bán lẻ có sức cạnh tranh cao và mang lại nhiều lợi nhuận hơn".

Cụm từ "làm việc chăm chỉ để cải tổ hoạt động" trong tuyên bố của Lampert chưa phản ánh đúng sự thật. Trong nhiều năm, Sears đã từ chối đầu tư vào các cửa hàng thực, trong khi các đối thủ là Walmart và Target đều dồn sức bơm tiền vào các cửa hàng nhằm thu hút thêm lượt khách ghé thăm và thỏa mãn tiêu chuẩn ngày một cao của người tiêu dùng.

Lampert cho rằng những khoản đầu tư lớn để tái cấu trúc cửa hàng chưa chắc mang lại lợi nhuận, bằng chứng là thương vụ sáp nhập Sears và Kmart năm 2005. Khoản đầu tư không nhỏ này đã không mang lại doanh thu như ông mong đợi và chỉ "làm tăng chi phí marketing".

Trong một thời kì "mang đến trải nghiệm vượt trội" lên ngôi và các công ty bán lẻ tranh giành từng tất đất để thu hút được sự chú ý của khách hàng, tâm lý ngần ngại đầu tư vào các cửa hàng thật và marketing của Lampert đã khiến Sears trở thành cái tên dễ bị người tiêu dùng bỏ qua và quên lãng.

Nếu may mắn đứng dậy được từ cú ngả ngựa này nhờ luật bảo hộ phá sản, Sears chắc chắn sẽ ghi nhớ rằng chỉ một điểm sáng duy nhất sẽ không đủ để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ, và hành trình phía trước sẽ rất dài và chông gai.