Điều gì dẫn đến thảm họa kép ở Indonesia?

1.350 nạn nhân đã tử vong, nhiều người mắc kẹt trong các đống đổ nát, mất tích hoặc không thể liên lạc.

Một trận động đất 7.5 độ Richter đã xảy ra lúc 18:03 giờ địa phương ngày 28.9 tại đảo Sulawesi (Indonesia), kéo theo chuỗi dư chấn nghiêm trọng. Sạt lở đi kèm động đất đã làm sụp đổ và chôn vùi nhiều ngôi nhà quanh vùng bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, ngọn sóng thần cao 5,5m đã xuất hiện, tàn phá khu vực ven biển thành phố Donggala, với Palu là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Tính tới ngày 2.10, 1.350 nạn nhân đã tử vong, nhiều người mắc kẹt trong các đống đổ nát, mất tích hoặc không thể liên lạc. Một nguồn tin địa phương cho hay hơn 100 học sinh rất có thể đã bị chôn sống, bởi các em đã cắm trại tại khu vực Sigi, giáp ranh phía nam thành phố Palu ngay thời điểm thảm họa xảy ra. Các hố chôn tập thể đang được chuẩn bị để chôn cất các nạn nhân xấu số.

Điều gì dẫn đến thảm họa kép ở Indonesia?

Các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân bị đè bởi tòa nhà RoaRoa Hotel ở Palu, Indonesia ngày 1.10.018. Ảnh: Riau Images/Barcroft Media/Getty Images.

Thảm họa kép

Theo suy đoán, trận động đất ven biển đã kích hoạt vụ lở đất và gây nên sóng thần. Các đọạn đứt gãy địa chất bị vỡ thông thường sẽ dịch chuyển theo chiều song song. Nhưng trong trường hợp này, các đoạn đứt gãy lại dịch chuyển theo chiều dọc và đẩy các luồng nước về phía trước. Vậy nên rất có thể động đất chính là nguyên nhân duy nhất gây nên sóng thần. Tuy nhiên vẫn cần đánh giá cẩn thận các thay đổi địa chất trên và xung quanh các đoạn đứt gãy địa chất trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhà và xe bị hư hại do động đất và sóng thần trên khu vực bãi biển Talise, Palu, trung tâm đảo Sulawesi (Indonesia) ngày 1.10.2018. Ảnh: Eko Siswono Toyudho/Anadolu Agency/Getty Images)

Hệ thống cảnh báo sóng thần không hiệu quả

Cơ quan khí tượng địa lý và khí tượng học BMKG của Indonesia đã phát hiện ra sóng thần, nhưng lại đánh giá thấp kích thước con sóng bởi không tính đến tác động của vịnh hẹp. Khi di chuyển về phía Palu, độ hẹp của vịnh đã đè nén dòng nước, khiến chiều cao sóng gia tăng khi tiến vào đất liền. Đây không phải lỗi hệ thống, nhưng là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở các mô hình dự báo sóng thần nên suy tính nhiều hơn tới đặc tính của môi trường xung quanh.

Ban đầu, nhiều người cho rằng hệ thống cảnh báo sóng thần đã bị dỡ bỏ trước khi thảm họa này ập đến, khiến cơ quan khí tượng Indonesia bị chỉ trích vì không cảnh báo chính xác. Tuy nhiên, thông tin gần đây nhất lại tiết lộ cảnh báo sóng thần chỉ được gỡ bỏ sau khi những cơn sóng thần đầu tiên tiến vào thành phố.

Một số báo cáo giải thích các tin nhắn cảnh báo đã không thể gửi đến cư dân địa phương bởi các tháp thu phát sóng điện thoại di động đã bị phá hủy ngay trong trận động đất đầu tiên. Như vậy những tháp này rất cần được củng cố để chống lại các trận động đất trong tương lai.

Theo báo cáo của Associated Press, Indonesia hiện đang sử dụng mẫu thử hệ thống cảm biến đáy biển công nghệ cao, thiết bị dò sóng âm thanh, đồng hồ đo thủy triều và cáp quang được phát triển bởi Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên dự án vẫn chưa hoàn thành bởi chậm trễ trong công tác rót vốn. Louise Comfort, chuyên gia quản lý thiên tai tại đại học Pittsburgh, cho rằng các phao không hoạt động và các máy đo thủy triều bị hạn chế khiến việc cảnh báo sớm trở nên bất khả thi.

Người phụ nữ và đứa trẻ nhìn bãi biển phủ đầy đống đổ nát sau cơn sóng thần ngày 1.10.2018 tại Palu (Indonesia) (Carl Court/Getty Images)

Người dân không di tản ngay sau động đất

Lúc động đất xảy ra, nhiều người đang tập trung khu vực bãi biển để tổ chức lễ hội. Sau khi cơn chấn động qua đi, nhiều người vẫn nán lại, thậm chí một số còn dùng diện thoại quay lại hình ảnh cơn sóng thần đang hung hãn ập đến.

Tiến sĩ Sara McBride, chuyên gia khoa học xã hội tại Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), giải thích rằng con người bẩm sinh luôn có mong muốn ghi nhận và chia sẻ các trải nghiệm với người khác. "Thói quen này càng ăn sâu hơn vào mỗi người nhờ sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội", McBride bổ sung.

Khi động đất xảy ra, những người có mặt tại hiện trường đã không nhận thức được sắp tới họ sẽ đối mặt với cơn sóng thần cao tới 5,5m. Một cá nhân bình tĩnh sẽ vô tình khiến những người khác lầm tưởng ở lại là an toàn. "Lời khuyên của tôi là hãy đảm bảo bạn đang ở một chốn an toàn, giúp đỡ những người xung quanh trước khi bấm nút quay.", McBride chia sẻ.

Một cậu bé khóc khi chờ đợi tại sân bay Palu, với hy vọng được sơ tán sau trận động đất tại Palu (Indonesia). Ảnh: Ulet Ifansasti/Getty Images.

Làm gì để giúp đỡ những nạn nhân thiên tai?

Thiệt hại do thảm họa kép tại Indonesia gây ra sẽ để lại những dư âm nặng nề. "Một khi truyền thông trong nước và quốc tế không còn chú ý tới những nạn nhân xấu số, họ vẫn rất cần được giúp đỡ.", tiến sĩ Samantha Montano, chuyên gia thiên tai, nhận định.

Điều ta có thể làm là đảm bảo chia sẻ thông tin chính xác trên mạng xã hội, vạch trần thông tin sai lạc và những tin đồn vô căn cứ. Ta cũng có thể quyên góp cho một số tổ chức, bao gồm Hội chữ thập đỏ Indonesia, Tổ chức Bác sĩ không biên giới Quân đoàn y tế quốc tế.

Dù cứu trợ vật chất, bao gồm thực phẩm, nước uống và nơi trú ẩn, rất quan trọng, sang chấn tâm lý của các nạn nhân cũng là một vấn đề cần quan tâm. "Thảm họa thiên tai có thể gây nên sự gián đoạn trong nhận thức, tuy vậy vấn đề này chưa được thừa nhận rộng rãi và chúng tôi vẫn cần tìm hiểu thêm.", bà Montano nói thêm.