Học sinh lớp 6 đến lớp 12 sẽ trải qua đợt kiểm tra từ 18/4 đến 11/5 nhưng Sở lưu ý các đơn vị sắp xếp thời gian tổ chức kiểm tra tối đa là 2 tuần.
Các đơn vị giáo dục không được tổ chức kiểm tra học kỳ vào ngày lễ, Chủ nhật và sắp xếp kiểm tra không quá 2 môn/ngày.
Đối với THCS, Phòng GD&ĐT các quận, huyện ra đề và tổ chức kiểm tra chung các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học cho tất cả các khối lớp. Các môn học còn lại có thể do từng trường tự tổ chức kiểm tra.
Đối với THPT, trường ra đề và tổ chức kiểm tra chung cho các môn học ở các khối lớp: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Các môn học còn lại, có thể tổ chức kiểm tra tại lớp.
Riêng với khối GDTX, các trung tâm GDTX, Trung tâm GD nghề nghiệp, các trường có phân hiệu GDTX ra đề kiểm tra và tổ chức kiểm tra tập trung ở các khối lớp cho các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn còn lại tổ chức kiểm tra tại lớp.
Thời gian kiểm tra, khối 9 và khối 12: từ 15/4 đến 20/4; các khối còn lại từ ngày 6/5 đến 16/5.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn cụ thể các môn đối với việc kiểm tra học kỳ của học sinh khối 12 của các trường THPT công lập.
Môn Ngữ văn: Một đề kiểm tra theo hình thức tự luận chung cho toàn trường.
Môn Tiếng Anh: Một đề kiểm tra chung cho toàn trường gồm cả hai hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn và tự luận, trong đó phần trắc nghiệm khách quan gồm 40 câu, phần tự luận gồm 10 câu (5 câu dạng thức từ, 5 câu viết lại câu).
Môn Toán: Một đề kiểm tra chung cho toàn trường theo hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn kết hợp với tự luận theo nội dung chung của chương trình chuẩn và nâng cao, thực hiện theo 1 trong 2 phương án sau:
Bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan phối hợp chung với tự luận, gồm hai phần: Phần 1 gồm các câu trắc nghiệm khách quan (có 60% cơ bản và 40% phân hóa, mức độ phân hoá tuỳ theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường);
Phần 2 là lời giải của từ 20% đến 25% số câu được quy định trong bài kiểm tra (học sinh trình bày ngắn gọn các công thức sử dụng, giải thích, biện luận, tính toán…).
Bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận, gồm hai phần: Phần 1 gồm trắc nghiệm khách, (có 60% cơ bản và 40% phân hoá, mức độ phân hoá tuỳ theo trình độ chung của học sinh trong nhà trường); Phần 2 gồm một số câu hỏi tự luận ngắn độc lập với phần .1.
Học sinh làm bài kiểm tra thành hai giai đoạn riêng biệt: nộp phiếu trả lời trắc nghiệm khi hết thời gian dành cho phần 1 rồi mới nhận đề và làm tiếp phần kiểm tra tự luận.
Các môn kiểm tra chung còn lại như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, GDCD kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận.
Về số lượng đề của mỗi môn, nhà trường có thể chọn một trong ba phương án: Mỗi môn biên soạn một đề kiểm tra chung (với hai phần) cho toàn khối (cho cả ban chuẩn và ban nâng cao);
Mỗi môn biên soạn thành một đề (có hai phần: cơ bản và phân hóa) trong đó phần cơ bản giống nhau, phần phân hoá khác nhau (phần A: có mức độ phân hoá dành cho ban cơ bản, phần B: có mức độ phân hoá dành cho ban nâng cao - nếu có).
Hoặc mỗi môn biên soạn thành 2 đề dành cho 2 ban khác nhau (nếu trường dạy cả 2 ban cơ bản và nâng cao).
Sở cũng lưu ý, mỗi đề kiểm tra phần trắc nghiệm khách quan được xáo trộn tối thiểu thành 04 mã đề khác nhau để các HS ngồi cạnh nhau có mã đề khác nhau (xáo trộn riêng từng phần: phần cơ bản thuộc 60% đầu và phần phân hoá thuộc 40% sau của đề bài kiểm tra).
Tỉ lệ giữa phần trắc nghiệm và phần tự luận các trường bố trí có thể là 5:5; 6:4 hoặc 7:3.
Đề kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu bảo mật; nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng; nội dung các câu hỏi phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Chú ý tăng cường các câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với thực tiễn cuộc sống nhưng cần tránh khiên cưỡng, gượng ép.
Thảo Nguyên