Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan (ngày 15/7 âm lịch) từ lâu đã thành một ngày trọng đại, là dịp để mỗi người hướng về nguồn cội, tỏ lòng hiếu kính với đấng sinh thành và các bậc tiền nhân… Vì vậy, các bạn Vĩnh Phúc đừng quên những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất không thể không đến vào mùa Vu Lan năm nay.
Vĩnh Phúc: Những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất không thể không đến vào mùa lễ Vu Lan năm nay1. Đền Bà
Theo vinhphuc.tourism.vn, đền Bà hay còn gọi là đền Vị Thanh được xây dựng trên một khu đất cao, rộng và thoáng đãng ven đầm Vạc, nay thuộc thôn Vị Thanh, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Trước đền là mặt đầm rộng mênh mông, những tán cây rợp bóng trên mặt nước và mái ngói phủ đầy rêu phong ẩn hiện khiến ta dễ liên tưởng đến hình ảnh một bến nước, sân đình quen thuộc của làng Việt. Giữa bình yên của ruộng đồng và làng xóm, ngôi đền hiện lên thâm nghiêm, cổ kính.
Tương truyền, có vị nữ tướng tài giỏi là Thanh Nương đã có công phò giúp Trưng Nữ Vương đánh giặc cứu nước, nhân dân cảm kích lập đền thờ và gọi là đền Bà.
Ảnh: vinhphuc.tourism.vn
Đền được xây dựng vào thời Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX, gồm 3 toà kiến trúc bố cục thoe kiểu chữ “công”: tiền tế 5 gian, hai mái bít đốc có cửa gỗ bức bàn, 1 gian ống và 3 gian hậu cung, có tạo gác lửng làm khám thờ thần. Kết cấu 6 bộ vì chồng rường giá chiêng, kỹ thuật mộng sàm đạt đến trình độ cao toàn đền có 32 cột gỗ chắc khỏe, chân cột kê đá chống ẩm và mối mọt. Bộ mái của tòa ống muống và hậu cung làm theo kiểu chồng diêm và được lợp ngói mũi truyền thống.
Ở đền Bà, những mảng chạm khắc tuy không nhiều nhưng đường nét chạm khắc lại khá sắc nét, điêu luyện. Chẳng hạn, những đầu dư những bức cốn đã được các nghệ nhân thời xưa tạo thành hình rồng ở những tư thế khác nhau (rồng uốn, rồng chầu mặt trời) rất sinh động. Chạm trổ ở đền Bà đã góp phần tô điểm cho kiến trúc và tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn thần linh.
Ảnh: vinhphuc.tourism.vn
Đền còn có 4 bộ long ngai và các bức hoành phi, câu đối chữ Hán, là những cổ vật quý, được gia cố công phu, trang trí cầu kỳ.
Tới đền Bà vào mùa lễ hội, khách tham quan không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan thanh bình, đẹp đẽ của di tích mà còn được tham dự một trong những lễ hội nông nghiệp mang những giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
2. Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức
Theo Cổng thông tin Trung tâm Thông tin – Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc, Thiền viện tọa lạc tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thiền viện được tôn tạo từ chùa Kim Tôn, một ngôi Chùa cổ đã có trên 700 năm tuổi, với công đức vô lượng của Phật tử gần xa. Từ một ngôi chùa đã bị đổ nát theo tháng năm, ngày nay đã trở thành một ngôi Thiền viện khang trang.
Ảnh: FB@TruclamTueDuc.
Năm 2009, Bảo tàng lịch sử Việt Nam kết hợp cùng Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tiến hành khai quật nền của ngôi Chùa Kim Tôn cổ, tìm thấy những di vật gốm sứ với họa tiết hoa văn có niên đại cách đây hàng trăm năm.
Ảnh: FB@TruclamTueDuc.
Ảnh: FB@TruclamTueDuc.
Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này ta có thể nhìn thẳng ra sông Lô và một chiếc hồ lớn hình một ông Rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.
Ảnh: FB@TruclamTueDuc.
Ảnh: FB@TruclamTueDuc.
3. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Đến với Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên du khách đều bị hút hồn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú. Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối khi tỏa ra khi thu lại, chảy quanh co, lúc ào ào trên vách đá, lúc lững lờ trôi dưới chân núi, nước suối trong suốt nhìn thấu những tảng đá nhỏ li ti… Thiền viện Trúc Lâm mọc lên nguy nga giữa ngàn cây như mở rộng con đường thiền đưa con người tìm về với thế giới tâm linh.
Ảnh: Báo Vĩnh Phúc.
Cũng theo vinhphuc.tourism.vn, được xây dựng trên nền ngôi chùa Thiên Ân cổ với diện tích rộng khoảng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50 ha, nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Từ chánh điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống… đến khu nội viện gồm: tăng đường, thiền đường, trai đường và các thất chuyên tu được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông. Thư viện hình bát giác nằm trên đồi và một tượng phật cao 35m. Tất cả các tranh tượng, phù điêu trên vách tháp chuông, tháp trống trong và ngoài chánh điện đều ẩn chứa những tích xưa thiền sử thu hút du khách ra về rồi còn muốn trở lại.
Ảnh: mytour.vn
Đến Thiền Viện, các bạn sẽ được thả hồn trong không gian trong lành mát mẻ với những đồi thông cao vút, những vườn hoa đang nở rộ. Đường lên núi được xây bằng bê tông nên du khách nếu đi bằng xe máy hay ôtô đều có thể đi lên đến tận cổng. Nếu muốn ngắm Thiền Viện từ dưới lên, có thể đi bộ như leo núi du khách sẽ thấy Thiền Viện đồ sộ đến mức nào.
Thiền Viện chỉ cách khu nghỉ mát và sân golf Tam Đảo khoảng chừng 16-17km nên du khách có thể kết hợp hai chuyến du lịch này làm một vừa thăm quan vừa nghỉ mát, dã ngoại để có những giây phút thư giãn tuyệt vời.
Vu Lan về con cài lên ngực
Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà
Của những đứa con nhớ về cha mẹ…
(Trích: Bông Hồng Vàng)
Và với ba ngôi chùa thiêng ở Vĩnh Phúc, các bạn hãy nhớ và đừng bỏ qua để có một mùa Vu Lan ấm áp, đầy yêu thương.
Theo Ngọc Giang / Tin Nhanh Online