Cuộc sống ‘hai mặt’ ở Hong Kong: hiện đại và kỳ bí

Người dân làm việc trong những tòa cao ốc nhưng vẫn tin vào phong thủy, lễ xua đuổi vận đen.


Cuộc sống ‘hai mặt’ ở Hong Kong: hiện đại và kỳ bí

Từ một làng chài nhỏ, Hong Kong trở thành một trong những thành phố cảng và trung tâm thương mại sầm uất nhất thế giới. Theo BBC, lịch sử của thành phố vừa gắn với Trung Quốc vừa có mối liên kết chặt chẽ với Vương quốc Anh, đã tạo ra một sự giao thoa văn hóa Đông Tây mang màu sắc rất riêng.

Cuộc sống ‘hai mặt’ ở Hong Kong: hiện đại và kỳ bí

Các bà đồng đang làm phép cho khách hàng được thuận lợi trong cuộc sống. Ảnh: BBC.

Giữa những tòa nhà sang trọng, nét truyền thống cổ xưa vẫn hiện hữu. Dù mang phong cách hiện đại, các công trình đều được xây dựng dựa trên quy tắc phong thủy Trung Quốc.

Một truyền thống nổi tiếng ở đây là Trừng phạt Kẻ xấu, lễ xua tà ma và vận rủi mà người ta thuê các bà đồng thực hiện. Du khách có thể dễ dàng xem các buổi lễ này ở Canal Road Flyover tại vịnh Causeway. Theo lời Ski Yeo, một người Singapore đã sống ở đây 7 năm, cảnh tượng lên đồng vào buổi tối rất đáng để xem.

Những bà đồng sẽ thắp những nén hương và nến nhằm tạo bầu không khí kỳ bí. Người này dùng giày dép đánh vào một mẩu giấy tượng trưng cho kẻ xấu. Trên giấy có viết tên người mà khách hàng muốn trừng phạt. Hành động này mang ý nghĩa xua đuổi kẻ xấu, sự xui xẻo ra khỏi cuộc sống của khách hàng.

Hong Kong luôn chật chội, từng khoảng không nhỏ đều được tận dụng. Ảnh: BBC.

Dù vậy, sự liên kết mạnh mẽ với truyền thống cũng không ngăn cản Hong Kong đón nhận những nền văn hóa khác. Là nơi có nhiều người châu Âu và châu Á di cư đến, thành phố đem lại một môi trường đa dạng giúp những người mới hòa nhập dễ dàng. Hơn một nửa cư dân Hong Kong nói tiếng Anh, giảm bớt rào cản trong giao tiếp và kết bạn.

“Tôi lớn lên ở New York, nơi người dân rất thờ ơ trong việc tiếp xúc với người lạ. Nhưng ở đây, nhiều người đề nghị gặp mặt sau lần tiếp xúc ban đầu”, Audra Gordon, nhà sáng lập công ty thời trang Global Identity Partners, cho biết.

“Hong Kong là nơi có nhịp độ sống rất nhanh, phù hợp với những người yêu thích cuộc sống thành thị”, Alan Lau, CEO của Apollon Blockchain, cho biết.

Người dân thường nói chuyện rất thẳng thắn để tránh lãng phí thời gian, điều mà người phương Tây có thể sẽ quen hơn người châu Á. Ngoài ra, người Hong Kong cũng hiếm khi sử dụng những từ như “làm ơn” hay “cảm ơn”.

Chủ các tòa cao ốc ở Hong Kong thường thuê thầy phong thủy khi làm nhà. Ảnh: Travelbox.

Nhịp sống gấp gáp của thành phố đôi khi khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi. Nhưng Hong Kong cũng có những bãi biển và đường đi bộ đủ để đem đến một không gian yên tĩnh và thư thái. Các địa điểm đó đều rất dễ tiếp cận nhờ hệ thống giao thông công cộng thuận tiện.

“Sai Kung là một hồ nước tuyệt đẹp, bạn có thể leo lên vách đá gần đó để ngắm hồ từ trên cao. Hay đảo Lamma có một con đường tản bộ yên tĩnh với nhiều bãi biển”, chuyên gia tiếp thị Stacy Caprio cho biết.

Giá nhà ở Hong Kong thuộc hàng cao nhất thế giới, người dân tận dụng mọi khoảng trống mà họ có. “Bạn sẽ thấy có những quán ăn tuyệt vời ở nơi mà không ai tưởng tượng được, như trên tầng 13 của một tòa nhà cũ nát. Người dân sinh sống trong những nơi được gọi là ‘nhà quan tài’ rộng 4-8 m². Luôn luôn có một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề và người dân không bao giờ bỏ cuộc”, Yeo nói.

Theo trang Expatistan, một căn hộ rộng 85 m² ở Hong Kong sẽ có giá cao hơn 67% so với ở London, và đắt hơn 34% so với New York. Tuy nhiên, mức thuế vừa phải và giao thông công cộng có giá cả phải chăng đã giúp giảm bớt phần nào gánh nặng về chi phí sinh hoạt.