Vương quốc Thái Lan được mệnh danh là quán quân du lịch ASEAN, điểm hẹn lý tưởng của du khách quốc tế. Dưới đây là những điều có thể bạn chưa biết về đất nước xinh đẹp này.
Bangkok luôn nằm trong top những thành phố dẫn đầu lượng khách đến của thế giới. Với người Việt, các địa danh du lịch như Bangkok, Pattaya, Chieng Mai, Kanchanaburi, Phuket, Khao Yai, Koh Samui… đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, xứ sở của chùa vàng, của nụ cười vẫn liên tục khiến du khách ngạc nhiên với bao điều lý thú về văn hóa, lịch sử và cuộc sống. Ảnh: Johan Fantenberg.
1. Thái Lan: Cái tên Thái Lan có nghĩa là “Vùng đất người Thái”. Người Thái di cư từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống vùng Đông Nam Á từ thế kỷ VIII, cùng chung ngôn ngữ với người Lào, người Thái ở Việt Nam. Vương quốc Thái Lan thành lập vào năm 1238 từ lãnh thổ của đế chế Khmer, đóng đô tại Sukhothai. Năm 1283, người Thái mới có chữ viết riêng. Quốc hoa Thái Lan là Dok Khuen, người Việt gọi là muồng hoàng yến, bò cạp vàng. Loài hoa này tượng trưng cho hoàng gia. Ảnh: CNN.
2. Phật và phật giáo Tiểu thừa: Phật giáo Tiểu thừa (Nam Tông) chiếm gần 95% dân số Thái Lan. Cuộc sống và các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của người Thái luôn gắn bó mật thiết với chùa như một phần tất yếu. Phật không có mặt trong các tiệm trang sức vàng, bạc, đá quý vì không thể mua bán mà được thỉnh từ trong chùa. Người Thái ít đeo nữ trang. Họ mang Phật trong người để nhắc nhở mình làm điều tốt, tránh xa việc xấu. Ảnh: Pixabay, Sarah Williams.
3. Đi tu: Đi tu là sự kiện quan trọng nhất trong đời người của người dân Thái Lan. Sư đến nhà, làm lễ, cạo tóc, chân mày, tắm và chúc phúc cho người đi tu. Cả nhà mở tiệc trọng thể, người đi tu mặc đồ trắng, ngồi xe hoa cùng cha mẹ. Người đi tu được bảo lưu công việc, thậm chí được trả lương trong thời gian đi tu nếu người đó đang làm việc có thu nhập thấp. Việc làm này giúp người đi tu toàn tâm toàn ý rèn luyện phẩm chất, học tập kiến thức và sẽ làm việc tốt hơn khi hoàn tất tu tập. Ảnh: Sakchai Lalit.
4. Năm lời khuyên: Năm lời khuyên mà mỗi người dân Thái Lan luôn cố gắng thực hiện là Ăn trước khi đói – Suy nghĩ trước khi nói – Uống thuốc phòng trước khi bệnh – Đi tu trước khi lấy vợ – Làm phước trước khi làm giàu. Ảnh: Mark Lehmkuhler.
5. Khẩu nghiệp: Đây được coi là nền tảng đạo đức của cuộc sống. Người Thái có thể bắn, chém, đánh nhau nhưng gần như không nghe chửi thề. Hành động nặng nhất khi nói xấu người khác là “đồ khùng”, “nó không tốt”… chứ không mạt sát, ví von với loài vật hoặc buông lời tục tĩu. Mọi người thường bảo nhau “Chay den den” (Hãy bình tĩnh) để không làm tổn thương người khác. Ảnh: Alexis Gravel.
6. Chú Tiểu đi tu: Chú Tiểu đi tu là bài thuyết giảng vỡ lòng về chữ hiếu ở Thái Lan. Những ngày đầu khất thực, lần lượt mỗi ngày chú tiểu chỉ nhận được rác hoặc đất, đá trộn lẫn hay cháo nóng, chè lạnh… Cháo nóng hay chè lạnh đều làm phỏng tay khi bê bát. Những vất vả cực nhọc này chưa là gì so với những tháng năm mang nặng đẻ đau và nuôi con khôn lớn của cha mẹ. Ảnh: EPA.
7. Bất hiếu: Bất hiếu được xem là tội lớn nhất của đời người. Đi tu trước hết là để cầu an, báo hiếu cho cha mẹ. Tổ chức sinh nhật cho cha mẹ trong chùa, chuẩn bị cơm cúng, mời cha mẹ và người thân, rửa và hôn chân cha mẹ, chúc cha mẹ bình an là những điều được dạy ở các khóa tu dài và ngắn hạn. Người Thái tôn trọng việc chăm lo cho cha mẹ khi còn sống bằng việc làm cụ thể chứ không phải chỉ tiền bạc. Ảnh: Pixabay.
8. Sinh nhật bản thân: Việc làm đầu tiên trong ngày sinh nhật của mỗi người là xin nghỉ phép và dành trọn ngày chăm sóc cha mẹ. Ngày này, bạn sẽ ở bên gia đình và làm từ việc đi chợ, nấu ăn đến giặt giũ, tắm rửa và trò chuyện, vui đùa cùng cha mẹ. Hôm sau mới là ngày người có sinh nhật mời người yêu, bè bạn ăn mừng. Sinh nhật bản thân là dịp báo hiếu cha mẹ tốt nhất. Ảnh: Devdiscourse.
9. Vua: Đức vua của Thái Lan luôn được tôn kính. Một trong hai vị vua được người Thái tôn kính nhất là Bhumibol Adulyadej (5/12/1927-13/10/2016) còn gọi là Vua Rama IX, trị vì từ 9/6/1046 đến 13/10/2016, lâu nhất trong lịch sử Thái Lan, trải qua 30 đời Thủ tướng. Ông là nhà nông học lỗi lạc, nhà quản trị tài ba và tấm gương mẫu mực về cuộc sống. Vị vua thứ hai là Ramma V, còn gọi là Chulalongkorn (20/9/1853-23/10/1910) cũng được người Thái gọi là “Đức Vua vĩ đại kính yêu”. Ảnh: Wikimedia, Getty Images.
10. Đám cưới: Đám cưới của người Thái đơn giản, chỉ dăm ba mâm cỗ, cốt lõi là hạnh phúc của hôn phối. Đám cưới nơi đây nhỏ nhưng thách cưới to. Thanh niên muốn lấy vợ phải có “ISO Chùa”, nghĩa là hoàn tất tu tập, thời gian tùy điều kiện và khả năng. Nhiều khi, chú rể được bố vợ tương lai kiểm tra kinh Phật. Ảnh: Bualong Sebulke, Keyvisathailand.
11. Đám ma: Người chết được đưa đến bệnh viện tìm nguyên nhân rồi đưa vào chùa qua hòm lạnh. Tay người chết buộc sợi chỉ nối quan tài, lư hương. Nhà sư và người thân cầm sợi chỉ trò chuyện với người vừa mất. Người thân khi vào chùa không khóc than vì người chết sẽ khó siêu thoát. Người nhà nấu nướng đãi mọi người ăn để giảm nghiệp chướng cho người chết. Người chết sẽ được hỏa táng, tro để trong tháp quanh chùa. Ảnh: ThaiVIsa.
12. Nông nghiệp: Ngành nông nghiệp Thái Lan có những thành tựu vượt bậc nhờ đức Vua Rama IX. Ông là kỹ sư nông học tài ba với hàng nghìn sáng kiến khoa học nông nghiệp ứng dụng. Trong đó, hơn 100 sáng kiến của ông được thế giới công nhận, nổi bật nhất là phát kiến “làm mưa nhân tạo”. Lúa gạo, trái cây, rau củ của Thái Lan nổi tiếng và luôn đứng top đầu trên thế giới. Ảnh: Chilipastetour.
13. Du lịch và liên kết: Du lịch là ngành kinh tế quan trọng ở Thái Lan. Ba năm qua, người Thái đã ngoạn mục soán ngôi người Mã, giành vị trí quán quân du lịch châu Á. Người Thái làm dịch vụ rất giỏi, từ du lịch biển đảo đến du lịch rừng, du lịch văn hóa, lịch sử… biến cái bình thường thành sự khác biệt. Sự liên kết chính là nguyên nhân thành công của du lịch Thái Lan. Chính phủ miễn giảm thuế cho các công ty lữ hành. Khách nước ngoài được chào đón nồng nhiệt và có ưu đãi giá vì họ mang ngoại tệ đến. Ảnh: Flickr .
14. Khách sạn: Khách sạn Thái Lan hầu như không có bàn chải, kem đánh răng, lược… Du khách có thể nghĩ là do họ muốn giảm giá thành nhưng không phải như vậy. Những sản phẩm dùng một lần rồi bỏ là nguồn rác khổng lồ, là loại rác rất khó phân hủy hay tái sử dụng. Do đó, cách tốt nhất là khách du lịch tự mang theo, vừa hợp vệ sinh, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Forbes.
15. Khách Trung Quốc: Khách Trung Quốc chiếm tới gần 30% lượng khách đến Thái Lan (10/32 triệu khách – số liệu 2017) dù 2 nước không có đường biên giới chung. Khách toàn đi đường hàng không, chi tiêu khá. Việt Nam có 1.360 km đường biên giới với Trung Quốc cùng hàng chục cửa khẩu đường bộ. Năm 2017, nước ta đón gần 4 triệu khách Trung Quốc đã khá khó khăn trong việc quản lý. Ảnh: Chinese tourists in Thailand.