Từ xưa, Hà Nội đã là một vùng đất kinh kỳ và là một chốn giao thương náo nhiệt. Bởi vậy bao quanh thành phố là những làng nghề truyền thống. Sự xuất hiện của những làng nghề thân thương đã tạo nên một nền văn hoá đậm chất dân gian cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Được biết, trước kia làng nghề là một đơn vị hành chính, để những người cùng nghề sống chung một quần thể nhằm phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngày nay, nhiều làng nghề cũ vẫn còn tồn tại và trở thành điểm tham quan thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ.
Làng gốm Bát Tràng, làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội
Nhắc đến làng nghề truyền thống tại Hà Nội, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng. Trải qua lịch sử hàng trăm năm, làng gốm Bát Tràng đã tạo nên những sản phẩm gốm sứ có tính nghệ thuật cao.
Nằm kế bên sông Hồng, từ xưa người dân tại Bát Tràng đã sinh sống và phát triển bằng nghề gốm sứ. Với kỹ thuật tạo lớp men và lò nung chuẩn xác, các nghệ nhân ở đây đã thổi hồn vào tác phẩm, tạo nên những sản phẩm gốm sứ hài hoà về bố cục và màu sắc.
Ghé thăm làng gốm Bát Tràng, bạn sẽ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc lâu đời và trải nghiệm cuộc sống yên bình nơi làng quê.
Làng lụa Vạn Phúc, làng nghề truyền thống tại Hà Đông
Đây là một làng nghề truyền thống chỉ cách trung tâm Hà Nội 10km. Lụa Vạn Phúc đã nổi tiếng cách đây từ hàng trăm năm. Từ thời xưa, lụa Vạn Phúc là một trong những loại lụa nổi tiếng, được sử dụng để may y phục trong triều đình. Bởi vậy, người xưa có câu:
"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa Hà Đông..."
Tơ lụa Vạn Phúc được dệt thủ công từ tơ tằm, vừa bền, đẹp, lại phong phú về màu sắc và kiểu dáng. Những năm trở lại đây, làng lụa Vạn Phúc đã phát triển, trở thành một điểm đến du lịch được yêu thích tại Thủ đô.
Khi ghé thăm làng nghề truyền thống này, bạn sẽ được tham quan xưởng dệt và tìm hiểu về quy trình tạo nên những tấm lụa mềm mịn, nổi tiếng. Mỗi khâu trong các bước tiến hành đều được thực hiện hết sức công phu, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đưa "tiếng thơm" của lụa Vạn Phúc bay xa.
Làng nón Chuông
Từ bao đời nay, chiếc nón lá đã trở thành hình ảnh quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, dù là miền Bắc, Trung, Nam. Ở vùng Bắc Bộ, nón lá của làng Chuông, Hà Nội nổi tiếng và được yêu thích nhất.
Ở làng nghề truyền thống này, từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng biết làm nón. Những bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ và chỉn chu đã tạo ra các sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hoá Việt Nam.
Bạn nên ghé thăm làng Chuông vào các phiên họp chợ nón, diễn ra vào những ngày 4,10, 14, 20, 24, 30 âm lịch hàng tháng, để được trải nghiệm những nét truyền thống văn hoá lâu đời tại đây.
Làng hoa Tây Tựu
Làng hoa Tây Tựu là một trong những làng nghề truyền thống thu hút du khách vào mỗi dịp xuân về. Thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, làng hoa Tây Tựu cách trung tâm thành phố khoảng 20km.
Được biết nghề trồng hoa Tây Tựu được hình thành từ những năm 1930. Sau gầm 100 năm làm nghề, vào năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh là làng nghề truyền thống tại Hà Nội.
Nghề trồng hoa đã giúp nâng cao thu nhập, tạo mức sống tốt hơn cho người dân, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện tại, làng hoa Tây Tựu chính là nơi cung cấp hoa tươi cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Vài năm trở lại đây, người dân dân làm hoa đã bắt đầu kết hợp du lịch vào mỗi mùa hoa nở. Khi này, những nhà trồng hoa sẽ dành ra một góc vườn để du khách tới tham quan và chụp ảnh.
Làng miến Cự Đà
Miến là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam, đặc biệt không thể thiếu trong những mâm cơm ngày lễ Tết. Nhắc đến làng miến, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới làng cổ Cự Đà, nằm ở ven sông Nhuệ.
Làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây. Được biết, nghề làm miến ở Cự Đà đã có từ cách đây hàng trăm năm.
Vào những ngày nắng đẹp, các con đường trong làng Cự Đà óng ánh sắc vàng của miến đang phơi. Những sợi miến phơi trên hiên nhà, lấp lánh như các sợi tơ trong nắng, tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt, thu hút du khách và những nhiếp ảnh gia.
Bài liên quan Những điểm đến không nên bỏ lỡ của mùa thu Việt Nam Đắm mình trong làn nước xanh biếc của suối Lê nin 5 lễ hội trên không độc đáo, khiến bạn không thể rời mắt Những lễ hội truyền thống rực rỡ khắp Nepal