Cắm trại trong rừng để 'trốn dịch'
Cuối tháng 5/2021, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Huy (33 tuổi) đưa một đoàn khách từ TP.HCM đi trekking, cắm trại ở Trị An, Đồng Nai. Sau khi hết tour, đoàn khách về lại thành phố còn Huy ở lại Trị An thêm một tuần. Anh cùng 3 người bạn khác quyết định đi cắm trại trong rừng núi Ninh Thuận, Lâm Đồng trong tháng 6.
Đến đầu tháng 7, Huy định về lại TP.HCM thì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện chỉ thị 16, phong tỏa nhiều nơi, chỗ anh ở cũng có nhiều ca F0. Vì vậy, Huy quyết định đến Núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 3 người bạn đang đi chung nhóm đến trốn dịch. Sau đó, anh bị kẹt lại cho đến nay.
Dựng trại trong rừng sâu, hái măng, nấm để ăn
Để tránh tiếp xúc với người lạ, nhóm của Huy dựng trại, làm lán ở sâu trong rừng. Khoảng 2 tuần đầu, 2-3 ngày họ xuống núi một lần để mua lương thực. Đến ngày 17/7 thì Vũng Tàu áp dụng chỉ thị 16, nhóm người này phải vào rừng hái măng, hái nấm, bắt cua đồng ăn qua ngày.
Hướng dẫn viên du lịch 33 tuổi cho hay, 4 người đều có kinh nghiệm cắm trại, mang đầy đủ bạt, lều, quần áo và dụng cụ bếp núc nên họ không gặp quá nhiều khó khăn. Hơn nữa, mùa này ở Dinh đang mưa, suối đầy nước và có nhiều nấm rừng.
Theo Huy, điểm bất tiện lớn nhất khi kẹt trong rừng là mất sóng điện thoại và thực phẩm không đa dạng. Việc sống giữa thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành là điều anh cảm thấy may mắn giữa lúc dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Vì thế, sức khỏe của anh và 3 người bạn cũng tốt hơn. Đối với họ, khoảng thời gian này như được tạm nghỉ ngơi, học thêm kỹ năng mới cho công việc hướng dẫn trekking, cắm trại sau này.
Họ dựng trại, lán để tá túc trong rừng.
Được đưa vào chùa ở
Cắm trại trong rừng sâu được khoảng hơn 2 tuần, nhóm của Huy gặp một kiểm lâm và được người này khuyên xuống núi khai báo y tế với chính quyền địa phương. Sau khi khai báo y tế, nhóm cắm trại trong rừng này được giới thiệu một ngôi chùa trên núi, cách điểm cắm trại khoảng 3 km để đến tá túc.
Theo Huy, các sư thầy ở tịnh xá luôn vui vẻ, sẵn lòng giúp đỡ, cho họ ở lại, phụ công việc bếp núc hàng ngày. Mỗi sáng khi thức dậy, nhóm vào bếp nấu nướng. Trưa, chiều theo sư thầy vào rừng hái măng, nấm làm thức ăn. Ở tịnh xá có gạo và các món ăn chay khác nên họ được ăn uống đa dạng, đủ dinh dưỡng hơn khi cắm trại trong rừng.
Với Huy, tịnh xá là nơi thanh tịnh, không có Phật tử tới trong thời gian này nên Huy và bạn bè không phải lo lắng về Covid-19.
> Đọc tin mới nhất hôm nay.
> Cập nhật tin tức mới nhất về du lịch.
Bài liên quan Học được gì từ chàng trai kẹt ở Tà Xùa nửa tháng sau 3 ngày cắm trại? Trải nghiệm cắm trại trong rừng tuyết và ngắm cực quang Du lịch tại gia, cắm trại trong nhà tưởng không chill mà chill không tưởng