Ở hòn đảo phía Đông Hồ Tây có ngôi chùa mang tên chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541-547) với tên gọi ban đầu là "Khai Quốc". Qua nhiều lần tu sửa, ngôi chùa mang phong cách kiến trúc của các thời kỳ, gần đây nhất là năm 2010 chào đón đại hội 1000 năm Thăng Long. Chùa có kết cấu gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện nối thành hình chữ Công, theo quy tắc của chùa Phật Giáo. Điểm nhấn tại đây là vườn tháp, với nhiều tháp cổ có niên đại từ thế kỷ 18.
Hiện nay, ngôi chùa được mọi người ưu ái mệnh danh "Danh thắng bậc nhất kinh kỳ". Nơi đây cũng từng được truyền thông quốc tế ca ngợi là một trong những công trình tôn giáo đẹp nhất thế giới, cái hay là khi nhìn từ xa ngôi chùa như một đóa hoa sen.
Con phố ngắn nhất
Ở Thủ đô có con phố Hoàn Kiếm chỉ dài hơn 50 m, nối từ đường Cầu Gỗ với Đinh Tiên Hoàng, nhìn thẳng ra phía hồ Hoàn Kiếm. Nhiều du khách khi tới đây đã tưởng con phố này là đường tắt không có tên vì nó quá ngắn. Dù vậy, nơi đây lại nổi tiếng với những quán nộm bò khô, bánh bột lọc vỉa hè và hàng quán lưu niệm.
Quảng trường lớn nhất Việt Nam
Quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương, trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Diện tích tại Quảng Trường vô cùng rộng lớn, nơi đây có khuôn viên dài 320 m và rộng 100 m, với nhiều ô cỏ tượng trưng cho những chiếc chiếu trải trên sân đình ở làng quê Việt Nam thời xưa.
Tại đây, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lên bản Tuyên ngôn Độc lập trước mặt nhân dân Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua những năm tháng lịch sử, quảng trường vẫn luôn là nơi mà người dân cả nước và du khách quốc tế mong được một lần ghé thăm trong đời. Nhiều du khách muốn có trải nghiệm đến đây để đón xem nghi lễ thượng cờ và hạ cờ lúc 6h và 21h hàng ngày.
Tháp rùa duy nhất tại Việt Nam
Tháp rùa được coi là biểu tượng của Thủ đô. Nằm trên một hòn đảo đất tự nhiên khoảng 350 m2 ở hồ Hoàn Kiếm. Theo nhiều ghi chép, thời Lê Thánh Tông đã gây dựng lên tháp rùa, sau đó đã không còn dấu tích ở thời nhà Nguyễn và được xây dựng lại sau khi Pháp hạ thành Hà Nội vào năm 1883. Vì thế kiến trúc tháp có sự kết hợp của phong cách châu Âu với hàng cửa cuốn Gothic hai tầng dưới và kiến trúc Việt Nam ở phần mái cong.
Hiện nay, tháp rùa cùng nhiều di tích quanh hồ Hoàn Kiếm như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Nơi đây được coi là biểu tượng của thành phố, mà du khách trong và ngoài nước nhất định phải ghé thăm khi tới thủ đô.
Bài liên quan Hà Nội: Phát 'phiếu đi chợ', 'thẻ ra đường' cho người dân trong thời kỳ giãn cách xã hội Khu vực phía Tây Hà Nội là điểm nóng của thị trường nhà đất nửa năm qua