Bộ môn thể thao nguy hiểm đã giúp hồi sinh một hòn đảo tại Hy Lạp

Antonis chỉ là 1 trong rất nhiều người dân địa phương tiếp tục duy trì công việc truyền thống - khai thác bọt biển này. Tuy nhiên vào năm 1986, một "căn bệnh" đã tàn phá loài bọt biển quý giá ấy, khiến nguồn thu nhập chính của nhiều người dân trên đảo bị sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng đây cũng là lúc người ta khám phá thêm một điểm nổi bật khác của hòn đảo. Đó chính là cảnh quan hùng vĩ với những vách đá dựng đứng, hang động thạch nhũ cùng những vách đá vôi mịn và cảnh biển tuyệt vời khi nhìn từ trên cao xuống.

Giờ đây, hòn đảo cằn cỗi nhưng đẹp như tranh vẽ này trở thành một trong những địa điểm hàng đầu thế giới cũng như Hy Lạp về leo núi mạo hiểm. Đây là hoạt động giúp nền kinh tế địa phương được hồi sinh trở lại, thu hút những nhà thám hiểm chuyên nghiệp và nghiệp dư.


Nền văn hoá hoà mình vào biển cả

Tại Kalymnos (Hy Lạp), những người thu hoạch bọt biển đã trở thành thói quen với việc lặn xuống độ sâu 250 feet và sử dụng những kỹ thuật điêu luyện nhưng đầy rủi ro.

“Dù vất vả và nguy hiểm nhưng đối với tôi công việc này thực sự vui vẻ. Mỗi ngày tôi đều mong chờ đến bình minh để được lao mình xuống biển" - bà Kampourakis, 1 người dân địa phương chia sẻ. “Trong suốt 52 năm, tôi liên tục lặn tìm bọt biển, thậm chí cả nghìn lần mỗi ngày. Công việc này giúp tôi có thu nhập cao và đủ để nuôi nấng 6 cô con gái và mua nhà cho gia đình chúng”. Bà cũng là người được khắc họa trên 1 bức tượng địa phương nhằm tôn vinh những thợ lặn bọt biển.

Nikolas Papachatzis, một nhà kinh doanh bọt biển cho biết: “Đã từng có 200 đến 250 chiếc thuyền di chuyển khắp Hy Lạp và phía đông Địa Trung Hải, tuy nhiên bây giờ chỉ còn lại một số ít".

Việc thu hoạch thâm canh đã kéo dài hàng thập kỷ. Thế nhưng dịch bệnh tấn công bọt biển vào những năm 1980 cùng với đó là sự thay đổi của khí hậu trong những năm 1990 đã gần như xóa sổ ngành thu hoạch bọt biển.


Sự trỗi dậy của bộ môn thể thao leo núi

Trong khi việc thu hoạch bọt biển bị sụt giảm thì một ngành "công nghiệp" hoàn toàn khác dần xuất hiện. Dọc theo bờ biển của hòn đảo, những vách đá cao màu vàng cam nhô lên từ mặt biển đã thu hút sự chú ý của nhà leo núi người Ý - Andrea Di Bari khi ông đi nghỉ tại Kalymnos vào năm 1996. Bị mê hoặc bởi những mỏm đá, ông đã quay lại vào năm sau cùng những người bạn leo núi để mở thêm 43 tuyến đường.

Bên cạnh đó, những hình ảnh do nhiếp ảnh gia Andrea Gallo đăng tải đã thu hút nhiều sự chú ý của những người leo núi hơn. Sau đó, Aris Theodoropoulos - 1 hướng dẫn viên leo núi và là tác giả của cuốn sách Kalymnos Climbing Guideboo đã hợp tác cùng chính quyền địa phương nhằm giúp Kalymnos trở thành 1 điểm đến leo núi thực sự.

Mùa xuân và mùa thu là thời điểm tốt nhất để leo núi. Thế nhưng do khí hậu nơi đây ôn hòa quanh năm nên việc trải nghiệm được bộ môn leo núi ở đây sẽ kéo dài hơn. Nikolaos Tsagkaris, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Kalymnos (Hy Lạp) cho biết: “Sự phát triển của các hoạt động leo núi đã giúp mùa du lịch tại đây kéo dài từ 3 đến 8 tháng”.

Bộ môn thể thao nguy hiểm đã giúp hồi sinh một hòn đảo tại Hy Lạp

Thông thường mỗi năm, hòn đảo này thu hút 12.000 người leo núi ghé thăm để thử thách kỹ năng cũng như sức chịu đựng của bản thân. Một số người đã mua nhà trên đảo, những người khác thì chờ đợi đợt giãn cách do COVID kết thúc. George Hatzismalis - người đứng đầu văn phòng du lịch thành phố chia sẻ: “Mối quan hệ giữa người leo núi và dân địa phương rất bền chặt. Các mối quan hệ cá nhân ngày càng phát triển. Giờ đây du khách không còn là những người xa lạ trên hòn đảo này. Kalymnos cũng trở thành 1 điểm nghỉ dưỡng cho những người đam mê câu cá, lặn và bơi lội".

Mô hình du lịch bền vững?

Trong khi biển tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống trên đảo thì sự hùng vĩ và mạo hiểm của những vách đá vẫn là một trong những điều cần khám phá. Đặc biệt là khi đại dịch đã mang đến điểm nhấn mới cho các điểm du lịch với những hoạt động ngoài trời.

Kalymnos đã khẳng định được vị trí của mình trên bản đồ leo núi toàn cầu, nhưng để điều này được tồn tại bền vững và lâu dài thì những di sản của hòn đảo cần được bảo vệ. Ông Hatzismalis cho hay: “Không có bất kỳ sự tác động, can thiệp nào đối với môi trường tự nhiên. Những nhà leo núi luôn có ý thức về môi trường. Chính phong cảnh hoang sơ là điều khiến họ đánh giá cao nơi đây”.

Khi nền du lịch toàn cầu được bình thường hoá trở lại, việc leo núi tại Hy Lạp sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí còn mang lại nhiều hứa hẹn hơn trong tương lai, đặc biệt là sau khoảng thời gian dài các hoạt động ngoài trời bị hạn chế tối đa do đại dịch.