Chiến tranh đã qua đi nhưng chứng nhân lịch sử vẫn còn đó. Sắp tới đây là kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất 30 tháng 4 năm 1975. Mời bạn cùng theo chân Vntrip đi tìm hiểu về những di tích lịch sử Việt Nam gắn liền với chiến thắng 30/4 hào hùng của dân tộc để được sống lại giây phút thiêng liêng ấy.
1. Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập
Chiếc xe tăng 390 của đoàn quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, húc tan cổng chính tiến thẳng vào dinh có lẽ là hình ảnh bất kỳ người con Việt Nam nào sống trong những ngày tháng ấy không thể nào quên được. Nhắc tới những di tích lịch sử gắn liền với sự kiện 30/4 trọng đại thì Dinh Độc Lập là di tích được nhắc tới đầu tiên.
Dinh Độc Lập trước đây được gọi là dinh Norodom, là một trong những công trình kiến trúc lớn tại thành phố Hồ Chí Minh được xay dựng trên diện tích rộng 12ha gồm một khuôn viên rộng thoáng với nhiều cây xanh và một dinh thự lớn có mặt tiền rộng 80m, phía trước là thảm cỏ xanh. Diện tích phía trong rộng, đặc biệt phòng khách có sức chứa lên tới 800 người.
Ngày 1/7/1962 Dinh Độc Lập được khởi công xây dựng. Công trình đang xây dựng dở dang thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị áp sát bởi phe đảo chính. Nên tới tận năm 1966 Dinh mới được khánh thành. Khi đó nơi đây trở thành nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975.
Sau khi lá cờ Việt Nam Cộng hòa được hạ xuống, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên Dinh Độc Lập là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước Việt Nam. Đến ngày nay, Dinh Độc Lập được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam và là địa điểm tham quan du lịch của khách du lịch trong và ngoài nước.
2. Trụ sở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh
Trụ sở Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh trước đây
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh được đặt tại số 4 Lê Duẩn, Quận 1 là một trong những địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử 30/4 của dân tộc. Hình ảnh hỗn loạn, tháo chạy nhốn nháo trên nóc Tòa đại sứ khi đó báo hiệu cho sự sụp đổ vĩnh viễn của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam lúc bấy giờ, kết thúc những năm chiên tranh ròng rã.
Hình ảnh Trụ sở Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ngày nay đã có sự thay đổi so với tòa nhà cũ. Được xây dựng lại vào năm 1998 trên khu đất cũ, tòa Lãnh sự quán Hoa Kỳ mới được xây dựng thấp hơn và kín đáo hơn. Dù tòa Lãnh sự quán đã có nhiều thay đổi nhưng đối với không ít người dân Sài Gòn nói riêng và người dân cả nước nói chung thì nơi đây vẫn mãi là chứng nhân lịch sử để người dân cả nước tự hào mỗi khi nhắc về chiến thắng hào hùng của dân tộc.
3. Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi
Trong những ngày kháng chiến của chiến dịch Hồ Chí Minh tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định, Địa đạo Củ Chi là nơi tập kết vũ khí và lực lượng quan trọng của đoàn quân Tây Bắc.
Địa đạo Củ Chi cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc. Là hệ thống phòng thủ đặc biệt trong lòng đất được xây dựng tại điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và quân kháng chiến Việt Minh đào trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương. Bên trọng Địa đạo Củ Chi được chia thành nhiều khu gồm: bệnh xá, phòng làm việc và nhiều phòng ở. Con đường ngầm dưới lòng đất chạy trải dài khoảng 250km với hệ thống thông hơi được đặt tại vị trí có bụi cây.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử của nhân dân Việt Nam. Vào năm 2015 khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ vào thành tích đặc biệt trong lao động, sáng tạo. Đặc biệt, vào ngày 12 tháng 2 năm 2016 nơi đây tiếp tục đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Địa đạo Củ Chi không chỉ là một trong những di tích lịch sử gắn liền với sự kiện 30/4 mà còn một điểm đến hấp dẫn cho chuyến hành trình tìm về cội nguồn của các thế hệ sau này. Trong những ngày tháng 4 lịch sử, bạn đừng quên ghé thăm địa điểm du lịch hấp dẫn này.
4. Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo là di tích lịch sử gắn liền với sự kiện 30/4 mà bạn không thể bỏ qua khi tìm về cội nguồn dân tộc. Vào lúc 12h đêm ngày 30/4, rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, Nhà tù Côn Đảo là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chí trị, chiếm được nhà tù Côn Đảo và chấm dứt hoạt động của nhà tù này sau 113 năm.
Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ tù nhân đặc biệt nguy hiểm như: tù phạm chính trị, tử tù,….Đây là nơi Pháp giam giữ những người ái quốc chống đối chính phủ thuộc địa và những người tham gia phong trào cách mạng. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chính quyền Mỹ tiếp tục sử dụng nhà tù này để giam cầm tù binh. Một trong những địa điểm nổi tiếng nhất trong khu di tích Nhà tù Côn Đảo chính là Chuồng Cọp. Được xây dựng bởi Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, Chuồng Cọp hay còn có tên gọi khác là trại Phú Bình hay trại 7. Đây là nơi giam giữ khắc nghiệt nhất tại nhà tù Côn Đảo. Tù nhân tại đây được giam giữ trong những căn phòng có diện tích cực nhỏ, chỉ rộng 5m2, phải ngủ trên nền xi măng ẩm, lạnh, ăn uống và vệ sinh rát kém hơn nữa còn bị tra tấn rất dã man để khai báo. Khu Chuồng Cọp được Mỹ xây biệt lập và giữ bí mật trong một thời gian để tránh dư luận phản đối.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước cũng như các đoàn học sinh, sinh viên đi tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
5. Sân bay Tân Sơn Nhất
Sân bay Tân Sơn Nhất
Trong sự kiện 30/4 nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất được coi là nhiệm vụ quan trọng của đội quân giải phóng phía Tây Bắc. Vì việc chiếm đóng được sân bay Tân Sơn Nhất cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tiêu diệt được lực lượng không quân của quân đội Sài Gòn.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước đây còn được gọi là Phi trường Tân Sơn Nhứt. Được xây dựng vào năm 1930 thuộc quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sân bay quốc tế có diện tích lớn nhất tại Việt Nam với tổng diện tích là 850ha.
Trong chiến tranh sân bay Tân Sơn Nhất vừa phục vụ cho hoạt động quân sự, vừa phục vụ cho hoạt động dân sự quan trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây tiếp tục đươc mở rộng, phát triển và ngày càng khai thác nhiều hơn các chặng bay trong và ngoài nước.
6. Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh
Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
Nhắc tới những địa danh gắn liền với chiến thắng 30/4 lịch sử của dân tộc thì không thể không nhắc tới Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ – Tổng thống Dương Văn Minh, xác nhận sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Vào ngày 30/4/1975 đài được đổi tên thành Đài Truyền hình Sài Gòn Giải Phóng. Sau chiến thắng vang dội 30/4 hình ảnh lá cờ Giải phóng miền Nam bay phấp phới trên màn hình trong bài hát Giải Phóng Miền Nam và đến nay hình ảnh đó vẫn thường được phát lại trong những dịp kỷ niệm ngày Giải Phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có tiền thân là Đài truyền hình Việt Nam ra đời vào năm 1965 thuộc chính quyền Sài Gòn. Đây cũng là Đài Truyền hình đầu tiên của Việt Nam, nhiều người dân Sài Gòn thời đó còn gọi là Đài số 9 hay Đài truyền hình Sài Gòn. Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 14, Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1. Ở vị trí trung tâm thành phố nên bất kỳ khi nào đi qua trục đường Nguyễn Thị Minh Khai – Đinh Tiên Hoàng bạn đều có thể bắt gặp hình ảnh của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh – Chứng nhân lịch sử không thể nào quên.
7. Một số địa danh gắn liền với sự kiện 30/4 khác
Cầu Rạch Chiếc
Trong sự kiện 30/4 Cầu Rạch Chiếc đã được nguyên Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316 chiếm giữ và bảo vệ để xe tăng có thể tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Cầu Rạch Chiếc nằm trên trục giao thông đối ngoại quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh, nối liền hai quận là Quận 9 và Quận 2.
Ngày nay, cầu được xây dựng lại rộng đẹp hơn rất nhiều. Thiết kế thành 3 nhánh với 10 làn xe giúp các phương tiện đi lại dễ dàng.
Cầu Rạch Chiếc
Những khu vực hoạt động nổi dậy dân sự
Bên cạnh những hoạt động quân sự góp phần trực tiếp vào thắng lợi 30/4 lịch sử thì các hoạt động nổi dậy dân sự được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chuẩn bị từ tháng 3 cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Hoạt động nổi dậy được diễn ra ở 5 khu vực gồm:
Khu vực 1 gồm Ngã Bảy, Bàn Cờ, Vườn Chuối (Quận 3): đây là khu vực do học sinh, sinh viên các trường Gia Long, Kỹ thuật Cao Thắng và cơ sở sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa do quân Giải phóng thực hiện binh vận thành công, từ đó trở thành cơ sở cách mạng.
Khu vực 2 gồm Khánh Hội – Xóm Chiếu (ở Quận 4) và một phần quận Nhìn: đây là khu vực gồm học sinh, sinh viên và lực lượng của các trường đại học Y, Dược, Nha và Nông súc sản phụ trách.
Khu vực 3 gồm Cầu Kiệu – Võ Dung Nghiệp, ngã tư Phú Nhuận (nay là Phan Đình Phùng): khu vực này được phụ trách bởi Đoàn Công tác xã hội Sinh viên học sinh Sài Gòn.
Khu vực 4 gồm Cầu Bông – chợ Bà Chiểu (ngày nay là đường Đinh Tiên Hoàng): khu vực này được phụ trách bởi các cơ sở các trường nữ, khối trung học tư thục.
Khu vực 5 gồm vùng ven Tân Sơn, Tân Phú, Bà Điểm (thuộc quận Tân Bình): đây là khu vực tập trung nhiều đồng bào công giáo nên được các thanh niên công giáo và các sở, cha xứ phụ trách.
Dù bạn là học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, công nhân viên chức, nhân viên văn phòng,….hay bất kỳ ai đang mang trong mình dòng máu đỏ da vàng thì những di tích gắn liền với chiến thắng 30/4 hào hùng của dân tộc chắc chắn là điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình tìm về cội nguồn của bạn.
Xem thêm:
Khám phá Nhà tù Hỏa Lò – Dấu tích lịch sử giữa lòng Hà Nội