Một buổi sáng tinh mơ, mình thức dậy trong căn nhà trình tường của anh bạn người H’Mông. Chẳng muốn bước ra khỏi chăn vì ngoài trời vẫn còn lạnh. Tia nắng sớm mai đậu trên ô cửa sổ nhỏ. Ngoài sân hoa đào đã nở, tiếng chim hót, tiếng trẻ cười đùa, tiếng những người phụ nữ vừa trò chuyện vừa giặt đồ ở chỗ nguồn nước dẫn từ trên núi xuống. Ai cũng muốn một lần đến đây, để đặt chân đến mảnh đất cực Bắc của Tổ Quốc. Để ngắm nhìn cao nguyên đá Đồng Văn và chinh phục con đèo Mã Pì Lèng – con đèo được mệnh danh là Vua của các con đèo ở Việt Nam. Mỗi năm mình phải đi Hà Giang ít nhất một lần. Riêng năm 2016 đi tới 5 lần. Mà tới giờ đã lại thấy nhớ.Sau nhiều chuyến đi về mình quyết tâm ngồi viết bài này chia sẻ lại với anh em. Để mọi người không còn lo lắng, bỡ ngỡ. Để ai đến Hà Giang cũng có cơ hội trải nghiệm và cảm nhận nhiều hơn là một chuyến đi lướt qua.
cảnh đẹp kì vĩ của vùng đất địa đầu Tổ quốc (ảnh: internet)
Du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất
Với mình, Hà Giang đẹp nhất vào mùa Xuân (sau Tết âm lịch) và mùa Thu-Đông (tháng 10-11).Mùa Xuân là mùa gieo ngô, mình vẫn gọi là mùa sống mới. Đến Hà Giang mùa này anh em sẽ được thấy không khí vui tươi trên ruộng đồng, thấy thịt treo đầy gác bếp, rượu đầy can. Và trong mùa Xuân ấy hoa đào, hoa lê nở. Những cành cây gầy guộc, khẳng khiu, chẳng có lấy một chiếc lá. Trông xa ai cũng tưởng như đã chết, ấy thế mà khi sát lại thật gần lại thấy những mầm lá non, những nụ hoa vẫn còn đang e ấp, kiên nhẫn chờ tới lúc vươn mình mạnh mẽ, tràn đấy sinh lực. Một mùa nương mới, hứa hẹn của ấm no.Tới tháng 5 cây ngô đã bắt đầu xanh lá. Cây lanh cũng đã cao lớn đứng chờ người Mông tới hái.Tháng 9 lúa ở Hoàng Su Phì, lúa ở Mậu Duệ – Đường Thượng chín, thời điểm anh em được ngắm nhìn không khí hăng say, ánh mắt vui tươi của người đồng bào Dao, Tày… khi gặt hái thành quả trong năm. Lúa lại đầy kho.
vẻ lộng lẫy của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín (ảnh: internet)Tới cuối tháng 10, đầu tháng 11 hoa tam giác mạch (loài hoa vốn là một thứ lương thực dự trữ trồng khi nông nhàn của người đồng bào vùng cao) nở rộ. Thời điểm hấp dẫn nhất trong năm.Cuối cùng là mùa đông. Trải nghiệm cái lạnh giá buốt mùa đông ở vùng núi cao phía Bắc, run run ly café nóng tự nấu trên tay, húp một bát cháo Ấu Tẩu ngọt sau, đắng trước, nhấp trọn chén rượu ngô, ngồi bên bếp lửa hồng, trong ngôi nhà trình tường đầy bồ hóng… hỏi Hà Giang có tuyệt không?
Phố Cáo một chiều mùa đông (Ảnh: McQueen Lightning)Anh em đừng quan tâm tới mùa. Cứ đến với một tâm hồng rộng mở, không định kiến, không so sánh, chỉ quan sát, đắm chìm, trải nghiệm… mọi người sẽ thấy Hà Giang mùa nào cũng đẹp.
Đường đi Hà Giang cho xe máy, ô tô
Tuyến đường này dài ~320kmĐường thứ nhất: (dành cho các anh em đi xe máy)Bắt đầu từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – rồi đi thằng tới cầu Trung Hà (Tới ngã 3 thị xã Sơn Tây rẽ phải) ~> Cổ Tiết ~> Cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu anh em rẽ tay trái, men theo con sông Thao) – đến thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – Tuyên Quang anh em không đi qua thành phố mà chọn hướng đường quốc lộ 2 thẳng tiến tới Hà Giang.Đi Hà Giang theo hướng thứ 2 này đường vắng, tiết kiệm được khoảng 30km, không có nhiều công an, lần đầu tiên đi Hà Giang Việt Anh đi theo đường này mất gần 9h tới thành phố Hà Giang. (từ 12h40 đến 21h25 có mặt tại thành phố – tính cả lúc dừng nghỉ – ăn và chụp ảnh)
(ảnh: internet)Đường thứ hai (đường dành cho ô tô)Bắt đầu từ Hà Nội – Đi cầu Thăng Long – rẽ sang Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang. Xe máy cũng có thể đi đường này, xa hơn 30km.
Lịch trình chi tiết khám phá Hà Giang bằng xe máy, ô tô
Lịch trình tóm tắt: TP. Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Sà Phìn – Dinh Họ Vương – Lũng Cú – Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bắc Mê – Hà Giang.
Ngày thứ 1: Dành thời gian ở trên đường đến Hà Giang. Đêm đến thành phố thuê nhà nghỉ, tắm, đi ăn đêm và lang thang dạo một vòng thành phố. (địa điểm nghỉ giá rẻ ở khách sạn Công Đoàn, có phòng 50k/người đầy đủ nóng lạnh dành cho các bạn đi bụi, đi phượt theo nhóm). Ngoài ra giá nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Giang trung bình tầm 200 – 300k/phòng đôi.
con đường hạnh phúc (ảnh: Cao Anh Tuấn)
Ngày thứ 2: Dậy sớm trả phòng (dậy sớm để đi được nhiều nơi hơn). Đổ đầy bình xăng tiến thẳng tới Quản Bạ (40km) kịp ngắm bình minh. Buổi sáng sớm ở dốc Bắc Sum thường có biển mây.Ngắm bình minh xong đi tiếp tới xã Quyết Tiến, mùa hoa tam giác mạch ở đây có cánh đồng hoa rất đẹp (khu Thạch Sơn Thần), chụp ảnh rồi đi thị trấn Tam Sơn. Trên đường đi chụp ảnh núi đôi Cô Tiên.
núi đôi Hai Cô Tiên (ảnh: Cao Anh Tuấn)Từ Quản Bạ, đi Yên Minh (60km). Đoạn gần tới Yên Minh nhiều cảnh đẹp, nhất là đoạn rừng thông Yên Minh. Hai bên đường là cây thông che phủ, cảm giác giống như đi trong rừng thông Đà Lạt. Anh em có thể dừng ở đây cắm trại và ăn trưa luôn.Đến Yên Minh, có 2 đường rẽ Đồng Văn hoặc Mèo Vạc. Anh em rẽ hướng Đồng Văn. Đi qua Yên Minh một đoạn đặt chân tới đất Đồng Văn bắt đầu xuất hiện những dãy núi đá đầu tiên. Sau đấy một đoạn sẽ đến con đèo quanh co khá đẹp mà mình không biết tên.Vượt qua đoạn đèo trên anh em tới cổng trời Sà Phìn (Đoạn ngã 3 rẽ đi Cột cờ Lũng Cú và Dinh họ Vương). Lúc này khoảng 2 – 3h trưa. Bạn rẽ luôn xuống dinh họ Vương chơi, thăm quan xong quay lại ngã 3 và ngược lên cột cờ Lũng Cú (26km). Đoạn từ cổng trời lên Lũng Cú đẹp khủng khiếp. Dãy núi đá nhấp nhô như những con sóng. Đẹp. Hùng vỹ đến mê hồn. Đoạn này tên là Ma Lé.Đến đoạn cột cờ Lũng Cú anh em chú ý: đừng gửi xe ở bên dưới chân núi (chỗ đồn biên phòng) mà phóng thắng xe lên trên cột cờ. Mua vé tham quan trên ấy để tiết kiệm thời gian và sức leo bậc thang bộ.Rời cột cờ Lũng Cú, còn nhiều thời gian anh em có thể lang thang quanh làng Lô Lô. Rồi quay ngược về thị trấn Đồng Văn (đoạn này ~22km). Tới thị trấn thuê phòng nghỉ.Buổi tối anh em ra thị trấn chơi, đi ăn cháo ấu tẩu quán Mộc Miên, uống cafe ở cafe Phố Cổ.(chỗ này có ngủ homestay 60k/người, tuy nhiên nước nhà tắm hơi bé)Kết thúc ngày 2.
cột cờ Lũng Cú (mốc cực Bắc của Tổ quốc)
Ngày thứ 3: Sáng dậy ra ngay phố cổ ăn sáng. Món nên thử là bánh cuốn Bà Bích nổi tiếng và xôi sắc màu. Ăn xong trả phòng, đi Mã Pì Lèng. Mã Pì Lèng là con đèo nối từ Đồng Văn tới Mèo Vạc (20km). Đỉnh Mã Pì Lèng là đoạn nhìn xuống dòng Nho Quế. Từ đầu chí cuối con đèo, cảnh quan đâu đâu cũng đẹp. Không có một bức ảnh nào về Mã Pì Lèng có thể lột tả được hết dáng vẻ hùng vĩ của con đèo này! Nếu có nhiều thời gian, và đã từng đi Hà Giang 1 lần rồi có thể dành thời gian đi Sín Cái, đường đi có đoạn qua sông Nho Quế nước xanh ngọc, đèo dốc uốn lượn cảnh siêu đẹp.
cung đèo Mã Pì Lèng huyền thoại (Ảnh: Hiệp Đình Yến)Nếu không đi Sín Cái thì từ Mã Pì Lèng thẳng tiến Mèo Vạc ăn trưa. Sau khi ăn trưa, còn một chặng đường khoảng 150 – 180km nữa để về thành phố Hà Giang. Có 3 đường để về thành phố:1. Mèo Vạc – Lũng Phìn – Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang (lối này đi lại đường cũ, cảnh không thú vị, anh em nào cần về cho kịp giờ xe, hoặc ko tự tin tay lái nên đi đường này)2. Mèo Vạc – Lũng Phìn – Mậu Duê – Lũng Hồ – Đường Thượng – Lùng Tám 0 Quản Bạ – Hà Giang (đường này siêu đẹp, mình vote cho đường này, có vài đoạn đang sửa hơi xấu nhưng cảnh thì miễn bàn, cực phê, siêu kích thích anh em nào ham mê khám phá, tuy nhiên nhớ để ý xăng đoạn ở Mậu Duệ nhé)3. Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bảo Lạc – Bắc Mê – Hà Giang (VA từng đi đoạn đường này 1 lần, nhưng không về lại Hà Giang mà đi thẳng tới Cao Bằng luôn để tới thăm thác Bản Giốc.)Về tới Hà Giang, nếu đi xe máy nên nghỉ lại một đêm ngày mai về. Nếu thuê xe máy thì trả xe và bắt xe khách chuyến muộn nhất 20h30 (21h) về Hà Nội.Kết thúc hành trình.
Ở đâu khi đến Hà Giang
TP Hà GiangLần đầu đi mình mất khá nhiều thời gian để tìm nhà nghỉ. Địa điểm nghỉ mình thấy dịch vụ tốt (có cả phòng giá rẻ cho dân đi bụi) xứng đáng được giới thiệu đầu tiên là khách sạn Công Đoàn. Ngoài phòng private, ở đây còn có phòng cho dân phượt chỉ 50k/người (có tắm nóng lạnh).
Phố cổ Đồng VănĐể cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc nhất tại phố cổ Đồng Văn, mình khuyên mọi người nên chọn nghỉ homestay trong một ngôi nhà cổ. Nhà cổ ở Đồng Văn thường từ 200-300 năm.Mình đặc biệt ấn tượng với homestay Hội Liêm, nhà chị Liêm ở sâu trong phố cổ, ngôi nhà đã 300 năm tuổi được nhà nước phục dựng lại, rất cổ kính, rất Hà Giang. Ở homestay nếu đi nhóm dưới 8 người anh em có thể nhờ chị Liêm nấu ăn. Giá nghỉ là 60-80k/người/đêm. Có đầy đủ tắm nóng lạnh, nhà vệ sinh sạch sẽ, hiện đại. Ở đây hay có khách nước ngoài vì rất yên tĩnh và cổ kính.Địa chỉ nhà chị: số nhà 22 tổ 4 thị trấn Đồng Văn (gần cuối dãy phố cổ) – SĐT 0163.5673.631 Bật mí 9 homestay cực chất tại Hà Giang
Ăn gì khi đến Hà Giang
8 món ăn không thể bỏ qua khi đến Hà Giang:1. Bánh cuốn Phố Cổ Đồng Văn
(ảnh: internet)2. Cháo ấu tẩu3. Rượu ngô men lá4. Xôi ngũ sắc
(ảnh: internet)5. Bánh tam giác mạch6. Thắng cố7. Thịt trâu, thịt lợn gác bếp8. Phở vùng caoNguồn: blogger Trần Việt Anh
Nguồn : gody.vn