Chuyện về cung đường hiểm trở nhất Hà Giang: Du Già – Mậu Duệ

Nếu muốn đắm mình vào sắc đỏ của mùa mộc miên, nếu muốn thử tay lái của mình, nếu muốn tim mình “lịm đi” trước khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ mà nên thơ của miền cao nguyên đá,… thì bạn không thể không chinh phục cung đường đi Hà Giang hiểm trở nhất mà cũng hấp dẫn trái tim kẻ xê dịch nhất: Du Già – Mậu Duệ. Để tiết kiệm thời gian, chúng tôi bắt xe khách đêm tới thành phố Hà Giang rồi thuê xe máy bắt đầu hành trình. Chọn cung đường Du Già – Mậu Duệ dài khoảng 73 km với những đoạn đường dốc cao lên đến 12 m, với dốc đất đá hiểm trở, với những khúc cua quanh co, uốn lượn, ngoằn nghèo, với vệ đường cũng toàn đá cheo leo, … chúng tôi muốn chinh phục cung đường hiểm trở nhất Hà Giang ấy! Theo lời khuyên của người dân, chúng tôi đổ xăng đầy bình bởi dọc đường đi chỉ thấp thoáng dăm ba nóc trên núi, không trạm xăng, không quán sửa xe.Mục Lục1. Mùa mộc miên trên miền đá2. Trường Tiểu học Du Già3. Về cung đường đi Hà Giang hiểm trở nhất: Du Già – Mậu Duệ4. Khoảng lặng của tôi5. Cốc cafe trên dốc Thẩm Mã6. Đường lên Đồng Văn

1. Mùa mộc miên trên miền đá

Dọc con đường, tôi bắt gặp mùa mộc miên trên miền đá. Đó là những bông hoa bừng lên như đốm lửa giữa nền trên trời xanh thanh thiên. Hoa gạo không chỉ là loài hoa của nơi làng quê thôn xóm mà trên mảnh đất cao nguyên đá Hà Giang, hoa gạo vẫn bừng lên sắc đỏ gọi mùa hè về. Người Mông ở đây thường nhặt hoa gạo để làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt các bộ phận của cây như hoa, vỏ thân và rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Chuyện về cung đường hiểm trở nhất Hà Giang: Du Già – Mậu Duệ
Hoa gạo là thức ăn cho bò.
Hoa đỏ rực trên nền trời xanh.
Hoa gạo thắp lửa cho miền đá khô cằn.Hoa Gạo là biểu tượng của những cảm xúc mãnh liệt, chung thuỷ và kiên trì trong tình yêu lứa đôi. Màu sắc đỏ thắm của hoa gạo khiến tôi nhớ đến câu chuyện buồn mà cô gái trong truyền thuyết đã gieo mình để hoá thân thành vì muốn người yêu luôn nhận ra mình, cô đã chọn màu hoa giống như màu khăn mà người yêu trao tặng.
Tổ chim trên cây gạo.
Mùa hoa gạo gọi về bao nỗi nhớ tuổi thơ.
Con đường một bên là những cây gạo trổ bông.

2. Trường Tiểu học Du Già

Chúng tôi dừng nghỉ trưa ở gần trường Tiểu học Du Già, khi ấy đúng tầm lũ nhỏ cũng tan trường. Tôi và cậu bạn ra hàng quà vặt mua kem dừa đá – “đặc sản” của vùng cao, thức quà vặt của tuổi thơ – cho mấy đứa nhỏ. Mỗi đứa một que kem, gương mặt chúng rạng rỡ trước món quà vặt khoái khẩu ấy. Lũ nhỏ cười nói rộn ràng vang một góc. Niềm vui như “lây truyền” sang chúng tôi!
Những em nhỏ ở trường Du Già.
Kem đá – món quà của lũ nhỏ vùng cao.
Niềm vui của lũ nhỏ.
Ánh mắt trong trẻo của em.
Cậu bạn tôi mua kem cho lũ nhỏ.

3. Về cung đường đi Hà Giang hiểm trở nhất: Du Già – Mậu Duệ

Từ thành phố Hà Giang đến Minh Ngọc (huyện Bắc Mê) rồi tới Du Già (huyện Yên Minh) dài khoảng 73 km là con đường đèo chạy quanh những ngọn núi.
Con đường như sợi chỉ mảnh vắt ngang núi.Đường như sợi chỉ mảnh vắt ngang những dải quanh co quanh núi giữa lưng chừng trời. Những thửa ruộng bậc thang khoảng xanh khoảng vàng đan xen nhau của đồng bào người Mông như những nấc thang bắc lên Trời. Chiều chiều, nắng chiếu làm bức tranh miền sơn cước có hình có khối hơn.
Bức tranh miền sơn cước Du Già.Vào mùa hè, Du Già như khoác trên mình chiếc áo xanh sinh động hơn bao giờ hết: lớp lớp thực vật bao phủ núi đá vôi. Bản làng nằm đâu đó phía thung lũng kia, tất cả tạo thành một khung cảnh bình yên tới lạ!
Thấp thoáng vài nếp nhà trên núi.
Khung cảnh rất đỗi bình yên!Con đường thiên lý ấy dẫn chúng tôi tới một thiên đường có thật dưới mặt đất: bầu trời xanh vời vợi, thế núi sừng sững giữa đất trời, dòng thác nhỏ với mạch nước lộ thiên, những ngôi nhà nép mình dưới tán cây gạo đỏ rực,…
Con đường dẫn người ta tới thiên đường nơi hạ giới.
Ngôi nhà nép dưới thung lũng.Xe bon bon chạy trên đường, xe qua những con dốc lên dốc xuống, xe băng đèo, xe qua sỏi đá cộc cằn,… Dọc đường, tôi bắt gặp những đứa nhỏ vùng cao với đôi mắt trong veo, ánh nhìn hồn nhiên và nụ cười ấm áp như ánh nắng mùa thu. Hay những người dân tộc sống trên miền đá đang cặm cụi, cần mẫn làm việc.
Thấp thoáng bóng dáng ngôi nhà tường trình.
Loài hoa dại bên đường.
Cốc cafe trên đường.
Cô bé với tấm áo sặc sỡ sắc màu.
Gương mặt bụ bậm của em.
Em nhỏ theo chân bố về nhà.
Cành lá mơn mởn trên cây.

4. Khoảng lặng của tôi

Khoảng lặng của tôi là những lúc chạy xe một mình. Một mình một ngựa, tôi vừa đi vừa đắm mình nơi hồn đá. Đồi núi nhấp nhô trùng điệp như tạo thành bản hùng ca mang tên Cao nguyên đá. Những thửa ruộng bậc thang như bức tranh với gam màu nâu đậm nhạt xen thêm màu xanh của cây. Đá tai mèo lởm chởm là hình ảnh đặc trưng của Hà Giang, trên những phiến đá khô cằn ấy vẫn mọc lên những loài cây với sức sống mãnh liệt. Hàng thông chạy thành hàng tăm tắp dọc sườn đồi. Cảnh vật cứ thế tạc ghi vào tâm trí tôi.
Tôi như lặng đi trước khung cảnh này.
Khoảng đất chỗ đậm chỗ nhạt.
Miền cao nguyên đá đẹp nao lòng.
Đồi núi san sát và nhấp nhô.
Thông chạy thành hàng tăm tắp trên sườn núi.

5. Cốc cafe trên dốc Thẩm Mã

Dừng chân trên dốc Thẩm Mã – con đường đèo với 9 khúc uốn lượn nằm trên quốc lộ 4C – lúc xế chiều. Dốc Thẩm Mã có nghĩa đen là con dốc dùng để thẩm định sức ngựa. Tương truyền rằng, xưa kia chính tại con dốc này người ta cho ngựa thồ hàng từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh vẫn còn khỏe là con ngựa tốt thì người dân giữ lại nuôi.
Con dốc “huyền thoại”.Chúng tôi ngồi ở điểm cao nhất, vừa phóng tầm mắt xuống chiêm ngưỡng con dốc “huyền thoại” Thẩm Mã, vừa thưởng thức cốc cafe mang theo trên đường. Dư vị lúc xế chiều là dư vị đọng lại của cafe nâu đậm đặc hay là dư vị của nơi núi non đèo cao vừa hùng vĩ vừa nên thơ?
Chiều, chúng tôi ngồi nhâm nhi cốc cafe.

6. Đường lên Đồng Văn

Đường lên Đồng Văn là con đường ngập sắc hồng của hoa đào. Tháng 4, những cây đào còn sót lại những nụ hoa hồng phai. Người ta bảo, những thứ sắp tàn thường mang một vẻ đẹp xao xuyến, nao lòng, hoa đào cũng vậy, sắc hoa như làm say lòng bước chân lữ khách. Còn gì bằng khi được hòa mình vào mùa hoa đào nơi cao nguyên đá Hà Giang.
Người phụ nữ người Mông trên đường về nhà.
Ngôi nhà tường trình và cành đào hồng phai.Cung đường đi Hà Giang qua Du Già – Mậu Duệ là cung đường hiểm trở nhất Hà Giang và cũng là cung đường “gây thương nhớ” nhất với những kẻ xê dịch.
Những cây hoa đào còn sót lại của mùa xuân.
Những người tôi gặp trên đường lên Đồng Văn.
Hà Giang hùng vĩ nhưng cũng “tình” làm sao!Tác giả: Nguyễn Thị Kim Chi*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal. Nguồn : Traveloka