1. Nên uống thuốc chống say độ cao
Nếu sáng mai bạn trekking lên độ cao từ 3000m trở lên thì chắc chắn bạn tối nay bạn uống thuốc nhé. Hoặc giả chiều nay bạn sẽ trekking đến độ cao như thế thì sáng bạn nên uống thuốc rồi. Thuốc mua ở đâu? Ở Sài Gòn mình chưa thấy chỗ bán, có đi tìm hết các cửa hiệu lớn ở đường Hai Bà Trưng nhưng vẫn không có. Vậy nên, bạn cần có sự chuẩn bị trước là mua trên Amazon. Tên thuốc là Altitude Pills hoặc Sorojchi Pills, search một phát là ra nhiều lắm. Hoặc bạn cũng có thể mua ở Kathmandu (thủ đô Nepal), nơi này thuốc luôn có sẵn và rất rẻ nữa, không mắc như thuốc bán trên Amazon đâu.
Đừng chủ quan, thuốc này rất hữu ích đấy. Vì khá nhiều người bị say (hay còn gọi là sốc) độ cao lắm, trừ khi bạn đã đi đến những vùng có độ cao lớn và biết chắc là bạn không bị chứng say độ cao thôi còn lại thì bạn nên uống để đề phòng. Sẽ có những dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, thở gấp và có thể hành sốt nữa. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng này khác nhau ở mỗi người và tùy thuộc vào độ cao mà bạn lên. Say độ cao thường đến một cách từ từ và nếu không chuẩn bị trước thì khi nhận ra thường là đã hơi bị muộn rồi. Như mình thì đã bị say rất nặng khi lên 5200m. Mình đã rất ốm và phải bỏ cuộc khi còn cách đích đến là đỉnh Kalapatha 2 giờ leo nữa thôi. Phải cực kỳ lưu ý điều này để chuyến đi được trọn vẹn hơn nha!
2. Nên uống nhiều nước và uống đúng cách.
Trước khi đi mình đọc vô số lời khuyên là uống nhiều nước để chống say độ cao. Lời khuyên thì cực tốt và hữu ích và mình cũng có làm theo nhưng kết quả mình vẫn say ngất ngư một phần vì không uống đủ nước. Bạn tưởng tượng trời thì lạnh khoảng 1 hoặc 2 độ C, nước trong chai cũng lạnh tương tự thế thì thật là không có hứng uống chút nào. Lúc đó mình chỉ mong đến điểm nghỉ để gọi một thức uống gì đó nóng nóng uống cho ấm bụng, giải khát và bớt mệt đi thôi ấy. Đến chuyến đi thứ 2 thì mình rút kinh nghiệm hơn, nghĩ ra cách là mang theo một bình giữ nhiệt để đựng nước nóng. Pha nước nóng đó với nước đóng chai bình thường cho ra một thứ nước hơi âm ấm bạn sẽ uống được rất nhiều mà không cần phải gắng sức. Tối trước khi đi ngủ bạn xin nhà bếp chỗ nơi bạn ở ấy, xin một bình đầy mang về phòng và pha uống như vậy. Ban đêm rất lạnh, không có nước ấm thì bạn sẽ rất lười uống nước và như vậy sẽ rất dễ bị say độ cao. Nhớ là ban đêm bạn nên thức dậy vài lần để uống nước nhé. Chứ bạn ngủ một giấc suốt 8 hay 9 tiếng chẳng hạn mà không uống thêm nước thì không xi nhê lắm đâu nếu bạn đang ở một độ cao đáng kể.
Một cách nữa mà mình làm để uống được nhiều nước hơn trên đường trekking là mua một lon bò húc pha vào chai nước suối 1 lít và uống thôi. Thường mình không uống thứ này nhưng khi đi bộ đường trường mình cảm thấy rất thích uống và có vẻ nó cho mình thêm năng lượng thì phải. Mình chỉ uống nước này một ít vào ban ngày trên đường đi, ban đêm chỉ uống nước thường. Bạn có thể pha với các loại viên sủi gì đó nếu bạn thích và quen uống nhen.Chuyến đi thứ 2 mình không bị say độ cao (mình chỉ lên đến 4800m thôi), không bị ốm, sức khỏe có thể nói là khá ổn có lẽ một phần do đã chăm chỉ uống đủ nước. Mình ước gì mình biết và làm điều đơn giản này trong chuyến đi đầu tiên của mình ở Nepal thì mọi thứ đã tốt đẹp hơn nhiều.
3. Nên mang theo nhiều thức ăn
Một số loại đồ ăn như chà bông, thịt kho ruốc rang khô, thịt hộp, cá hộp, rau củ đóng hộp... Lý do là phần lớn đồ ăn Nepal không hợp khẩu vị của người Việt. Rất đơn điệu và thiếu rau trầm trọng. Mang theo một ít trái cây cũng rất tuyệt vời giúp bạn hồi sức. Như mình mang được mấy trái dưa leo mà lên đó ăn thấy ngon vô cùng tận luôn đó. Khi đi lần 2 mình phát hiện ra một món khá ổn mà khi ăn món này mình không phải ngửi mùi gia vị cà ri đặc trưng của Nepal hay gia vị của bất cứ nơi nào khác. Đó là món trứng luộc và khoai tây luộc. Mình ăn món này trường kì mấy ngày luôn. Cho đến khi về Kathmandu vẫn ăn vì không thấy lựa chọn nào tốt hơn nữa, hihi.
Nên mang theo gậy leo núi. ở Kathmandu bán 100k/cây thôi. Hãy mua 2 cây mang theo. Và nhớ mang theo đủ lâu. Nếu không dùng thì vứt còn hơn là cần mà không có. Theo quan sát của mình thì khoảng 90% trekkers ở Nepal dùng gậy. Cá nhân mình mà không có gậy là chắc về giữa chừng luôn khỏi đi tiếp.
5. Thuê porter hỗ trợ khuân đồ
Trừ khi bạn vô cùng khỏe và tự tin vào sức mang vác của bạn còn không thì hãy thuê porter/người khuân đồ để họ mang hành lý cho bạn. Chắc bạn cũng biết đi bộ đường trường trên núi và leo dốc nó mệt như thế nào rồi phải không? Vậy mà bạn còn phải mang trên lưng bạn khoảng 8 đến 10kg đồ hành lý vật dụng của bạn nữa thì ôi "nhằn" lắm đấy. Mình đầu hàng ngày và thuê gấp porter để hỗ trợ.
À bạn nên nhớ là cùng một con dốc như nhau nhưng khi bạn leo ở độ cao trên 3000m rất khác so với dưới thấp, ý mình nói là bạn sẽ thấy mệt hơn và phải gắng sức hơn nhiều. Lý do là ở độ cao này lượng oxy trong không khí đã giảm (gọi là không khí loãng/thin air) và nó làm bạn mệt. Trên 4000m sẽ khác nhiều nữa, và trên 5000m thì không thể tả nổi là mệt như thế nào luôn í.
6. Nên mua bảo hiểm du lịch.
Và nhớ đọc thật kỹ các điều khoản bảo hiểm trước khi mua. Bảo hiểm có cover cho trekking đến độ cao mà bạn đến không? Nếu không nói hay thấy không rõ hãy gọi điện/email đến hỏi ngay. Đảm bảo nó có cấp cứu 24/7 bằng trực thăng. Lần đầu mình mua bảo hiểm của World Nomads hết 96USD cho chuyến đi 16 ngày ở Nepal. Công ty này không có chi nhánh ở Việt Nam, mình đọc reviews trên Tripadvisor rồi mua và trả tiền online thôi, cũng hơi lo không biết có mua phải hàng fake không nhưng khi ốm thì gọi và có trực thăng đến chở về thì biết là okay đã mua trúng hàng thiệt, hehe. Khi bị ốm vì sốc độ cao ở Gorashep mình đã sử dụng dịch vụ trực thăng cấp cứu. Và cũng phải chờ đến 6 tiếng kể từ lúc gọi thì mới có trực thăng đến chở về Kathmandu.Lần 2 mình mua của Top Travel là một cty con của AIG (Mỹ). AIG có chi nhánh ở Việt Nam. Mình mua hết hình như 900k cho chuyến đi 12 ngày ở Nepal thì phải nè.
Lần đầu đi mình cũng tìm hiểu bảo hiểm du lịch của AIG nhưng đọc điều khoản thì thấy nó xếp trekking vào loại hoạt động rủi ro cao và loại trừ nên mình next luôn. Lần thứ hai đi mình tìm hiểu lại, đọc lại điều khoản thì không còn thấy loại trừ này nữa, gọi điện hỏi thì có vẻ đáp ứng các tiêu chí của mình là có dịch vụ cấp cứu 24/7 (thường trực ở Malaysia) nên mình mua. À lần 2 mình không mua của World Nomads nữa là do vụ nó để mình chờ 6 tiếng lúc mình ốm ngất ngư và vật vờ ở Gorashep.
Một trong những điều khoản bảo hiểm mình thích ở Top Care là: Nếu tử nạn vì phương tiện giao thông công cộng thì được bồi thường 6,3 tỷ đồng tiền Việt. Số là cung trekking của mình phải đi bus 1 ngày đường từ Kathmandu. Mà bus ở Nepal thì ôi thôi, hihi ai đi thì biết, chuyến đi thứ hai mặc dù mạnh khỏe, an toàn ổn cả nhưng mình cũng lại có dịp dùng đến bảo hiểm du lịch. Số là chuyến bay mình đi quá cảnh ở Kualalumpur và bị delay ở đó thêm 22 tiếng nữa do có sự cố ở sân bay Nepal các chuyến bay đến đó không thể đáp xuống được. Và theo các điều khoản bảo hiểm thì đây là một tình huống được bảo hiểm. Sau đó về mình gửi bản sao các giấy tờ liên quan cho công ty bảo hiểm và họ bồi thường sự cố này cho mình số tiền hơn 6 triệu đồng.
Trên đây là vài điều lưu ý chia sẻ đến các bạn yêu thích sự khám phá và có ý định đi trek ở Nepal. Chúc các bạn mạnh khỏe, may mắn và có nhiều chuyến trekking thú vị như mình nhé!
Tổng hợp: Quế LâmNguồn: FB Bich Thuy Cao Thi
Nguồn : tripnow.vn