7 năm theo đuổi thể thao mạo hiểm của chàng trai 24 tuổi

- Vinh này! Từ lúc nào cậu biết bản thân thích chơi những trò mạo hiểm này?

- Mình không biết nữa nhưng chắc là từ bé rồi. Ngày bé, cây xoài trước nhà luôn là món đồ chơi yêu thích của mình.

Tuấn Vinh cười nhẹ rồi đáp lại.

Hành trình đi tìm giấc mơ ở Ý

Phan Tuấn Vinh (24 tuổi) là chàng trai đam mê thể thao mạo hiểm. Trước đây, cậu từng là sinh viên trường Đại học Kỹ Thuật - Hậu Cần CAND và theo học một chuyên ngành mà cậu chẳng mấy mặn mà. Tháng 8 năm 2018, Vinh quyết định bỏ ngang 1 năm đại học để bay đến Ý theo đuổi thể thao mạo hiểm.

Vinh du học tại một trường đại học thể dục nằm ở miền Nam nước Ý. Đối với cậu, Ý là vùng đất cho cậu cơ hội trải nghiệm, học hỏi văn hóa leo núi ở châu Âu, nơi bắt nguồn của bộ môn leo núi mạo hiểm.

Những ngày đầu đến Ý, Vinh gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp vì không nói được ngôn ngữ bản địa. Tuy nhiên, nhờ thể thao mạo hiểm, cậu có thể giao tiếp dễ dàng và kết nối với nhiều người bạn và đồng đội ở Ý.

“Mình xem thể thao mạo hiểm là một lợi thế để mình kết nối với nhiều đồng đội người bản địa. Ngôn ngữ của mình là từ trái tim nên mọi người đều hiểu thôi”, Vinh chia sẻ.

Tuấn Vinh đã theo đuổi thể thao mạo hiểm trong 7 năm


Vinh lật lại quyển sổ ghi chép và khá bất ngờ khi đến ngày 27/8 này là kỷ niệm tròn 3 năm cậu đến Ý. Một quãng thời gian dài trôi nhanh nhưng sau tất cả, điều đọng lại trong cậu vẫn là những chuyến đi cùng đồng đội chinh phục nhiều địa hình ở trời Âu.

Trong 3 năm sống ở Ý, anh đã chinh phục nhiều địa hình như Leo moto perpetuo 745m – con đường dài nhất miền Nam nước Ý, Verdon – cố đô leo núi của những năm 80 của Pháp, núi Meteora - Hi Lạp, Pizzo D’uccello thuộc dãy Appenini – xương sống nước Ý.

Hàng ngày ở Ý, Vinh thường tự tìm tòi, học hỏi kỹ năng chơi thể thao mạo hiểm từ những người đồng đội và áp dụng kiến thực học được từ trường Đại học để sắp xếp chương trình tập luyện riêng cho bản thân. Đến nay, Vinh đã chơi qua nhiều bộ môn trong thể thao mạo hiểm như: sport climb (leo núi thể thao), bouldering (leo núi không dùng dây bảo vệ), trad climb (leo núi truyền thống), multipitch trad - sport (leo núi phối hợp).

“Mình không tập luyện và sống như một vận động viên chuyên nghiệp. Cách mình chơi thể thao mạo hiểm giống cái thú của người du hành hơn, vừa chinh phục vừa khám phá các điểm đến khác nhau. Tuy nhiên, trong mỗi hoàn cảnh, mình lại chọn con đường phù hợp cho bản thân”, Vinh chia sẻ.




- Chơi mấy bộ môn thể thao mạo hiểm chắc Vinh gặp tai nạn nhiều lắm nhỉ?

- Mình rơi thì nhiều, còn tai nạn thì “trộm vía 1 tỷ lần”, thi thoảng mình mới bị

Tuấn Vinh nhoẻn miệng cười và đáp lại.

Ngắm nghía lại những bức ảnh trong chuyến leo núi Meteora ở Hi Lạp cách đây 1 năm, Vinh suýt xoa nói: “Đây có lẽ là một chuyến leo núi nhớ đời và cũng là lần mình ngã đau nhất”.

Lần leo núi đó, Vinh đã bị trượt chân và rơi xuống đất từ độ cao 10m do đá lở. Khi vừa chạm xuống đất, cậu đã cố gắng lăn vài vòng để giảm lực tác động vào cơ thể nhưng trong đầu thì nghĩ là không thể thở được nữa rồi. Nhưng may mắn thay, lần tai nạn đó cậu chỉ bị rách đầu gối, mà không bị chấn thương nghiêm trọng nào khác.

Vinh cho biết cậu không bất ngờ với những tai nạn khi chơi thể thao mạo hiểm bởi nó là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng từ những tai nạn đó, cậu học được cách tự bảo vệ bản thân trước các lực tác động khi ngã, cách kết nối với đồng đội để hỗ trợ, giữ tính mạng cho nhau khi leo trèo ở nhiều dạng địa hình khách nhau.

Mỗi bộ môn trong thể thao mạo hiểm luôn mang đến cho cậu nhiều cảm xúc khác nhau, thường là cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản, có lúc thì bùng nổ trong vui sướng. “Khi mình đẩy bản thân đến giới hạn của khả năng vận động để cố gắng hoàn thành đường leo, cảm xúc lúc đó sẽ thật sự bùng nổ. Nhưng sau tất cả những cảm xúc đó, mình cảm thấy yêu cuộc sống này hơn bao nhiêu hết”, Vinh chia sẻ.

Tuấn Vinh bị thương trong một lần đi leo núi ở Meteora - Hi Lạp


Đam mê và khát khao theo đuổi thể thao mạo hiểm

“Hồi học cấp 3, mình hay tiết kiệm tiền ăn bố mẹ cho hàng ngày để có tiền đi leo núi giảm giá vào thứ 4 mỗi tuần ở phòng tập”, Tuấn Vinh kể về những ngày đầu tiên bắt đầu chơi thể thao mạo hiểm.

Sau vài tháng luyện leo núi ở phòng tập, một huấn luyện viện người Pháp đã ngỏ ý muốn tài trợ cho Vinh đi thi đấu ở Singapore. Nhận được lời mời hấp dẫn nhưng cậu lại từ chối vì không muốn bố mẹ biết chuyện. Nhưng rồi, vị huấn luyện viên này đã đến tận nhà để thuyết phục gia đình cho Vinh đi thi đấu.

Tuấn Vinh còn tập luyện cả bộ môn đi trên dây mạo hiểm


Và đó cũng là lần đầu tiên cậu được ra nước ngoài và cọ xát ở môi trường thi đấu chuyên nghiệp. “Mình cảm thấy sợ và khó khiểm soát được bản thân khi lần đầu tiên leo trèo ở địa hình ngoài trời. Chân mình đã run lên bần bật nhưng mình biết bản thân phải vượt qua nỗi sợ này”, Vinh kể về buổi thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên ở Singapore.

Vinh từng theo học chuyên ngành về cơ học điện tử theo nguyên vọng của gia đình. Nhưng lâu dần, cậu nhận ra chuyên ngành đó không phù hợp với bản thân. Và rồi cậu quyết định bỏ ngang 1 năm đại học để sang Ý theo đuổi đam mê thể thao mạo hiểm.

“Khi mình quyết theo đuổi nghiệm túc con đường này, dù bố không đồng ý nhưng cũng không ngăn cản quyết định của mình. Chính bố đã giúp mình tìm thấy một chương trình hợp tác du học giữa Việt Nam và Ý để thỏa chí phiêu lưu”, Vinh chia sẻ.




Trước khi sang Ý, Vinh chưa từng được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp, những thao tác leo trèo của cậu thời gian đầu chỉ mang tính bản năng, thuộc về năng khiếu vốn có. Tuy nhiên, chính những bản năng đó khiến cậu quyết định nghiêm túc theo đuổi đam mê.

Thời gian thấm thoát trôi đi, đến này Vinh đã có 7 năm theo đuổi thể thao mạo hiểm. Ai cũng hỏi cậu tại sao lại chọn theo đuổi những bộ môn thể thao mạo hiểm đến như vậy nhưng đến chính bản thân cậu cũng không thể đưa ra một lý do nào cụ thể. Đối với cậu, leo trèo, chinh phục các địa hình mạo hiểm khác nhau là cách tận hưởng và khám phá cuộc sống.

- Tuấn Vinh, sau này cậu muốn làm gì?

- Mình muốn làm một nhà thám hiểm

- Vậy, cậu muốn thám hiểm những gì của thế giới?

- Mình muốn thám hiểm Việt Nam, nơi mà mình muốn cống hiến hết phần lớn cuộc đời còn lại.

Tuấn Vinh cho rằng sự kết nối với đồng đội trong khi chơi thể thao mạo hiểm rất quan trọng


Vinh muốn dùng những kỹ năng học được từ các môn thể thao mạo hiểm để khám phá thế giới và phát triển bản thân nhiều hơn trong tương lại. Trong tương lai, cậu hi vọng sẽ đào tạo được một thế hệ leo núi mạo hiểm giỏi và có chất riêng. Còn các bộ môn còn lại trong thể thao mạo hiểm, cậu lại muốn chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn thay vì đào tạo chuyên sâu. Bởi cậu cho rằng thể thao mạo hiểm quá rộng lớn và mỗi người tham gia vào cuộc chơi này cần phải chấp nhận 1 mức độ rủi ro và xử lý theo cách khác nhau, không ai giống ai.

Chia sẻ về kinh nghiệm chơi thể thao mạo hiểm, Vinh cho biết bản thân học rất nhiều từ những lỗi sai của mình, từ đồng đội và cả sự may mắn trong mỗi cuộc chơi. Tuy nhiên, công thức chơi thể thao mạo hiểm của Vinh chung quy lại là: Vững cơ bản, tự trau dồi, kinh nghiệm và may mắn. Và tự học là một phần quan trọng, không thể thiếu trong tập luyện thể thao mạo hiểm.

“Mục đích của mình đến Ý là để theo đuổi thể thao mạo hiểm. Mình xem chuyến đi này là một cuộc phiêu lưu để mình học hỏi, thỏa thích sống với ước mơ và đam mê mỗi ngày”, Vinh nói.

Với Vinh, mỗi ngày mới là một hành trình khám phá bản thân và sống hết mình cùng đam mê...

Tuấn Vinh chụp ảnh cùng đồng đội trong một lần đi leo núi mạo hiểm


Mai Bảo Trâm

Ảnh: NVCC

Bài liên quan
7 năm theo đuổi thể thao mạo hiểm của chàng trai 24 tuổi
Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm gắn kết với cộng đồng
Chàng trai 23 tuổi và hành trình thiện nguyện từ Sài Gòn về Vĩnh Long
Chàng trai 'bỏ phố lên rừng', 'kẹt' ở Hà Giang 3 tháng vì dịch Covid