Alzheimer là một trong những căn bệnh về não gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người bệnh (sa sút trí tuệ, mất trí nhớ...). Đây không phải là căn bệnh lão khoa và ảnh hưởng ngày một nhiều đến người trẻ, gây nên không ít phiền toái và mệt mỏi trong cuộc sống. Vậy, điều nên làm để đẩy lùi Alzheimer là gì?
Viết thư, đọc và chơi một số trò chơi cổ điển (xếp hình, ô chữ...)
Phần lớn nguy cơ mắc Alzheimer nằm trong DNA của chúng ta, nhưng rất nhiều yếu tố quyết định chứng sa sút trí tuệ được kích hoạt bởi thói quen lối sống. Theo một nghiên cứu hoàn toàn mới được công bố ngày 14 tháng 7 trên tạp chí Neurology, một "lối sống tích cực về mặt nhận thức" gồm các hoạt động như viết thư, đọc và chơi trò chơi cũ giúp trì hoãn bệnh Alzheimer thêm 5 năm.
Các nghiên cứu trước nhận định rằng đọc sách là điều nên làm để đẩy lùi Alzheimer. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng khi đọc sách, ta đang "dự trữ nhận thức" mài giũa khả năng suy nghĩ và giúp bộ não linh hoạt hơn trong từng giai đoạn của cuộc đời.
"Có thể nói, giữ cho bộ não hoạt động nhận thức chăm chỉ làm trì hoãn các triệu chứng của Alzheime...", James Rowe, giáo sư thần kinh học nhận thức tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, cho biết thêm trên trang Medical News Today.
Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu từ 1.903 người có độ tuổi trung bình khoảng 80 trong một dự án khoa học. Không ai trong số những người này có dấu hiệu sa sút trí tuệ khi bắt đầu nghiên cứu.
Ở phần đầu nghiên cứu, mỗi người tham gia trả lời 7 câu hỏi để đánh giá mức độ hoạt động nhận thức của họ. Họ phải cung cấp thông tin rằng mình đã dành bao nhiêu thời gian để đọc mỗi ngày, tần suất họ viết thư và tần suất họ chơi trò chơi (giải câu đố, chơi cờ). Những người cao niên này cũng chia sẻ thêm về hoạt động nhận thức đầu đời của họ, mức độ cô đơn hiện tại và cách họ duy trì kết nối trong xã hội (ví dụ như đến thăm gia đình hoặc bạn bè).
Cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 7 năm, 695 người tham gia qua đời và 457 người đã có dấu hiệu của bệnh Alzheimer (nhóm sau bao gồm cả người sống và người đã qua đời). Trung bình những người có hoạt động nhận thức tích cực đã phát triển bệnh Alzheimer ở tuổi 93,6. Ngược lại, nhóm kia có dấu hiệu sa sút trí tuệ ở độ tuổi 88,6 tuổi.
Tiến sĩ Robert Wilson, tác giả chính của bài báo, chia sẻ với Medical News Today: “Tôi tin rằng, tần suất hoạt động nhận có liên quan đến sự khởi phát sa sút trí tuệ ở độ tuổi về sau, nhưng tôi không chắc về quy mô của mối liên hệ này... Các hoạt động kích thích nhận thức hàng ngày rất dễ làm như đọc báo, sách hoặc đến thăm thư viện sẽ giúp người cao tuổi mắc Alzheimer chậm hơn".
Ngoài ra, đi bộ ba lần mỗi tuần, không hút thuốc, chơi một nhạc cụ và tuân theo một lối sống năng động, lành mạnh cũng là điều nên làm để đẩy lùi Alzheimer.