Tăng cường kết nối khu vực vì thịnh vượng và phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Thái-lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao Hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 từ ngày 15 đến 16-6 tại Băng-cốc, Thái-lan.

Chuyến tham dự các hội nghị lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế ACMECS và CLMV, giúp đẩy mạnh sự liên kết giữa các nước trong khu vực, nhằm hướng tới sự thịnh vượng và phát triển chung bền vững.

ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm năm nước Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Thái-lan và Việt Nam, với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Ðược thành lập vào tháng 11-2003, ACMECS hướng tới mục tiêu cụ thể là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Tính đến nay, ACMECS có tám lĩnh vực hợp tác, gồm: thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, môi trường. Mỗi nước tham gia ACMECS điều phối ít nhất một lĩnh vực hợp tác, trong đó, Việt Nam điều phối các lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực và công nghiệp - năng lượng; Việt Nam đồng điều phối với Campuchia lĩnh vực môi trường.

Hội nghị cấp cao ACMECS được tổ chức hai năm một lần luân phiên giữa các nước thành viên. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 3 vào năm 2008 và Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7 vào năm 2016. Hội nghị ACMECS lần thứ 7 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, theo đó nhất trí thúc đẩy các nội dung hợp tác ưu tiên của ACMECS, gồm: giao thông, thương mại - đầu tư, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, môi trường.

Tháng 12-2003, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 1 vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với các nước thành viên khác của ASEAN, qua đó thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực. CLMV là cơ chế hợp tác mở, hướng đến mục tiêu phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, đồng thời là kênh kêu gọi sự hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển đối với các nước CLMV. Ngoài ra, CLMV cũng là diễn đàn để các nước thành viên phối hợp lập trường, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước này trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN, cũng như liên kết kinh tế giữa ASEAN và các đối tác khác.

Lĩnh vực hợp tác của CLMV bao gồm thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực. Hội nghị cấp cao CLMV được tổ chức hằng năm, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác tương lai cho cơ chế này. Ðể triển khai hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, các nước CLMV nhất trí thành lập các nhóm công tác, trong đó, Việt Nam điều phối ba nhóm công tác, gồm: thương mại - đầu tư, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực.

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ ACMECS và CLMV, Việt Nam đã chủ động đưa ra các sáng kiến, đóng góp nguồn lực để tăng cường kết nối và hợp tác giữa các nước. Trong cả hai khuôn khổ hợp tác nói trên, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mê Công, nước ta đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước; đồng thời đẩy mạnh thành lập Nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS. Việt Nam cũng xây dựng Quỹ học bổng CLMV, theo đó, mỗi năm nước ta cung cấp hàng chục suất học bổng cho học sinh, sinh viên các nước Campuchia, Lào và Myanmar.

Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng Mê Công tiếp tục có những bước tiến quan trọng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập và phát triển tại lưu vực sông Mê Công; quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên lưu vực sông Mê Công ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Chuyến tham dự các hội nghị cấp cao lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác trong khu vực; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong ACMECS và CLMV; đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực; đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái-lan cũng như quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả và tin cậy.

Theo Nhandan

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan