Công nhân Công ty nước sạch số 2 Hà Nội vận hành trạm cấp nước. Ảnh: DUY LINH
Với sự nỗ lực rất lớn của thành phố và các doanh nghiệp, năm 2018, nguồn cấp nước sinh hoạt của Hà Nội được bổ sung thêm khoảng 100 nghìn m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số quá nhanh, việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn, khu vực có địa hình cao vẫn gặp khó khăn. Nhiều khu vực vẫn có nguy cơ thiếu nước sạch trong những ngày hè.
Đầu tháng 5 vừa qua, mặc dù tuyến đường ống nước sạch sông Đà bị rò rỉ tại km23 Đại lộ Thăng Long đã sớm được khắc phục, trở lại hoạt động bình thường, nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước sạch cho người dân. Hàng nghìn cư dân ở khu đô thị Mulberry Lane và TSQ Euroland (quận Hà Đông) thiếu nước sạch, phải nhờ đến sự trợ giúp của xe chở nước. Cư dân khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai), khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) cũng lao đao vì thiếu nước sinh hoạt, khiến người dân rất mệt mỏi trong những ngày hè nóng nực. Chị Nguyễn Thu Hà, sinh sống tại chung cư Đại Thanh chia sẻ, do khu đô thị nằm ở cuối nguồn nước, cho nên việc thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra tại đây. Tuy chưa phải đến mức mang xô, chậu xuống tầng 1 lấy nước như những đợt trước, nhưng nhiều gia đình phải trực chờ cả ngày để lấy nước.Theo Công ty TNHH nước sạch Hà Đông, đơn vị hiện đang cung cấp khoảng 110 nghìn m3 nước/ngày đêm, trong đó nguồn nước sạch sông Đà khoảng 33 nghìn m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 135 nghìn khách hàng, tương đương 650 nghìn người dân trên các địa bàn: quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên. Khi đường ống cấp nước sông Đà xảy ra sự cố, việc cung cấp nước sạch sẽ bị ảnh hưởng. Một mối lo khác là địa bàn quận Hà Đông tập trung hơn 150 tòa nhà cao tầng, mỗi tòa có từ vài trăm hộ dân đến gần một nghìn hộ, với tổng số hàng chục nghìn người dân. Nếu tất cả các tòa nhà này đủ người dân về sinh sống cùng với nhiều tòa nhà khác đi vào hoạt động, thì nhu cầu nước sạch là rất lớn, dự kiến khoảng 150 nghìn m3/ngày đêm. Để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho người dân, đơn vị đã triển khai dự án xây dựng trạm cấp nước Dương Nội, với công suất 30 nghìn m3/ngày đêm, nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số. Với đà gia tăng dân số nhanh chóng như hiện nay, việc cung cấp nước sạch ngày càng khó khăn hơn.Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, việc cung cấp nước sạch cho khu vực đô thị của Hà Nội chủ yếu do bốn đơn vị thực hiện, gồm: Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần nước sạch Sơn Tây, với tổng số hơn 1,3 triệu hộ dân, hơn 5,2 triệu người. Đáng chú ý, lượng khách hàng năm nay tăng 6% so với năm trước, tương đương hơn 310 nghìn người dân, nhu cầu sử dụng tăng thêm 57 nghìn m3/ngày đêm, trong khi lượng nước khai thác ngầm và nguồn nước mặt sông Đà đều giảm, tạo áp lực rất lớn đối với mạng lưới cung cấp nước sạch. Để chủ động nguồn cung, bảo đảm cơ bản 100% người dân khu vực 12 quận nội thành được cung cấp nước sạch, Công ty nước sạch Hà Nội đã thực hiện dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long đạt 150 nghìn m3/ngày đêm, bổ sung vào nguồn cấp khoảng 75 nghìn m3/ngày đêm. Công ty nước sạch Hà Đông xây dựng trạm cấp nước Dương Nội với công suất 30 nghìn m3/ngày đêm. Tổng nguồn cung nước sạch được bổ sung thêm hơn 100 nghìn m3/ngày đêm, nâng công suất tối đa hệ thống lên hơn 1.070.000 m3/ngày đêm và có thể lên đến 1.150.000 m3/ngày đêm khi nguồn nước sạch sông Đà cung cấp đủ 300 nghìn m3/ngày đêm. Ngoài ra, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối tháng 10 năm nay sẽ bổ sung thêm 150 nghìn m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do số lượng khách hàng đấu nối hệ thống cấp nước đô thị tăng nhanh, cho nên vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng thêm khoảng từ 50 nghìn đến 95 nghìn m3/ngày đêm, dẫn đến một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ khan hiếm nước sạch. Riêng địa bàn do Công ty cổ phần Viwaco cung cấp sẽ thiếu hụt từ 20 nghìn đến 24 nghìn m3/ngày đêm. Cụ thể, các khu vực Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)… nhiều khả năng bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, nguy cơ sự cố vỡ đường ống cấp nước sông Đà rất cao, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ địa bàn quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và một phần các quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình.Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân trong mùa hè, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị vận hành tối đa công suất các nhà máy, trạm cấp nước; cải tạo nâng cấp mạng lưới cấp nước nhằm giảm lượng nước thất thoát. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, vỡ đường ống, nhất là tuyến đường ống cấp nước sông Đà. Sẵn sàng các phương án khi có sự cố xảy ra, chuẩn bị xe để vận chuyển nước. Kịp thời thông báo cho người dân các sự cố, thời gian khắc phục. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng nước sạch tiết kiệm, tránh lãng phí.
Minh Vân/Nhandan