TP Hồ Chí Minh hiện chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, ước tính mỗi năm có khoảng 250 nghìn đến 300 nghìn tấn chất thải nhựa phát sinh. Ðiều đáng nói, chỉ 5% số túi ni-lông được đưa vào bãi rác, 95% còn lại là thải ra môi trường.
Tỷ lệ rác thải nhựa phát thải nhiều nhất là ở siêu thị, trung tâm thương mại, kế đến là khu vực văn phòng và các hộ gia đình. Hơn thế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. Sự phát triển của kinh tế, xã hội khiến lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy, nhựa và túi ni-lông ngày càng gia tăng và khó kiểm soát cho nên đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách. TP Hồ Chí Minh đang khuyến cáo và đẩy mạnh công tác 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế. Cần có ý thức sử dụng những túi xách bằng nguyên liệu thân thiện môi trường, những vật dụng có thể tái sử dụng nhiều lần. Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó, có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thành phố có gần 1.000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị, máy móc cũ kỹ và công nghệ tái chế lạc hậu, cùng khoảng 700 cơ sở thu mua phế liệu. Có đến 94% số cơ sở tái chế ở thành phố không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% số cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2006, quy định về sự phân cấp quản lý, thu gom, tái chế xử lý rác thải khá cụ thể, nhưng thực tế chưa thật sự đi vào cuộc sống. Chính quyền thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tái chế các sản phẩm bao bì nhựa để xử lý và sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế bằng cách hỗ trợ nguồn kinh phí để các cơ sở cải tiến công nghệ làm giảm ô nhiễm môi trường chung quanh, đồng thời vận động người dân ý thức bảo vệ môi trường. Quỹ Tái chế chất thải TP Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 1-2008, nhằm hỗ trợ tài chính cho các cơ sở nhỏ về tái chế, nhưng hạn mức cho vay chỉ giới hạn trong 200 triệu đồng/đơn vị, số tiền "khiêm tốn" này không đủ cho các cơ sở đầu tư công nghệ mới.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm về quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa và ni-lông cần thường xuyên, thiết thực và hấp dẫn hơn. UBND thành phố giao Sở TN-MT tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng phạm vi tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ túi ni-lông. Sở Giáo dục và Ðào tạo cần phối hợp Sở TN-MT lồng ghép nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni-lông khó phân hủy vào các hoạt động giáo dục, truyền thông phù hợp cho học sinh tại các trường học. Giao Sở Công thương phối hợp Sở TN-MT, UBND các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi ni-lông cho người tiêu dùng. Khuyến khích người tiêu dùng đem túi ni-lông thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy. Cơ quan thuế phải kiểm tra, giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy. Chi cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni-lông.
Trong khuôn khổ ngày hội Sống xanh TP Hồ Chí Minh - 2018 vừa diễn ra, lãnh đạo 24 quận, huyện đã ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường do UBND thành phố phát động. Trong đó, có nhiều nội dung thiết thực như treo băng-rôn; tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế, môi trường xã hội, sức khỏe cộng đồng; phổ biến pháp luật về sản xuất tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện môi trường cho cán bộ công nhân viên, người lao động; tổ chức các hoạt động khuyến khích sự tham gia của cộng đồng như chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, khơi thông dòng chảy… khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy…
Quốc Bảo/Nhandan