Silicone là một thành phần phổ biến trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và thường xuyên được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp nói chung và đồ skincare nói riêng; song song đó những “rumors” xung quanh chất này cũng được rất nhiều người quan tâm và tò mò. Bạn đã thật sự hiểu rõ về silicone trong mỹ phẩm hay chưa? Hãy cùng Happy Skin tìm hiểu về thành phần này để update kiến thức chăm sóc da lên một tầm cao mới nhé!
1. Silicone là gì – có bao nhiêu loại tất cả?
Nghe cái danh silicone cũng nhiều nhưng không phải ai cũng định nghĩa rõ “silicone trong mỹ phẩm là gì?” hay “silicone có bao nhiêu loại” đâu, đôi khi còn lẫn lộn giữa Silicone, Silica, Silicon nữa. Chốt lại thì chúng nó có điểm gì khác nhau nè?
- Silicon (Si) là một nguyên tố hóa học đứng thứ 14 trong bảng tuần hoàn, giống như Oxi và Carbon. Si được sử dụng nhiều trong các ứng dụng công nghiệp như máy tính hay thiết bị điện tử.
- Silica (SiO2 – Silicon Dioxide) chính là oxide của Silicon là một khoáng chất dồi dào trên vỏ trái đất, thành phần chính trong cát, thạch anh và còn hiện diện trong cơ thể chúng ta để duy trì sự khỏe mạnh của xương, sụn, móng, gân, răng, da, mạch máu. Các thực phẩm có Silica có thể kể đến như: nước, cà rốt, bánh mì, bánh ngô, gạo trắng, chuối cũng có Silica đó.
- Silicone là chất khác hoàn toàn 2 thành phần trên nhé cả nhà, Silicone là một polymer tổng hợp được tạo thành từ silicon, oxy và các nguyên tố khác điển hình nhất là carbon và hydro. Chức năng của silicone trong chăm sóc da phụ thuộc vào từng loại silicone khác nhau.
2. Phân loại Silicones?
Mặc dù silicone có rất nhiều loại khác nhau, nhưng Happy Skin sẽ phân loại ra những loại thường gặp trong mỹ phẩm để các nàng có thể hình dung một cách dễ dàng nhất:
- Dimethicone: thường được gọi là polydimethylsiloxane hoặc PDMS, thuộc thể lỏng và có màu trong suốt. Dimethicone cũng là một trong những dạng silicone được sử dụng nhiều nhất trong mỹ phẩm, tùy thuộc vào độ dài của chuỗi polymer mà cấu tạo nên độ dày khác nhau. Dimethicone thường được sử dụng để làm chất khóa ẩm trong các loại kem dưỡng và chúng đem lại cảm giác mềm mại trên da. Thêm vào đó, Dimethicone cũng là thành phần thường gặp nhất trong các loại kem lót, kem nền vì khả năng làm mờ lỗ chân lông, lấp đầy các nếp nhăn li ti và giúp bề mặt da mịn lì và lâu trôi hơn. Bên cạnh đó, Dimethicone cũng được xem là một “active ingredient” trong các sản phẩm ngăn ngừa và xử lý sẹo lồi đó!
- Cyclomethicone: Cyclomethicone có đặc tính tương tự Dimethicone và là một phân lớp của silicone; có nhiều cyclomethicone khác nhau trong phân lớp đó. Cyclomethicone đôi khi còn được gọi là cyclosiloxan. Chúng là những tên gọi khác nhau của cùng một loại hóa chất, 2 cyclomethicones được sử dụng phổ biến nhất là cyclopentasiloxane và cyclohexasiloxane. Cyclomethicone có cấu trúc hình vòng nên dễ bay hơi hơn hoặc kém ổn định hơn. Tính không ổn định này cho phép cyclomethicone bay hơi khi thoa lên da, làm cho cyclomethicone trở thành một thành phần tuyệt vời cho các sản phẩm sản phẩm kháng nước hay kháng mồ hôi mà không để lại lớp màng bết dính. Khi tất cả cyclomethicone cuối cùng bay hơi, nó sẽ để lại các thành phần quan trọng khác trong sản phẩm để phát huy tác dụng với da. Tuy nhiên, với những làn da nhạy cảm thì vẫn được khuyến khích nên cân nhắc với Cyclomethicone.
- Silanol (≡Si–OH): hay còn gọi là Dimethiconol là 2 nhóm chức trong hóa học silic có liên kết Si – O – H. Nó liên quan đến nhóm chức hydroxy (C – O – H) được tìm thấy trong tất cả các rượu. Silanol thường được gọi là chất trung gian trong hóa học organosilicon và khoáng vật học silicat. Nếu silanol chứa một hoặc nhiều cặn hữu cơ, thì đó là organosilanol (một hợp chất cơ kim có chứa liên kết silicone-carbon). Silanol là gốc Silicone có gốc -OH nên tan được trong nước và bị rửa trôi nên không gây tích tụ, hay xuất hiện trong các loại dầu xả, ủ tóc và dầu dưỡng tóc.
- Cyclo-Dimethicone là sự pha trộn giữa Dimethicone ổn định và Cyclomethicone dễ bay hơi. Hợp chất lai này được sử dụng trong các loại mỹ phẩm cần có sự bền màu, bám lâu như sơn móng tay, son môi,…
3. Vì sao Silicone cần hiện diện trong mỹ phẩm?
Vậy công dụng của Silicone là gì mà các hãng mỹ phẩm hiện nay vẫn rất hay ưu ái cho chúng? Hãy cùng Happy Skin điểm nhanh vài ưu điểm của silicone nè:
-
Cải thiện khả năng dàn trải sản phẩm bên bề mặt da:
Một sự thật không thể phủ nhận là kem chống nắng hay kem nền của chúng ta mà không có Silicone thì texture sẽ tệ vì khi apply trên da bị không đều mà chỗ mỏng chỗ dày cũng như khó tán.
-
Tăng độ bám, khả năng chống trôi cho sản phẩm:
Các sản phẩm makeup và kem chống nắng rất cần hiệu quả này của nhà silicone đó. Việc này giúp các sản phẩm trên da lâu trôi và bám tốt hơn. Đó là lý do khi thoa các sản phẩm chống trôi, chống thấm nước thường sẽ để lại 1 lớp màng trên da. Ngoài ra, các sản phẩm như kem che khuyết điểm cũng cần Silicone che phủ, lấp đầy sẽ khuyết điểm, trống rãnh trên da.
-
Giúp kem chống nắng hoạt động bền vững hơn:
Việc bọc Silicone bên ngoài các phân tử chống nắng nano vừa có tác dụng kích hoạt phân tử chống nắng được bền vững hơn, vừa hạn chế việc thẩm thấu vào cơ thể nên sẽ an toàn với sức khỏe cũng như là làn hơn đó!
Ví dụ: các loại kem chống nắng của hãng L’Oreal sẽ có công nghệ màng chắn UV vô hình Netlock là 1 loại polymer lý tưởng ổn định hóa màng lọc, giúp cố định các bộ lọc trong một lớp màng siêu mỏng và không thể nhìn thấy trên da, giúp tăng hiệu quả trong công thức giúp sản phẩm bám lâu hơn, chống thấm nước, chống mồ hôi, chống cát; đồng thời ngăn chặn sản phẩm di chuyển vào mắt.
Chưa hết, nếu kem chống nắng có áp dụng công nghệ SunSpheres ™ PGL SPF Booster sử dụng Styrene/Acrylate Copolymer có đường kính khoảng 350 nm để bọc ngoài phân tử chống nắng, nhằm tăng cường khả năng chống tia cực tím; khi thoa lên da, quả cầu nước sẽ vỡ ra để lại vỏ rỗng. Lớp vỏ rỗng này có khả năng phân tán ánh sáng làm tăng diện tích tiếp xúc bề mặt của các hoạt chất chống nắng, nhờ đó mà hiệu quả chống nắng được nâng cao 50 – 70% – làm tăng đáng kể SPF trên toàn bộ quang phổ UV trên nhiều ứng dụng khác nhau từ kem chống nắng đến mỹ phẩm và hoạt động tốt với cả hoạt chất UV vô cơ và hữu cơ.
-
Hoạt động như 1 “chất dẫn”:
Tùy vào công thức được hãng điều chế mà silicone sẽ có khả năng hỗ trợ các thành phần khác thẩm thấu vào da nhanh hay chậm. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy Silicone trong các sản phẩm kem chống nắng dạng sữa vì chúng giúp những loại kem chống nắng này thấm nhanh, nhẹ mặt và để lại cảm giác khô thoáng vì hay dùng các gốc Silicone bay hơi.
4. “Giải oan” những định kiến thường gặp về Silicone:
-
Định kiến 1: Silicone gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn
Câu hỏi “silicone có gây mụn không?” vẫn là một câu hỏi lớn, thật ra, bản chất Silicone không phải là 1 chất có khả năng gây mụn vì 2 lí do sau:
Thứ 1: Silicone có tính trơ (không phản ứng hóa học với chất khác) và hầu hết đều có kích thước phân tử không quá nhỏ để gây bít tắt lỗ chân lông. Độ dày bí của Silicone trên da sẽ phụ thuộc vào loại Silicone (bay hơi hoặc không bay hơi), độ dài của chuỗi polymer và hàm lượng % trong sản phẩm tùy theo mục đích sử dụng nên thật sự rất khó để khẳng định hoặc phủ định việc Silicone có gây mụn hay không.
Thứ 2: Theo quan điểm của beauty blogger Emmi Hoàng, việc quyết định có dùng sản phẩm chứa Silicone hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn: nếu thuộc type da dầu dễ bít tắc, dễ sinh mụn thì nên tránh những sản phẩm chứa gốc Silicone khó trôi hoặc không bay hơi, cũng như là chăm chỉ làm sạch da đúng cách. Còn nếu thuộc type da khô, dễ mất ẩm và không dễ bị mụn thì sản phẩm chứa Silicone lại rất phù hợp với bạn vì khả năng giữ ẩm tốt. Đối với các loại kem dưỡng, đặc biệt là khi bạn cần finish mịn màng không nhờn dính thì 1 chút Silicone bay hơi hoặc có độ dài chuỗi polymer thấp ổn, chỉ cần làm sạch da đầy đủ thôi.Đối với sản phẩm makeup, muốn nhẹ mặt và ít Silicone thì sẽ mau trôi; nhưng nếu muốn độ che phủ tốt và bám lâu sản phẩm phải có nhiều Silicone. Do đó, cần tẩy trang siêu kỹ và cân nhắc thời gian lưu lại lớp makeup trên da để tránh lên mụn. Còn body lotion có chứa Silicone thường sẽ là các gốc nặng và rẻ tiền để khóa ẩm + tạo cảm ẩm mượt. Đây cũng là cách giảm giá thành sản phẩm xuống vì dung tích lớn. Vậy nên, nếu sở hữu làn da body dễ nổi mụn thì giải pháp là tránh dùng các loại dưỡng body chứa quá nhiều Silicone nhé!
-
Định kiến 2: Silicone gây hại cho làn da
Như Happy Skin đã phân tích ở trên, bản chất Silicone khá lành tính và không gây “hiềm khích” với da (trừ khi bạn vốn đã bị breakouts với ẻm). Nếu như dùng treatment nặng đô như AHA/BHA/Re/Tre còn có khả năng gây kích ứng thì Silicone hoàn toàn không, chỉ là nhu cầu bạn là gì thì lựa chọn sự xuất hiện cho phù hợp thôi! Vậy bạn cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi “silicone có gậy hại không?” rồi đó.
-
Định kiến 3: Silicone cực kỳ khó rửa trôi trên da
Đúng nhưng mà chưa đủ vì còn tùy thuộc vào loại Silicone có trong sản phẩm nữa đó. Nếu chứa các gốc Silicone năng, không tan trong nước thì đương nhiên sẽ khó rửa trôi, đặc biệt là khi dùng các sản phẩm waterproof, water-resistant thì phải tẩy trang thật kỹ, thậm chí là triple cleansing với cả dầu/sáp tẩy trang, nước rồi kèm máy rửa mặt nếu cần thiết. Với các sản phẩm như phấn mắt, kẻ mắt, son môi thì Happy Skin khuyên dùng sản phẩm tẩy trang chuyên dụng luôn để làm sạch tốt hơn.
5. Có nên dùng Silicone hay không?
Điều này cũng tùy thuộc vào loại da và nhu cầu sử dụng của bạn, chú ý luôn cả loại Silicone, hàm lượng % và kết cấu sản phẩm có chứa thành phần trên nhé. Nếu né tránh hoàn toàn là không cần thiết vì có những sản phẩm như kem chống nắng, đặc biệt là kem chống nắng chống trôi khi đi biển, dầu gội/xả và sản phẩm makeup phải có Silicone, nhớ khi dùng thì chọn loại phù hợp với da và chú ý bước làm sạch là ổn bạn nhé! Còn trường hợp da mặt kén Silicone sẵn và bạn không thích cảm giác nặng mặt hay bì bì do Silicone đem lại cho da thì có thể cân nhắc không chọn các sản phẩm có chứa Silicone.
Hi vọng bài viết này đã phần nào giải đáp những khúc mắc của hội skincare lover về thành phần “hổ giấy” Silicone để bạn không e dè Silicone như trước nữa. Happy Skin muốn nhắn nhủ một chân lí: hãy “mở lòng” với Silicone nếu da của bạn ổn, vì “một cánh én không làm nên mùa xuân” – một thành phần không thể nói trọn vẹn hiệu quả của sản phẩm dưỡng da đó, mà cần rất nhiều thành phần và yếu tố khác tác động cũng chi phối đến nữa. Vì vậy, đừng vì 1 thành phần bé nhỏ mà bỏ lỡ nhiều sản phẩm hay ho, công thức điều chế và công nghệ cũng làm nên nhiều sự khác biệt lắm đó!
Nếu có thắc mắc gì cứ comment bài post để chúng mình cùng có dịp thảo luận thêm nhé. Hẹn gặp cả nhà trong những bài viết sau. Nếu muốn xem rõ hơn có thể tham khảo video https://youtu.be/Tb9XOgnHxdE trên kênh youtube của Happy Skin nhé!