Bốn cụm chung cư thuộc nhóm cực kỳ nguy hiểm
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 tòa chung cư cũ, trong đó 81% là tòa nhà thuộc cụm chung cư. Từ năm 2007, Sở Xây dựng đã kiểm tra, rà soát tình hình chung cư cũ và chia làm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 2007-2013, Sở Xây dựng đã kiểm định 162 chung cư cũ. Giai đoạn sau năm 2014, Sở rà soát thêm theo ý kiến đánh giá của chuyên gia.
Từ kết quả này, Sở đã phân loại chung cư cũ theo 4 mức độ cấp thiết cải tạo. Trong đó, hiện còn 4 cụm chung cư cũ thuộc nhóm cấp độ D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào) ở quận Ba Đình, gồm các đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (phường Thành Công), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị), đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ).
Từ tờ trình của Sở Xây dựng, ngày 25-4-2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2000/UBND-XDGT về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại các chung cư cũ này nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân. Trước đó, ngày 4-9-2013, UBND thành phố cũng có Quyết định 5374/ QĐ-UBND tổ chức di chuyển các hộ gia đình, cá nhân tại đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ.
Thực tế, các công trình này đều được xây dựng cách đây 30 năm, có từ 2 đến 3 đơn nguyên. Quá trình sử dụng, hầu hết các hộ đều cải tạo, chất tải thêm cho công trình, đua dầm thép, cơi nới làm thành chuồng cọp, cùng với việc lún nứt tự nhiên đã khiến các đơn nguyên tách rời nhau.
Điển hình như tại tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị), hiện chỉ còn đơn nguyên 2 vẫn có thể tạm sử dụng; còn đơn nguyên 1 và 3 đã lún, nứt, tự tách ra khỏi khối nhà với khoảng cách trung bình 1-1,2m. Tương tự, tại khu nhà G6A, G6B (phường Thành Công), giữa 2 tòa nhà đã thành một khe nứt hình chữ V có chiều dài hơn 1m. Tại một số khu vực cầu thang, hay khu vực áp trần xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang tường, vôi vữa bong tróc từng mảng…
Chủ sử dụng không chịu di dời
Từ năm 2013 đến nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ tự nguyện bàn giao lại nhà, UBND quận Ba Đình đã xây dựng quy chế bốc thăm xác định vị trí căn hộ tạm cư, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Nhưng, việc di dời người dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D vẫn gặp không ít khó khăn. Trải qua nhiều lần tổ chức bắt thăm vị trí căn hộ tạm cư, song đến thời điểm này, chưa có chung cư nào hoàn thành việc di dời toàn bộ các chủ sở hữu, sử dụng.
Khe nứt giữa hai tòa nhà G6A, G6B Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp còn 2/42 hộ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh còn 19/27 hộ; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công còn 29/49 hộ; đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ còn 18/37 hộ vẫn chưa đồng ý di dời.
Ghi nhận ý kiến của các hộ dân sống tại các chung cư nguy hiểm này cho thấy, nhiều hộ đã ủng hộ chủ trương quy hoạch cải tạo lại tòa nhà. Tuy nhiên, vấn đề mà các hộ dân băn khoăn đó là chính sách tạm cư, tái định cư, mức đền bù hệ số diện tích quy đổi giữa nhà cũ và nhà mới… Nhiều hộ cũng quan tâm đến việc đơn vị nào sẽ làm chủ đầu tư xây dựng lại tòa nhà, thời gian xây dựng, thời gian tạm cư bao lâu, bao giờ họ được quay về?
Anh Nguyễn Anh Dũng (C8 Giảng Võ) cho biết: “Ở trong chung cư đang xuống cấp nguy hiểm như thế này, chúng tôi cũng bất an. Nhưng, do chưa rõ việc định giá nhà như thế nào, ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại, nên chúng tôi chưa muốn đi. Ngoài ra, chúng tôi cần sự minh bạch về chính sách tạm cư sau di dời”.
Bên cạnh đó, có một số kiến nghị về cơ sở đánh giá mức độ chung cư nguy hiểm. Cụ thể, người dân nhà G6A Thành Công cho rằng, khi chuyển về đây sống (năm 1987), giữa hai khối nhà đã có khe hở, do chủ đầu tư xây dựng trên 2 nền móng không bằng phẳng. Các hộ khẳng định khe hở này bao nhiêu năm nay không suy chuyển và hoàn toàn không phải là khe nứt. Do vậy, việc xếp hạng chung cư thuộc dạng nhà nguy hiểm cấp độ D là không chính xác. Vì vậy, các hộ đã có đơn kiến nghị kiểm định, xác định lại cấp độ chung cư này.
Tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động thuyết phục là cách mà UBND các phường và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình đang làm để vận động người dân tự nguyện bàn giao căn hộ, nhận căn hộ tạm cư chuyển đến nơi ở mới. Tuy nhiên, khi các cơ chế cải tạo chung cư cũ vẫn đang “vướng”, cùng với những khúc mắc chưa được giải quyết thấu đáo, thì những khó khăn trong việc di dời các hộ ra khỏi chung cư xuống cấp nguy hiểm vẫn tiếp tục là một bài toán chưa có lời giải.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh