Sốt giá đất nền, nhà phố xuất hiện tại nhiều quận huyện
Theo Sở Xây dựng TP HCM, thời gian qua có sự tăng đột biến giá đất nền và nhà phố. Thậm chí, có nơi nhà đất riêng lẻ tăng lên tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, từ đầu năm 2017 đến những tháng đầu năm 2018, xuất hiện các đợt sốt giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận - huyện ngoại thành như: quận 9, quận Thủ Đức, quận 2, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ,… Tại quận 9, đất nền phân lô nhỏ lẻ tại các trục đường Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Hát, Lã Xuân Oai, Tam Đa, Gò Cát,... đồng loạt tăng giá cao.
Đáng chú ý, xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi. Cá biệt, có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, trong đó phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời. Thủ phạm chính là giới đầu nậu, cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng tại một số địa phương.
Hệ lụy của sốt giá đất nền “ảo”
Theo Sở Xây dựng, việc tăng giá như trên là chưa đúng với giá trị sản phẩm, chưa phù hợp với tiến độ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của TP HCM đang triển khai.
Nhận định về hệ lụy của cơn sốt giá đất nền, ông Lê Hoàng Châu khẳng định: “Cơn sốt giá ảo này có gây tác hại cho thị trường BĐS, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường hạ nhiệt”. Vẫn theo ông Châu, các cơn sốt giá ảo đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép thu hút một phần nguồn vốn tín dụng và vốn đầu tư của xã hội làm giảm nguồn vốn đầu tư vào các dự án căn hộ. Một phần không nhỏ tín dụng tiêu dùng bị sử dụng sai mục đích, chuyển hướng vào đầu tư kinh doanh BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó, có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016) mà một phần không nhỏ đã chuyển qua kinh doanh BĐS.
Giải pháp chặn cơn sốt đất nền, nhà phố
Theo HoREA, thị trường BĐS tại TP HCM có 2 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, còn tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc BĐS cao cấp, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, “sốt giá” đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số khu vực. Thứ hai, nhiều đầu cơ, đầu nậu, cò đất cố tình “thổi giá” tạo nên “cơn sốt ảo” về giá đất nền, đất nông nghiệp, cao so với giá trị thực để hưởng lợi. HoREA cho rằng, đến nay có thể khẳng định sẽ không xảy ra bong bóng BĐS trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019. Lý do, cơ quan Nhà nước có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường BĐS ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu bong bóng.
Đất nền ngoại thành TP HCM có hiện tượng “thổi” giá.
Từ đó, để ngăn chặn sốt giá đất nền và giải pháp lâu dài để không xảy ra bong bóng, HoREA kiến nghị, thời gian tới cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với dòng tiền vào kinh doanh BĐS.
Nhằm phát triển thị trường BĐS TP HCM bền vững, ổn định minh bạch, Sở Xây dựng đưa ra một số giải pháp ngăn chặn sốt giá đất nền và nguy cơ bong bóng. Theo đó, Sở này kiến nghị, cần có sự vào cuộc của các sở - ngành, quận - huyện, công an cũng như ngân hàng. Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các quận - huyện phải công khai thông tin, tiến độ các dự án bất động sản, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị… Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng cần phải tăng cường quản lý việc tách thửa đất ở tại đô thị và nông thôn. Công an thành phố phối hợp với các địa phương xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về dự án hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch BĐS.
MuaBanNhaDat theo TBKD