Không ồn ào và náo nhiệt như Sophia, rô bốt đầu tiên được cấp quyền công dân, hãng công nghệ ABB đến từ Thuỵ Điển mang đến triển lãm công nghiệp 4.0 sản phẩm hoàn hảo nhất của mình: YuMi được xem là rô bốt cộng tác với hai cánh tay đầu tiên trên thế giới.
YuMi không biết nói, cũng không trả lời các câu hỏi được đặt ra về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng đôi tay điêu luyện của sản phẩm này có thể thực hiện các thao tác từ đơn giản đến phức tạp, với hai “ngón tay” và sáu đoạn của cánh tay được di chuyển linh hoạt, có thể dễ dàng lắp đặt và thao tác với các chi tiết nhỏ trong máy móc.
Trong khi Sophia có những giao tiếp rất…rô bốt, với bài phát biểu không quá đặc sắc, mới mẻ, trả lời các câu hỏi được chuẩn bị trước, thì đôi tay của YuMi vẫn khiến người ta phải dừng lại chiêm ngưỡng tại gian hàng chỉ rộng chưa đến 5 mét vuông. Trước đây, hãng công nghệ trên 130 tuổi đã từng dùng YuMi để điều khiển dàn nhạc giao hưởng, múa…
Ngay cạnh gian hàng của YuMi là VinFast, dự án sản xuất ô tô - xe máy điện của tập đoàn Vingroup. Tình cờ, thiết bị được VinFast trưng bày tại đây cũng đến từ ABB. Tuy vậy, do kích thước khá cồng kềnh, phần máy móc này không được chạy thử tại buổi triển lãm. Chủ tịch hội đồng quản trị Vingroup từng tiết lộ tại đại hội cổ đông thường niên 2018 rằng, nhà máy của VinFast có tỷ lệ tự động hoá cao, từ 90 - 100%. Việc lắp ráp bằng máy móc tự động hoá sẽ giúp xe của VinFast vận hành êm ái, “thun thút”, người đứng đầu Vingroup cho biết.
IRB 6700 đến từ ABB được VinFast sử dụng trong nhà máy đóng thân vỏ (Ảnh: Minh Thư)
Tự động hoá, số hoá, máy học, trí tuệ nhân tạo, blockchain… là các thuật ngữ được nghe thấy nhiều nhất về cuộc cách mạng 4.0. Một nghiên cứu của EY năm 2017 chỉ ra rằng, trong số những người đã từng nghe đến blockchain, có đến 80% không hiểu nó là gì. Những khái niệm khác cũng không dễ hiểu hơn là bao.
Phòng dành riêng cho các phóng viên, cách phòng họp chính về cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng 7 mét, liên tục mất tín hiệu. (Ảnh: Minh Thư)
Trong một cuộc trò chuyện với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc VPBank cho biết có tới 30% nghiệp vụ đòi nợ các khoản vay tiêu dùng đến hạn của ngân hàng, đang được thực hiện bằng máy. Các cuộc gọi được thực hiện tự động, nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp đến mức người nghe thậm chí không nhận ra đó là máy nói. “Đôi khi các bạn tưởng là các cô nhân viên xinh đẹp gọi điện, nhưng thực ra là máy móc được lập trình sẵn, gọi cho bạn khi khoản nợ của bạn đến hạn”, ông Vinh chia sẻ tại cuộc gặp mặt.
Không phải thứ tiếng đều đều mà ông lớn công nghệ Google đã dùng cho các ngôn ngữ trên toàn thế giới, ứng dụng đòi nợ của VPBank nghe không khác người thực. Chỉ thiếu tương tác. Có nghĩa là khi khách hàng trình bày lại thì hệ thống sẽ không tự động trả lời được. Ứng dụng sẽ không thể an ủi khách hàng khi họ nói mình đang thiếu tiền, chưa thể thu xếp.
Chúng tôi có một cuộc trò chuyện với các bạn sinh viên trường Đại học bách khoa Hà Nội, nơi sáng tạo ra ứng dụng text to speech, tức chuyển chữ thành giọng đọc với các đặc trưng vùng miền, giới tính khác nhau. Đây cũng chính là ứng dụng được VPBank sử dụng. Ứng dụng đang được hoàn thiện dần, để tránh những hiểu lầm không đáng có. Bắt đầu từ việc tự giới thiệu là cuộc gọi tự động, không phải là nhân viên tổng đài.
Với ứng dụng này, khách hàng có thể dùng để đọc báo thay vì nghe radio khi lái xe, vốn quá nhiều quảng cáo và thông tin không cần thiết. Ứng dụng cũng giúp ích đáng kể cho việc lồng tiếng cho phim. Khi phim đã có sẵn phụ đề, việc lồng tiếng cực kỳ đơn giản, một sinh viên cho biết.
“Sắc thái cảm xúc thì sao, ví dụ nhân vật kêu khi trúng đạn sẽ khác với khi họ bị…giẫm chân?”.
“Với những trường hợp đặc biệt như vậy, chỉ cần điều chỉnh cao độ là được” - một sinh viên trả lời.
Quá trình chuyển đổi, thích ứng đang diễn ra hàng ngày, mà nếu không chia sẻ, ít người biết được.
Ông Nguyễn Hưng Nguyên, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết trong cuộc thảo luận chuyên ngành tại Triển lãm quốc tế về công nghiệ 4.0, rằng Napas cùng với ba ngân hàng là Vietinbank, VIB và TPBank đã thử nghiệm thành công một giao dịch thông qua blockchain, sau khi thành công với việc giao dịch xuyên biên giới Việt Nam - Singapore. Số tiền giao dịch, ông Nguyên cho biết “là rất nhỏ”, nhưng đó là một kết quả đáng mừng, khi quá trình chuẩn bị chỉ diễn ra trong vòng bốn tuần. Những thử nghiệm thầm lặng như vậy đang diễn ra hàng ngày, và sẽ sớm ứng dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh và đời sống.
Bắt đầu ra mắt vào đầu năm 2018, đến nay giải pháp bệnh viện thông minh (smart hospital) do FPT phát triển đã có khoảng 10 khách hàng là các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên cả nước. Trần Quang Vinh - phụ trách kinh doanh miền Bắc của FPT cho biết sau lắp đặt, thì điều quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu. Có nghĩa là các bác sĩ là “giáo viên” chính cho máy móc. Khi tích lũy được kinh nghiệm khám bệnh đủ dày dặn, các triệu chứng này đi kèm với chẩn đoán bệnh này, thì lúc đó smart hospital sẽ đạt đến trình độ giúp bác sĩ khám bệnh. Giải pháp này có sẵn chỉ dẫn các hoạt chất trong thuốc, giúp bác sĩ đỡ vất vả hơn trong việc nhớ tên thuốc, đồng thời cảnh báo các hoạt chất xung đột với nhau… Dữ liệu về thuốc được FPT mua của một bên cung cấp nước ngoài, anh Vinh cho biết. Trước hết, ứng dụng này giúp giảm thiểu thời gian xếp hàng khám bệnh, xét nghiệm của bệnh nhân, giảm số lượng lao động hành chính tại các bệnh viện và hỗ trợ cho các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh, kê đơn, như một thư ký.
Cho dù blockchain đang là công nghệ được chú ý, và hệ thống ngân hàng cũng bắt đầu ứng dụng vào việc chuyển tiền, ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng điện toán đám mây và big data mới là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng hiện nay. Nhận xét được ông Dũng rút ra từ các cuộc khảo sát của cơ quan quản lý này.
Cách mạng công nghiệp đến từ những dịch chuyển, ứng dụng và cải thiện năng suất lao động. Không đến từ những thứ ồn ào ngoài công nghệ.