Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines sẽ cổ phần hoá và chào bán cổ phần lần đầu vào tháng 9.2018.
Vinalines chiếm một phần tư tải trọng đội tàu biển quốc gia (Ảnh: Vinalines)
Quyết định được phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký vào ngày 20.6.2018. Sau cổ phần hoá, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ có tên giao dịch quốc tế mới là Vietnam Maritime Corporation, viết tắt là VIMC thay vì Vinalines như hiện tại.
Tính đến cuối năm 2017, Vinalines vẫn còn khoản lỗ luỹ kế gần 3.700 tỉ đồng và là một trong những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều nhất. Tuy nhiên quyết định cổ phần hoá được đưa ra sau khi Vinalines công bố khoản lợi nhuận hợp nhất gần 750 tỉ đồng sau thuế trong năm 2017, vượt xa kết quả đạt được năm 2016 (gần 390 tỉ đồng).
Thị trường vận tải biển thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI - Baltic Dry Index) đang ở xung quanh mức 1.350 điểm. Chỉ số này đã giảm mạnh từ mức đỉnh trên 11.500 điểm cách đây 10 năm và trong năm năm trở lại đây chưa từng chạm ngưỡng 2.500 điểm. Cách đây gần hai năm, Hanjin Shipping, hãng vận tải biến lớn thứ 7 thế giới đã chính thức đệ đơn phá sản do những khó khăn trên thị trường vận tải biển quốc tế.
Năm 2015 Vinalines đã có biến chuyển ngoạn mục khi giảm lỗ luỹ kế từ mức trên 19.200 tỉ đồng đầu năm xuống còn gần 3.350 tỉ đồng cuối năm trong khi tổng công ty không có khoản doanh thu hay lợi nhuận bất thường nào được công bố. Với việc giảm sốc lỗ luỹ kế, từ một doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu trên 9.800 tỉ đồng đầu năm, Vinalines đã trở thành một doanh nghiệp tương đối lành mạnh với vốn chủ sở hữu gần 6.600 tỉ đồng.
Các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng kết quả có được có thể đến từ việc tổng công ty cho phá sản các công ty con làm ăn thua lỗ, từ đó xoá được khoản lỗ luỹ kế khổng lồ trong năm.
Các hãng tàu lớn nhỏ, trong đó có các công ty con của Vinalines trong giai đoạn phát triển nóng (2008 -2009) đã ồ ạt vay vốn ngân hàng để đóng tàu, có nơi vay với lãi suất thậm chí lên tới 20 - 22%/năm. Thị trường lao dốc khiến các công ty lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản. Cuối năm 2015, một số công ty con của Vinalines như Vinashinlines, Công nghiệp Tàu thuỷ Cà Mau, Falcon đã được toà án mở thủ tục phá sản.
Theo kế hoạch cổ phần hoá, Vinalines sẽ bán bớt vốn nhà nước và phát hành thêm để tăng vốn điều lệ lên mức trên 14.000 tỉ đồng. Hiện tại vốn điều lệ của Vinalines đang ở mức 11.655 tỉ đồng.
Vinalines sẽ đấu giá công khai 20% cổ phần, tương đương gần 280 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại 65% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, 14,8% cho cổ đông chiến lược, một phần nhỏ còn lại cho công đoàn và người lao động. Theo lộ trình, đến tháng 9.2018, Vinalines sẽ chính thức IPO và đăng ký giao dịch trên UPCoM một tháng sau đó.
Cơ cấu sở hữu của Vinalines sau cổ phần hoá.
Theo công bố thông tin từ Vinalines, hiện tổng công ty đang vận hành 20% chiều dài bến cảng tại Việt Nam và hệ thống kho bãi hàng hải lớn nhất Việt Nam, rộng 53 héc-ta.
Vận tải biến đang là hoạt động chiếm doanh thu lớn nhất của Vinalines, đạt 37%, tiếp theo là cảng biển (31%) và dịch vụ hàng hải (27%).
Hiện chưa có thông tin về đối tác chiến lược được Vinalines lựa chọn.
Cách đây hơn10 ngày, tổng công ty đã tiếp đón đại diện tập đoàn SK đến từ Hàn Quốc đi thăm và khảo sát cơ sở hạ tầng của các đơn vị thành viên thuộc Vinalines tại khu vực Hải Phòng. Thông tin trên website của Vinalines cho biết tập đoàn SK muốn tham gia trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines trong kế hoạch cổ phần hoá sắp tới.
SK là là một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành của Hàn Quốc với tổng doanh thu năm 2017 trên 82 tỉ đô la Mỹ, và là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo bình chọn của Forbes. Cuối năm 2017, chủ tịch tập đoàn đã có chuyến thăm Việt Nam và gặp thủ tướng chính phủ, được hoan nghênh và khuyến khích tham gia vào quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.