Chiến tranh thương mại và tác động lan tỏa

Chỉ trong vòng sáu tháng, kể từ tháng 3 năm nay, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã leo thang chóng vánh và được truyền thông nhiều nước gọi là “chiến tranh thương mại”.
Chiến tranh thương mại và tác động lan tỏa

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành là giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES).

Chiến tranh thương mại: những diễn biến chính

Thương mại công bằng (fair trade) là một trong những chính sách tranh cử của ông Donald Trump để giúp nước Mỹ đòi lại cái mà ông cho là lợi ích kinh tế đã bị mất từ những thỏa thuận thương mại trong quá khứ. Và Trung Quốc – với khoản thâm hụt 370 tỉ đô la Mỹ – là một trong các quốc gia mà Mỹ muốn đòi hỏi sự công bằng nhất. Chỉ trong vòng sáu tháng, kể từ tháng 3 năm nay, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã leo thang chóng vánh và được truyền thông nhiều nước gọi là “chiến tranh thương mại”. Tháng 3.2018, Mỹ quyết định áp thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với nhôm nhập khẩu, trong đó có Trung Quốc, có hiệu lực từ 23.3 và tuyên bố có thể đánh thuế với 60 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đáp trả, đầu tháng 4, Trung Quốc đánh thuế với 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá ba tỉ đô la Mỹ. Ngày 15.6, Mỹ áp thuế đối với 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 6.7.2018, với 818 mặt hàng bị áp thuế 25%. Mức thuế tương tự với 284 mặt hàng khác, trị giá 16 tỉ đô la Mỹ cũng sẽ được tiến hành ở giai đoạn hai. Một ngày sau, bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% đối với 545 mặt hàng trị giá 34 tỉ đô la Mỹ, có hiệu lực từ 6.7. Ngày 18.6, tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh thuế với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nếu Trung Quốc không rút lại tuyên bố hôm 16.6. Phía Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ trả đũa với những cân nhắc kỹ lưỡng về số lượng và chất lượng. Ngày 25.6, bộ Tài chính Mỹ tuyên bố về việc lên kế hoạch cấm các công ty Trung Quốc đầu tư vào ngành chiến lược của Mỹ. Sau ngày 6.7, khi các điều khoản thuế mới có hiệu lực, hai bên tiếp tục các hành động leo thang.

Ngày 16.7, Trung Quốc gửi hồ sơ lên WTO về việc Mỹ dự tính đánh thuế 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9. Ngày 24.7, tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch trợ giá 12 tỉ đô la Mỹ cho nông dân chịu thiệt hại của chiến tranh thương mại. Ngày 3.8, Trung Quốc đáp trả lời đe dọa của Mỹ hôm 18.6 bằng tuyên bố sẽ áp thuế lên 60 tỉ đô la hàng hóa của Mỹ. Ngày 23.8, thêm 16 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của mỗi bên bị áp thuế 25%. Thị trường tiếp tục đón nhận tin không vui khi cuộc đàm phán thương mại ở Washington kéo dài hai ngày từ 23.8 thất bại. Ngày 17.9, Mỹ đánh thuế 10% lên 200 tỉ đô la Mỹ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế dự kiến tăng lên tới 25% vào 1.1.2019.

Năm ngày sau, Trung Quốc quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ theo như dự định và sẽ đáp trả Mỹ ngay lập tức vào ngày 24.9 bằng cách áp thuế lên 60 tỉ đô la hàng hóa từ Mỹ với mức 5 – 10%, mức thuế 25% sẽ được áp vào đầu năm sau. Tác động chung của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và Trung Quốc là làm suy giảm GDP và xuất khẩu của mỗi nước. Tổn thất tiềm ẩn đối với xuất khẩu của Trung Quốc có thể lên tới 5% GDP, cao hơn nhiều so với mức 0,7% GDP của Mỹ. Tính toán của S&P cho thấy, nếu Mỹ đánh thuế 25% với 50 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc và cũng bị đáp trả ở mức thuế tương tự thì mỗi nước đều bị thiệt hại 0,1 – 0,3 điểm phần trăm GDP. Nếu đánh thuế 25% với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa thì GDP suy giảm 0,6 điểm phần trăm.

Tác động với Mỹ

Đối với doanh nghiệp, hai tác động lớn nhất là tổn thất với các doanh nghiệp nhập khẩu và sự gia tăng chi phí để điều chỉnh chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ tổn thất 9,87 tỉ đô la Mỹ khi chính phủ đánh thuế 25% đối với 50 tỉ đô la Mỹ hàng hóa. Và tổn thất 15,8 tỉ đô la Mỹ khi đánh thuế 10% với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa.

Đối với chính phủ, lạm phát có thể tăng cao và kế hoạch tăng lãi suất của FED có thể sẽ phải dừng trong quý 4. Trong ngắn hạn, đối tượng chịu thiệt hại của chiến tranh thương mại là một nhóm ba bên gồm “chế tạo – nhập khẩu – bán lẻ”. Điều tra của S&P đối với 200 công ty có đề cập việc đánh thuế 10% đối với 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa từ Trung Quốc cho thấy, 47% số công ty nói rằng họ sẽ tăng giá bán lẻ thêm 3,5%, nếu mức thuế là 25% có thể mức tăng giá sẽ cao hơn nữa.

Tác động đối với Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng các khoản nợ của nền kinh tế Trung Quốc. Căng thẳng thương mại xảy ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc coi việc giảm nợ của nền kinh tế là một trong ba “cuộc chiến” quan trọng trong năm nay. Quy mô dư nợ tín dụng của Trung Quốc đã tăng từ 295% GDP (năm 2015) lên 329% GDP (quý 1.2018). Những tác động bất lợi từ căng thẳng với Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, buộc chính phủ phải tăng thêm chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Từ đầu năm, PBoC đã ba lần giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Một tác động khác là ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (“Made in China 2025”).

Để có được các công nghệ nguồn và hiện đại như công nghệ bán dẫn, chính phủ Trung Quốc đã tấn công tổng lực trên cả hai mặt trận trong và ngoài nước. Trong nước, họ bắt các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc. Ở nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực thực hiện các thương vụ M&A, nhưng hoạt động này đã bị chặn đứng bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã rất mạnh tay trong các hoạt động giám sát luồng vốn Trung Quốc với việc cấm doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện hàng loạt vụ M&A tại Mỹ.

Nếu cách đây 10 năm không có trường hợp nào bị CFIUS xử lý liên quan đến Trung Quốc, thì trong giai đoạn 2016 – 2017 số vụ đầu tư bị yêu cầu ngừng giao dịch liên quan đến Trung Quốc chiếm tới 25% số vụ mà CFIUS thụ lý. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ (giảm tới 92% so với năm ngoái). Các nước khác như Đức, Canada... cũng theo bước Mỹ trong việc này.

Đối với thị trường tài chính Trung Quốc, trái ngược với thị trường Mỹ liên tục tăng điểm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng chóng vánh với cuộc chiến này. Từ đầu năm đến nay, thị trường Trung Quốc đã mất 25% số điểm, cổ phiếu của các công ty công nghệ còn sụt giảm mạnh hơn. Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư và hoạt động tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng ở Trung Quốc cũng dẫn đến sự rút vốn mạnh, khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu. Để ổn định tỉ giá, PBoC đã phải hi sinh dự trữ ngoại tệ (trong quý 1.2018, dự trữ của Trung Quốc đã giảm 30 – 40 tỉ đô la Mỹ).

Về thương mại, mối lo ngại không chỉ liên quan đến suy giảm xuất khẩu, việc Mỹ, EU, Nhật Bản liên minh với nhau hình thành một trật tự thương mại toàn cầu mới mà Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc ngặt nghèo hơn mới là điều đáng lo lắng. Cuối cùng, về mặt kinh tế, sức ép lớn nhất đối với Trung Quốc có thể đến từ việc chuỗi sản xuất bị dịch chuyển khỏi nước này, kéo theo sự ra đi của vốn, sụt giảm việc làm. Các doanh nghiệp FDI đóng góp 43% và doanh nghiệp tư nhân đóng góp 44% xuất khẩu của Trung Quốc. 60% doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, sự suy giảm lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu có thể buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng trong dài hạn.

Tác động đối với Việt Nam

Khi chiến tranh leo thang, các mặt hàng bị áp thuế càng nhiều thì tác động tới kinh tế Việt Nam càng lớn và phức tạp. Trước hết, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế này sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam do tác động tiêu cực đến xuất khẩu – dù một số ngành sẽ mở rộng được xuất khẩu sang Mỹ nhưng nhiều ngành có giá trị xuất khẩu cao có thể bị thiệt hại do thu hẹp nhập khẩu từ Trung Quốc với tư cách hàng hóa đầu vào. Nếu hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế tiếp tục mở rộng ra ngoài phạm vi 200 tỉ đô la Mỹ thì nguy cơ các hàng hóa này tràn vào thị trường Việt Nam sẽ rất lớn, gây bất lợi cho ngoại thương và tạo sức ép lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô (đặc biệt là vấn đề tỉ giá).

Cuối cùng, nếu Mỹ kiên trì với chính sách “thương mại công bằng”, có thể Việt Nam cũng sẽ chịu chung cảnh ngộ với Trung Quốc và bị áp thuế mới. Nhưng bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đứng trước một số thời cơ. Đầu tiên là sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng – điều này phụ thuộc nhiều vào mức độ sẵn sàng của thị trường lao động và môi trường chính sách của Việt Nam – sẽ góp phần nâng cấp ngành cho Việt Nam. Chúng ta cũng có thể giành được thị phần của một số ngành trong nhóm gần 7.000 mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế mới.

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan