Trung tuần tháng 8, ông Nguyễn Tuyên, chủ tịch hội đồng quản trị trường quốc tế Renaissance đến văn phòng làm việc giải quyết vài vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị ra mắt trường học thứ hai. Không khí vắng lặng của kỳ nghỉ hè ở trường Renaissance bị khuấy động bởi các cuộc điện thoại diễn ra vào sáng sớm. Là một trong những nhà đầu tư mở trường quốc tế thuộc loại sớm ở TP.HCM, ông Tuyên nhìn thấy cơ hội chín muồi để mở thêm trường mới, đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc tế gia tăng của gia đình trung và thượng lưu ở Việt Nam. Sau khi có chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ năm 1997, Việt Nam từ chỗ có vài trường có yếu tố nước ngoài đến nay có hơn 50 trường có yếu tố nước ngoài được cấp phép, theo sở Giáo dục và Đào tạo của TP.HCM và Hà Nội. Renaissance là một những trường như vậy, được mở ra bắt đầu từ nhu cầu của một phụ huynh muốn con được tiếp cận chương trình giáo dục quốc tế. Sau hơn 10 năm vận hành trường Renaissance, nhà đầu tư tiếp tục mở trường mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các gia đình trung và thượng lưu ở Việt Nam. Cách trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 2 km, Renaissance, tên tiếng Việt là trường quốc tế Khai Sáng, nhìn từ bên ngoài có vẻ một khu dân cư cao cấp yên tĩnh, vỉa hè rộng rãi.
Ông Nguyễn Tuyên, chủ tịch hội đồng quản trị trường quốc tế Renaissance - Ảnh: Trần Gia Tiến.
Bên trong lối vào là các màn ảnh lớn, băng rôn đầy màu sắc thể hiện các giá trị của trường bằng tiếng Anh. Dọc theo hành lang cầu thang và các phòng học trưng bày những tác phẩm nghệ thuật đương đại. Trong sảnh chờ, đối diện ghế ngồi là tấm bảng vinh danh các học sinh xuất sắc. Lẫn giữa các tên nước ngoài là một tên Việt Nam: Hoàng Lê Minh, học sinh theo học Renaissance từ ngày trường thành lập, đạt điểm tuyệt đối 45/45 điểm trong kỳ thi tú tài quốc tế (IB). IB được xem như giấy thông hành vào các đại học danh tiếng trên thế giới. Sau khi đạt điểm IB tối đa và được bảy trường đại học sẵn sàng tiếp nhận, cựu học sinh của Renaissance chọn Princeton, thuộc nhóm các trường Ivy League ở Mỹ. Trường Renaissance có hơn 60 lớp học thuộc các khối mầm non và khối tiểu học, trung học, với sĩ số khoảng 650 học sinh mang 29 quốc tịch, gần như không thay đổi trong nhiều năm qua. Cấp mầm non (2 – 5 tuổi) và tiểu học (5 – 11 tuổi) theo chương trình học của Anh được tăng cường chương trình tiểu học quốc tế (IPC). Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thôngtheo chương trình giáo dục trung học Quốc tế Cambridge (IGCSE) (11 – 16 tuổi) và tú tài quốc tế IBDP (16 – 18 tuổi). Tỉ lệ giáo viên tính trên đầu học sinh tại Renaissance là 1/9, nghĩa là 1 giáo viên chăm sóc 9 học sinh. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình của ngành giáo dục. Trung bình ở Việt Nam, một giáo viên chăm sóc gần 20 học sinh ở cấp tiểu học và gần 17 học sinh ở cấp trung học phổ thông, theo thống kê của bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Việc lớp quá đông là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, theo bà Nguyễn Hoa Mai, hiệu trưởng hệ thống các trường dân lập quốc tế Việt Úc. Năm học 2016 – 2017, Việt Nam thiếu hơn 45 ngàn giáo viên, trong đó thiếu hơn 32 ngàn giáo viên bậc mầm non và hơn 7.800 giáo viên bậc tiểu học, theo bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Tuyên chia sẻ việc theo đuổi mô hình trường kiểu boutique: “Về mặt tài chính, không tăng số lượng học sinh là một thiệt thòi cho nhà kinh doanh nhưng về mặt giáo dục là một điều hay. Trong môi trường nhỏ, mỗi học sinh là một cá nhân. Trong khi ở môi trường lớn, mỗi học sinh chỉ là một con số”. Điều này tạo nên điều khác biệt của Renaissance là tính “ấm cúng và thân tình” (warm and cosy) như “gia đình” (family), được ghi trong lối vào của trường. Báo cáo của hội đồng các trường Quốc tế (CIS), khối mầm non Renaissance có chất lượng tốt nhất Việt Nam năm 2017. Họ có các giáo viên giảng dạy từ phương Tây và giao tiếp với học sinh hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chi phí cho giáo viên phương Tây chiếm 70 – 80% chi phí, theo ông Tuyên. Ở một số trường quốc tế, để giảm chi phí này, trường có thể thuê các giáo viên châu Á. Tại Renaissance, từ bậc tiểu học, các học sinh được tiếp cận với môn vi tính và bảng điện tử thông minh. Bàn ghế trong lớp có thể gấp lại và di chuyển thoải mái. Ở khu vực trung tâm của trường là một sân bóng mini, nơi diễn ra các cuộc tranh hùng của các cầu thủ nhí không chỉ của trường Renaissane. Vài năm trước, Renaissance mua thêm đất từ cư dân xung quanh, mở thêm một sân banh quy mô lớn. Ngoài ra, trường có nhà thi đấu thể thao được trang bị máy lạnh, hồ bơi nước ấm trong nhà dài 25 mét và khu nhà hát có sức chứa 321 chỗ ngồi. Khuôn viên giáo dục rộng một héc ta này 11 năm trước là một ao rau muống và bãi rác của các hộ dân xung quanh con kênh.
Năm 2007, ông Nguyễn Tuyên, một doanh nhân trước đó không có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, tham gia mở trường Renaissance (cùng một cổ đông nữa đã bán lại toàn bộ cổ phần cho ông) đầu tiên vì nhu cầu tìm trường học cho hai con của ông. Từng học trong một lớp chuyên, ông nhận thấy phương pháp vẫn có những khuyết điểm, trong khi đó, mô hình giáo dục quốc tế còn mới có phương pháp phù hợp hơn nhưng còn thiếu. Tính đến năm 2006 ở TP.HCM chỉ có bốn trường quốc tế: Bristish International School, International School Ho Chi Minh City (1997), Saigon South International School (1997), Singapore International School (2006). Ông Tuyên kể: “Là một nhà kinh doanh, tôi nhìn thấy đây là một cơ hội. Đầu tiên, về mặt tài chính phải bền vững. Thứ hai, đằng sau việc kinh doanh, mình đang làm điều tốt cho xã hội”. Hai trong những ‘khách hàng’ đầu tiên là con của ông, 3 tuổi và 6 tuổi. Giờ đây, con lớn của ông đang học Babson College ở Boston (Mỹ).
Báo cáo tháng 1.2018 của công ty luật Hogan Lovells, Việt Nam dành 20% ngân sách quốc gia tương đương 10 tỉ đô la Mỹ cho giáo dục. Tại đất nước có dân số gần 95 triệu người, tầng lớp trung lưu tăng lên và thu nhập ngày càng cải thiện, ngày càng có nhiều gia đình người Việt có đủ khả năng chi trả cho các hình thức giáo dục chất lượng cao. “Phụ huynh mong muốn con của họ có trình độ học vấn tốt hơn,” bà Mai, hiệu trưởng trường Việt Úc cho biết. Với số lượng du học sinh tăng dần qua các năm, việc chọn trường quốc tế được xem là yếu tố chuẩn bị cho việc du học sau này. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng đều đặn trong các năm, kéo theo các chuyên gia nước ngoài mang theo gia đình đến Việt Nam làm việc và học tập. Có nhiều lý do để phụ huynh chọn trường phổ thông cơ sở có yếu tố nước ngoài cho con của họ. Thứ nhất, chương trình giáo dục tiên tiến giúp học sinh làm quen trước khi hòa nhập vào môi trường giáo dục bậc cao trên thế giới. Thứ hai, các trường quốc tế được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Cuối cùng, đội ngũ nhân sự quản lý và giáo viên được tuyển dụng kỹ, tỉ lệ giáo viên/học sinh thích hợp giúp đảm bảo chất lượng giáo dục. “Các chương trình giáo dục quốc tế được thiết kế nhẹ hơn và vui hơn hướng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất người học,” bà Mai nhận xét.
Trong 20 trường trung học phổ thông có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM, hầu hết có cơ sở tại các khu vực dân cư cao cấp ở quận 7 và quận 2, có 14 trường có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Không ít người sáng lập trường xuất phát từ nhu cầu cung ứng dịch vụ giáo chất lượng quốc tế cho chính con em họ. 20 trường này chiếm 1/5 số lượng cơ sở giáo dục trung học phổ thông ngoài công lập tại 3TP.HCM, theo giảng viên học viện Hành chính Quốc gia Lê Thị Hoài Thương. Báo cáo Đầu tư tư nhân của công ty kiểm toán Grant Thornton tháng 4.2018 chỉ ra, giáo dục là lĩnh vực đứng thứ tư, xét theo mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân. Phần lớn các trường có yếu tố nước ngoài giảng dạy nội dung của chương trình Trung học Quốc tế Cambridge (IGCSE) đối với lớp 10, 11 và chương trình Tú tài quốc tế (IBDP) đối với lớp 12. Một số giảng dạy theo chương trình tiểu bang của Úc, Hoa Kỳ, Canada, Singapore. Một số trường kết hợp giảng dạy chương trình quốc tế với chương trình của bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam như trường dân lập quốc tế Việt Úc, trường song ngữ Quốc tế Horizon hoặc thực hiện chương trình Việt Nam học với các môn bắt buộc như ngữ văn, lịch sử, địa lý Việt Nam. Nội dung giảng dạy theo chuẩn quốc tế, phần lớn giáo viên là người nước ngoài, cơ sở vật chất được đầu tư phù hợp nên học phí ở các trường có yếu tố nước ngoài cao hơn so với học phí của các trường trong nước. Trên website của trường Việt Úc, cấp tiểu học (lớp 1 – 5) niên học 2018 – 2019 có mức học phí từ 132 – 173 triệu đồng, cấp trung học cơ sở (lớp 6 – 9) là 172 – 235 triệu đồng. Cấp trung học phổ thông (lớp 10 – 12) là 237 – 386 triệu đồng, gấp gần năm tới bảy lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017. Mức phí này vẫn thấp hơn so với các trường quốc tế tên tuổi. Chẳng hạn, học phí khối trung học phổ thông năm học 2017 – 2018 của International School Ho Chi Minh City là hơn 654 triệu đồng, Renaissance hơn 625 triệu đồng, Saigon South International School 604 triệu đồng, theo thống kê của tổ chức giáo dục Everest Education.
Trường quốc tế Renaissance theo đuổi mô hình trường học nhỏ gọn, kiểu boutique, có các lợi thế về cơ sở vật chất, phương pháp học hiện đại, giáo viên tuyển chọn kỹ càng.
Trước khi đầu tư giáo dục, ông Tuyên là nhà kinh doanh lĩnh vực hương liệu, khí hóa lỏng. Năm 1995, ông và vợ, cũng là người bạn học chung đại học, mở công ty hương liệu thực phẩm, mỹ phẩm và gia vị Việt Hương. Công ty này hiện do vợ ông, bà Nguyễn Thúy Quỳnh phụ trách chính. Các khách hàng lớn của Việt Hương là Vinamilk, Trung Nguyên. Năm 1998, ông Tuyên chuyển sang kinh doanh khí hóa lỏng. Trong 10 năm, ông Tuyên phát triển công ty Saigon Gas thành một trong những công ty phân phối gas tư nhân lớn, với doanh số khoảng 400 tỉ đồng / năm, theo ông Tuyên. Năm 2008, ông bán Saigon Gas cho tập đoàn dầu và khí hóa lỏng của thế giới Total. Ông Tuyên kể, ông tiếp cận Total khi thấy không thể tiếp tục phát triển thêm. “Total mạnh về gas. Khi đã mạnh thì người ta muốn mở rộng. Tôi nói với họ, nếu anh mua lại công ty của tôi thì sau một đêm, anh sẽ có một thị trường van xám mà không làm gì cả”. (Van xám là bình gas của Saigon Gas. Gas của Total là van đỏ, có lượng khách hàng ít hơn). Để tham gia lĩnh vực mới, theo ông Tuyên, thường có ba cách. Một là, mua lại một công ty hoạt động hiệu quả. Hai là thu hút nhân tài trong lĩnh vực đó. Thứ ba là tự mày mò làm, cách này có thể tốn ít tiền lúc đầu nhưng sẽ tốn nhiều tiền hơn về sau. Renaissance chọn phương pháp thứ hai. Để thuyết phục giáo viên nước ngoài sang Việt Nam làm việc, ông Tuyên chia sẻ các yếu tố quyết định, gồm: “Thứ nhất là tầm nhìn. Nhân sự cao cấp ra quyết định đầu tiên ở tầm nhìn của doanh nghiệp. Thứ hai là lợi ích. Làm đúng theo hai thứ đó thì sẽ ‘mua’ được nhân tài”. Nhà kinh doanh 46 tuổi, có sở thích giải trí với bộ môn boxing và gym nhắc lại câu nói nổi tiếng trong phim Bố già: “Hãy đưa cho anh ấy lời mời khó có thể khước từ” (Make an offer he can not refuse).
Trong các năm qua, bằng cách duy trì chất lượng giảng dạy quốc tế, Renaissance nằm trong nhóm các trường quốc tế thu hút số lượng học sinh ổn định. Theo ông Tuyên, để thành công trong thị trường cạnh tranh cao, trường phải thường xuyên được tái đầu tư. Giáo viên cần được đào tạo đều đặn và nâng cao kỹ năng, cơ sở vật chất cần được bảo trì và cập nhật các kỹ thuật dạy học mới. Ngoài kinh doanh hương liệu và giáo dục, hai vợ chồng ông Tuyên và bà Quỳnh cũng tham gia sưu tập nghệ thuật. Bà Quỳnh sưu tầm tranh và sở hữu phòng tranh Nghệ thuật Quốc tế Hiện đại (IMA Gallery) tại Houston, Texas, Mỹ, nơi bà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Một số tác phẩm đương đại trưng bày ở trường Renaissance. Tháng 6.2018, bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản cho phép các trường quốc tế tăng tỉ lệ học sinh Việt Nam lên gần 50%, thay vì giới hạn ở mức 10% ở bậc tiểu học và 20% ở bậc trung học cơ sở. Sau hơn một thập niên xây dựng Renaissance, ông Tuyên nhìn thấy nhu cầu học tại trường quốc tế đang lớn dần từ đối tượng chủ yếu gia đình người Việt có đủ điều kiện tài chính. Nhu cầu này, theo công ty luật Hogan Lovells, tăng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2017. Do vậy, đầu tư cho giáo dục tuy cần thời gian dài song cũng thu hút các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Cuối năm ngoái, quỹ TPG mua lại cổ phần của hai cổ đông Mekong Capital và Maj Invest tại Việt Úc. Thông cáo báo chí Mekong Capital phát đi, Mekong Capital thu về 25 triệu đô la Mỹ cho khoản đầu tư trị giá 6 triệu đô la Mỹ mà họ đầu tư bảy năm trước. Theo Renaissance, giáo dục là lĩnh vực đầu tư dài hạn không thể hòa vốn trong 4 – 7 năm đầu tiên và đầu tư tài chính lớn từ 10 – 25 triệu đô la Mỹ / trường. Nhưng nếu mô hình thành công, tỉ lệ lãi đều đặn khoảng 5 – 20%. Sau hơn 10 năm đầu tư giáo dục, ông Tuyên nhìn nhận: “Làm kinh doanh nói chung cần cái đầu. Đầu tư giáo dục cần cả cái đầu và trái tim vì nó liên quan đến con người. Trong giáo dục, không thể chấp nhận phế phẩm.”