Ở nhiều nơi nông dân vẫn thường có thói quen bón phân đơn vì nghĩ nó rẻ nhưng không ngờ nó lại hóa đắt vì khiến cho cây trồng thiếu cân đối về dinh dưỡng…
Cụ thể, có hàm lượng thì thiếu, có hàm lượng lại thừa dẫn tới năng suất cây trồng thấp, chất lượng sản phẩm kém, hiệu quả kinh tế không có và đặc biệt là môi trường dễ bị ngộ độc bởi sự tồn lưu phân trong đất, trong nước về lâu về dài với những hậu quả không dễ gì đo đếm xuể. Bởi vậy việc bón phân theo quy trình khép kín là một xu thế hiện nay khi từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch ngoài phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh về phân hóa học chỉ sử dụng NPK-S mà không cần bón thêm các loại phân bón đơn khác, kể cả cho bón lót cũng như bón thúc.
Những ngày này, đến huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi thấy rõ không khí tất bật, nhộn nhịp cùng với niềm vui, phấn khởi của bà con nông dân khi bước vào mùa bội thu cam. Những chuyến xe tấp nập từ khắp nơi về thu mua cam với giá bán ổn định đã đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân nơi đây.
Cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang được biết đến là một sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong mà cả ngoài nước. Cây cam hiện đang chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Mới đây cam sành Hàm Yên còn vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, đứng trong tốp 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng.
Có được kết quả đó, bên cạnh điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây cam, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam như: Tích cực thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, đặc biệt là sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cam.
Bên vườn cam sai trĩu quả, anh Hoàng Văn Hòa, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ: Gia đình tôi có 3 ha cam sành, gia đình đã sử dụng rất nhiều loại phân bón cho cây nhưng phân bón Lâm Thao vẫn là phù hợp nhất. Hiện nay 100% gốc cam sành của gia đình bón phân NPK-S Lâm Thao, cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh, quả to, vàng óng, ít sâu bệnh giúp cho năm nào cũng được mùa, chất lượng thì cải thiện tốt, xuất bán đều đạt loại 1. Chúng tôi rất vui và yên tâm vì có cuộc sống no ấm và đầy đủ hơn.
Huyện Hàm Yên hiện có 7.270 ha cam, trong đó, diện tích cho sản phẩm là 4.986 ha, sản lượng quả đạt trên 84.000 tấn trong đó diện tích cam sành chiếm 84,8%, còn lại các giống cam khác. Tính riêng năm 2019, cây cam Hàm Yên cho thu trên 700 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Quang Sự-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Yên cho biết: Xác định cây cam là loại cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Hàm Yên tích cực vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mà gần đây là áp dụng quy trình bón phân khép kín...
Qua nhiều năm sử dụng phân bón NPK S để bón cho cây ăn quả nói chung và cây có múi như bưởi, cam nói riêng, chúng tôi thấy phân bón Lâm Thao rất phù hợp với vùng đất Hàm Yên, năng suất và chất lượng cây trồng tăng cao hơn hẳn so với bón các loại phân thông thường khác. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao trên cây cam cho bà con nông dân Hàm Yên. Do đó, hầu hết bà con nông dân đều hiểu rõ và nắm vững quy trình bón phân khép kín, từ đó năng suất và chất lượng cam nâng cao rõ rệt.
Chủ tịch Hội Nông dân Hàm Yên mong muốn, thời gian tới Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con nông dân huyện được mua phân bón chậm trả 12 tháng nhằm giảm áp lực về vốn, bởi đặc trưng của cây cam là sau 1 năm mới cho thu hoạch nên khi đó bà con mới có tiền để thanh toán.
Mô hình bón phân "4 đúng" trên cây cam ở Phú Thọ
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ gần đây cũng phối hợp với Cty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao hàm lượng cao cho cây cam tại xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn.
Qua thời gian thử nghiệm 3 năm trên diện tích hơn 1 ha áp dụng trên 2 giống cam phổ biến là CS1 và V2, sử dụng bón phân Lâm Thao NPK 16.8.16 theo quy trình khép kín bước đầu cho thấy khả năng thích ứng trên cây, cung cấp đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cần thiết giúp cây sinh trưởng khỏe, cho hiệu quả năng suất, chất lượng cao hơn.
Tại các mô hình thử nghiệm, phân bón NPK hàm lượng cao được sử dụng theo quy trình khép kín kết hợp với áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhỏ giọt… đã nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp cây sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh, nâng cao sức đề kháng, từ đó giảm số lần bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình đã được bà con nông dân giá cao hiệu quả sau thời thử nghiệm.
Cây trồng cần 17 nguyên tố dinh dưỡng chính để phát triển cân đối thì trong phân bón NPK có đầy đủ 17 nguyên tố dinh dưỡng như: đạm, lân, kali (đa lượng); canxi, magie, lưu huỳnh, silic (trung lượng); kẽm, đồng, molip đen, bo (vi lượng) được phối trộn cân đối.
Theo đó bà con phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trong suốt vòng đời từ lúc trồng đến lúc phá bỏ áp dụng nguyên tắc bón phân "4 đúng": Đúng chủng loại, ví dụ như thời gian nuôi quả cần bón có hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường và mẫu mã quả đẹp. Đúng liều lượng thích hợp từ 1-1,5kg/cây, không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất. Đúng thời điểm, bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi. Đúng phương pháp, bà con xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5-7 phân tránh tổn thương bộ rễ, rãi phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).
Nên kết hợp giữa phân chuồng và phân hóa học để cây được cung cấp dinh dưỡng cân đối, phát triển hợp lý nhất theo yêu cầu từng giai đoạn sinh lý của cây. Nhờ đó cây có sức khỏe tốt để đề kháng được các loại dịch bệnh, cho năng suất, chất lượng nông sản cao và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường đất, nước, không khí, giữ độ tơi xốp, các loại mùn dinh dưỡng trong đất và cả hệ sinh vật phong phú kèm theo.