Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch đô thị

Trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, loại hình du lịch đô thị cũng được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chính cần tập trung đẩy mạnh ở nước ta. Song làm thế nào để vừa thu hút du khách đến với các đô thị, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững là thách thức không đơn giản.

Các đô thị, thành phố lớn ở mỗi nước luôn là nơi tập trung nhiều đường bay, hệ thống vận chuyển để kết nối với các địa phương cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Ðây là “cửa ngõ” quan trọng đối với khách du lịch trong nước và quốc tế trước khi thực hiện những chuyến đi tới nhiều điểm đến, theo nhiều mục đích. Vì thế, để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói, không thể chỉ coi đây là những trung tâm trung chuyển khách, mà phải biến thành các khu vực trọng điểm du lịch thông qua phát triển du lịch đô thị. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), du lịch đô thị được hiểu là những chuyến đi của du khách tới các khu vực thành phố, đô thị với mục đích tham quan, trải nghiệm kết hợp các hoạt động khác. Sản phẩm du lịch đô thị bao gồm các dịch vụ du lịch, hàng hóa, tiện nghi cung ứng cho du khách, được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và lao động du lịch tại thành phố, một vùng, hay một địa phương. Ðặc trưng của sản phẩm là tập trung vào trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa; hệ thống công trình, di tích văn hóa, lịch sử; các giá trị đặc trưng điển hình cho khu vực; các công trình kiến trúc đặc sắc. Như vậy, muốn đáp ứng nhu cầu du khách khi lựa chọn loại hình du lịch đô thị, các điểm đến phải bảo đảm đa dạng các vấn đề về cảnh quan, môi trường, kiến trúc, lưu trú, ẩm thực, giải trí, mua sắm…

TS Ðỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng ITDR cho biết: Hiện nay, trên thế giới, du lịch đô thị đang là sản phẩm hấp dẫn và triển vọng, ngày càng chiếm thị phần lớn trong thị trường du lịch. Các thành phố sở hữu lịch sử lâu đời và cả những đô thị du lịch mới nổi đều là những điểm đến thu hút du khách, tiêu biểu như Lít-xbon (Bồ Ðào Nha), Lyon (Pháp), Băng-cốc (Thái-lan), Xin-ga-po... Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đô thị, trong đó nhiều thành phố những năm gần đây đã lọt tốp những điểm đến hàng đầu khu vực như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… dựa trên thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, kiến trúc, thẩm mỹ và sự đa dạng về khả năng đáp ứng nhu cầu… Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch đô thị độc đáo, nổi bật nên thiếu bản sắc, tầm ảnh hưởng còn ít và chưa thể trở thành đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển du lịch cho cả vùng. Bằng chứng là nhiều năm nay, du khách đến Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh chỉ được đưa đến những di sản nội đô hay một số khu vui chơi với các trò chơi na ná nhau, thiếu trầm trọng những tua du lịch khám phá cuộc sống, lối sống của người dân đô thị. Trong khi đó, nhiều nước đã đầu tư để có những sản phẩm du lịch đô thị thật sự đột phá với các chuyên đề như du lịch kiến trúc, di tích lịch sử, ẩm thực, tham quan toàn cảnh các thành phố... Rõ ràng, để tạo điểm nhấn thu hút du khách, bên cạnh những tua tham quan truyền thống, du lịch đô thị ở Việt Nam đã và đang rất cần đến các sản phẩm mang tính sáng tạo và độc đáo.

Mới đây, tại Hà Nội, ITDR đã tổ chức Hội thảo “Du lịch đô thị, thực trạng và giải pháp phát triển” nhằm tập hợp nhiều sáng kiến, đề xuất từ các chuyên gia để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng cần tới sự bắt tay chặt chẽ của nhiều bên để tạo sức mạnh tổng thể nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Thủ đô. Chuyên gia Hoàng Ðạo Cầm của ITDR cho rằng trước hết cần tới vai trò quản lý của nhà nước với phát triển du lịch đô thị, cụ thể ở các nhiệm vụ như: quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn di sản, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng môi trường, xã hội phục vụ cộng đồng và du khách. Trong đó, cần chú trọng vấn đề tổ chức, quản lý giao thông, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, trong đó bao gồm cả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. TS Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện đại học Mở Hà Nội lại đặc biệt nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp bởi đây là đối tượng dẫn dắt và định hướng các đơn vị trong chuỗi cung cấp, kết nối các mắt xích để đưa ra sản phẩm du lịch cũng như tiếp thị điểm đến, theo dõi sự hài lòng của khách hàng…

Bên cạnh các lợi ích dễ nhận diện về mặt kinh tế, gia tăng việc làm, các chuyên gia du lịch cũng khuyến cáo về những phát sinh tiêu cực trước sự phát triển của du lịch thủ đô. Sự gia tăng số lượng lớn khách du lịch có thể gây ra sự quá tải ở điểm đến, sức ép về dịch vụ, môi trường cũng như ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Vì thế, cần thiết phải có những phân tích chuyên sâu để đánh giá tác động của du lịch tới từng loại hình đô thị từ đó xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển thích ứng, định vị hệ thống sản phẩm phù hợp từng địa bàn, bảo đảm việc phát triển du lịch đô thị bền vững.

Việt Anh/Nhandan