Trượt cát ở Quảng Bình

Không gian mênh mông trước mặt chỉ thấy mầu trắng của cát ở Quang Phú khiến mọi người đều nhớ tới câu thơ “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình...”. Giữa dải cát trùng trùng điệp điệp nối nhau, những bóng người bất chấp cái nắng bỏng rát mùa hè vẫn miệt mài leo lên đỉnh đồi, sẵn sàng cho đợt trượt cát ganh đua cùng gió.

Đồi cát Quang Phú cách trung tâm thành phố Đồng Hới chỉ khoảng 8 km, nổi tiếng với cát trắng phủ kín sườn đồi thoai thoải, thích hợp cho trò chơi trượt cát. Đỉnh cao nhất cũng chỉ chừng 100 m, dễ chinh phục và không làm mất sức người chơi. Du khách hầu hết chọn ván trượt làm bằng nhựa dẻo trong khi trẻ con trong vùng tới chơi thường rủ bạn bè đua tốc độ bằng mo cau. Cách chơi dân gian không phải chỉ để gợi nhắc tuổi thơ mà bởi khi nghe thấy tiếng vỏ mo cau trượt qua cát đanh chắc, lạo xạo lại thấy vui tai hơn.

Không có cung đường cố định, người trượt chỉ cần bám chắc đầu thảm, đẩy nhẹ là cả người cả thảm đã trôi đi, lao theo sườn cát để xuống dốc. Mỗi lần lao vun vút từ đỉnh đồi đến đích chỉ kéo dài chừng vài phút, nhưng cũng có người luýnh quýnh chân tay rẽ ván sang ngang hoặc mắc kẹt vào hõm cát nên cán đích cuối cùng...

Nếu dành ra một ngày lang thang ở đồi cát sẽ thấy sự thay đổi kỳ diệu của thiên nhiên. Nếu buổi sáng cát giữ mầu trắng xóa thì tới trưa, khi nắng lên, cả đồi cát trước mặt đã như được ánh nắng dát trọn mầu vàng. Những bóng chân người vừa mới in hằn trên mặt cát, chỉ qua vài lần gió biển thổi vào bờ đã xóa nhòa chẳng còn dấu vết. Qua một đêm, vân cát cũng biến đổi uốn lượn muôn hình vạn trạng, khi xếp tầng tầng lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang lấp lánh, khi lại bung xòe trôi thoải theo sườn đồi.

Cả đồi cát mênh mông chỉ thưa tiếng cười đùa khi nắng lên, mọi người ngồi nghỉ ngơi, trả lại vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của đồi cát. Với những du khách muốn khám phá miền biển Quảng Bình, có thể tới xã Nhân Trạch. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn được duy trì từ bao đời, với những phong tục thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng được tổ chức ở đình làng như lễ rước ngư ông, múa cầu ngư, múa bông chèo cạn mỗi khi làng có lễ hội. Những bữa cơm đoàn tụ sau chuyến ra khơi luôn quây quần, ấm cúng, với rất nhiều đặc sản tươi ngon chưng cất từ sự mặn mòi vị biển.

Nguyễn Lê/Nhandan