Mới đây, UBND thành phố Hạ Long đề xuất Sở Tài chính và UBND tỉnh Quảng Ninh cho tăng mức phí tham quan Vịnh Hạ Long. Theo đó, phí tham quan các tuyến một, hai, năm sẽ tăng 20% từ 250.000 đồng/lần/người lên 300.000 đồng/lần/người; mức thu tuyến bốn tăng 25% từ 200.000 đồng/lần/người lên 250.000 đồng/lần/người. Riêng mức thu tuyến ba giữ nguyên (200.000 đồng/lần/người) để giãn khách du lịch tham quan tập trung vùng trọng tâm di sản. Đáng chú ý, phí tham quan các tuyến có lưu trú một hoặc hai đêm trên vịnh tăng mạnh nhất: 73% đến 85%; giá mới dao động trong khoảng 900 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/tuyến/người. Thời gian dự kiến điều chỉnh mức thu phí từ ngày 1-1-2019.
Theo đại diện UBND thành phố Hạ Long, việc tăng phí tham quan vịnh là để bảo đảm đủ ngân sách chi thường xuyên cho bảo tồn di sản, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, mức tăng phí dựa trên căn cứ thực tế khi so với phí tham quan thắng cảnh của một số di sản thế giới tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Mức tăng này sẽ không tác động nhiều tới đối tượng du khách tham quan vịnh, bởi dù mức phí lưu trú qua đêm được đề xuất tăng mạnh hơn nhưng theo thống kê năm 2017, số khách nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long chỉ chiếm 22,5% tổng số khách tham quan; sáu tháng đầu năm 2018 con số này chỉ còn 19%.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long cũng như các hãng lữ hành trong nước, đề xuất tăng phí trên chắc chắn sẽ làm giảm tính cạnh tranh của thương hiệu điểm đến, ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến với Vịnh Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Nếu phí tham quan tăng mà các dịch vụ được nâng cấp, bổ trợ; chất lượng phục vụ được nâng cao tương xứng thì đã đành một lẽ. Đằng này, cả du khách và những người kinh doanh du lịch đều chưa nhìn thấy cơ sở thuyết phục của việc đề xuất tăng phí tham quan. Sau nhiều năm được công nhận là di sản thế giới, việc khai thác du lịch ở Vịnh Hạ Long vẫn còn nhiều tồn tại chưa thể khắc phục như: ô nhiễm môi trường, rác thải và dầu loang, nguy cơ gây tổn hại di sản, thiếu sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, gây trình trạng quá tải cục bộ ở một số tuyến, điểm…
Một số chuyên gia du lịch cho biết, về khía cạnh tích cực, việc đề xuất tăng phí tham quan Vịnh Hạ Long sẽ giúp phân loại lại thị trường du khách, hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp hơn, giảm sức ép từ việc phát triển “nóng” du lịch, tác động đến di sản và tạo nguồn thu để tu bổ, tôn tạo cảnh quan, môi trường di sản. Song tăng phí mà không chú ý nâng cao chất lượng phục vụ sẽ làm mất khách. Cứ đông khách lại tăng giá, sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ du khách cũng như đem lại ấn tượng xấu về kiểu kinh doanh “ăn xổi”. Do đó, nếu đề xuất tăng phí được thông qua, nhất thiết phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ tương xứng, từ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt chuẩn tới bảo đảm trình độ đội ngũ nhân sự phục vụ, tăng cường sản phẩm du lịch mới, các dịch vụ bổ trợ cho những tuyến điểm truyền thống, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn cho du khách… Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đồng loạt tăng giá vé tham quan Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý vịnh nên tập trung quy hoạch lại các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch, từ đó phân khúc đối tượng du khách để đưa ra mức giá hợp lý.
Từ tháng 4-2017, tỉnh Quảng Ninh đã tăng giá 275% đối với du khách lưu trú hai đêm và tăng 200% cho khách lưu trú một đêm trên Vịnh Hạ Long. Nếu đề xuất tăng phí mới được thông qua, nghĩa là chỉ sau gần hai năm, lại có thêm mức tăng giá mới từ hơn 70% đến 85%. Điều này khiến doanh nghiệp lo lắng không biết thời gian tới, sẽ còn bao nhiêu lần tăng giá nữa! Đại diện nhiều hãng lữ hành kiến nghị, việc tăng phí tham quan đối với Vịnh Hạ Long cũng như các danh thắng nổi tiếng khác ở Việt Nam cần được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp nắm được mức tăng, thời gian sẽ tăng, lý do tăng, từ đó có kế hoạch tuyên truyền tới du khách và đối tác. Việc thông tin sớm, không những giúp du khách và người kinh doanh du lịch tránh được sự bị động mà còn khiến họ cảm thấy được tôn trọng.
Trang Anh/Nhandan