Hà Nội sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đã sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đáng quý. Điều đáng mừng là từ lợi thế này, du lịch Thủ đô với truyền thống nghìn năm văn hiến, đang trên đà phát triển đúng hướng, bền vững, hài hòa, hiệu quả cao.
Đạt được thành quả đáng tự hào này là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thành phố, các địa phương và người dân. Đặc biệt, từ năm 2012, HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND, thông qua Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Gần đây nhất phải kể đến Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” của Thành ủy Hà Nội; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU.Có thể nói, việc Hà Nội thông qua quy hoạch phát triển du lịch, nhất là Thành ủy ban hành một nghị quyết riêng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã thể hiện sự chủ động, tích cực, quan điểm chỉ đạo tập trung, xuyên suốt để phát triển "công nghiệp không khói" thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ định hướng tổng thể đúng đắn, ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng được nhiều điểm đến phong phú với dịch vụ đặc thù và hấp dẫn; tạo sự liên kết ngành, liên vùng gắn với từng thị trường; tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội của Thủ đô cùng phát triển.Nhiều khu du lịch mới được nâng cấp, đầu tư mới tạo thêm những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn ở các địa phương Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai. Nhiều tuyến du lịch mới được mở gắn với khai thác lợi thế đặc biệt về giá trị văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) như các tour tham quan làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng... Điểm nhấn đột phá là Hà Nội chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô như: Tổ chức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố đi bộ Trịnh Công Sơn; mở tuyến xe buýt hai tầng cao cấp, mở mui (Hanoi City Tour)... và triển khai thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội.Rõ ràng, du lịch Thủ đô thời gian qua đã có sự phát triển rõ nét. Tuy nhiên, với lợi thế của “ngành công nghiệp không khói” vẫn còn dồi dào, đòi hỏi ngành Du lịch nói riêng, các cấp, ngành nói chung cần tiếp tục có những giải pháp đột phá để đạt kết quả cao hơn nữa, tương xứng với tiềm năng hiện có. Theo đó, trước mắt, những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; sản phẩm du lịch chất lượng cao; nguồn nhân lực; vấn đề môi trường… cần tiếp tục khắc phục triệt để, nâng chuẩn phục vụ. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm, giải trí của khách khi đến Hà Nội.Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; thực hiện nghiêm để 2 quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố; Quy tắc ứng xử nơi công cộng) đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, thái độ ứng xử của người dân với khách du lịch. Ngoài ra, cần bảo đảm tuyệt đối trật tự an toàn xã hội để xây dựng môi trường du lịch văn minh, không để xảy ra những vụ việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như môi trường du lịch của Hà Nội. Qua đây tạo cho được ấn tượng tốt đẹp về gần gũi, thân thiện và mến khách để vừa thu hút, níu chân và khiến du khách bốn phương có “mong muốn được trở lại” với Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Chí Kiên/HNM