Nét lạ kỳ trên những phiến đá ong ở làng cổ

Làng cổ Đường Lâm thuộc Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) từ lâu được biết đến như một nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử – văn hóa – kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đó là đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, là những ngôi nhà cổ rêu phong hàng trăm năm tuổi. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau nét lạ kỳ từ những ngôi nhà cổ lại là khối đá xù xì nằm sâu dưới lòng đất…


Nét lạ kỳ trên những phiến đá ong ở làng cổ Đường Lâm

Từ trung tâm Hà Nội xuôi về phía Tây chừng 47km là đến làng cổ Đường Lâm. Dẫn tôi qua chiếc cổng làng, nhà văn Nguyễn Văn Học – một người đam mê kiếm tìm nét cổ ở làng quê Việt bảo, nơi đây từ lâu là đề tài hấp dẫn, là nguồn cảm hứng si mê sáng tạo lớn cho các tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh…

Nét lạ kỳ trên những phiến đá ong ở làng cổ

Cho đến nay, Đường Lâm vẫn là một trong những điểm đến văn hóa với nét kiến trúc cổ kính độc đáo. Ảnh: Đinh Luyện

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học, nét kiến trúc độc đáo hệ thống đền, lăng của hai Vua và các nhà thờ họ, miếu, đình, chùa, giếng cổ… được bố cục trong một môi trường, cảnh quan sinh động đã trực tiếp tạo điểm nhấn thú vị cho vùng đất cổ.

Đình Mông Phụ là một ví dụ. Đình có quy mô lớn bậc nhất ở làng cổ Đường Lâm, tọa lạc ngay trung tâm làng Mông Phụ. Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt – Mường, mô phỏng kiến trúc nhà sàn.

Đình Mông Phụ ở Đường Lâm. Ảnh: Đinh Luyện

Đình có hai tòa tiền đường và hậu cung với một gian, hai chái lớn và cả hai tòa nhà đều được làm theo kiểu bốn lá mái với họa tiết trang trí hình mây cuộn, rồng bay. Ngoài ra, đình còn được lợp bằng ngói di xếp vảy cá, trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng…

Trong khi anh Học say sưa với những kiến trúc cổ kính thì tôi lại bị hấp dẫn bởi những phiến đá ong thô giản. Ngay từ cổng làng đi vào trên những con đường lát gạch, giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm tôi đã phần nào cảm nhận được sự ấm áp, bình yên.

Nét độc đáo của làng cổ Đường Lâm ẩn chứa ngay trong những điều bình dị, đó là những bức tường đá ong rêu phong, là những con đường gạch, những di tích cổ kính hằn vết thời gian… Ảnh: Đinh Luyện

Nghe kể, những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được xây dựng bằng các vật liệu đặc trưng của vùng Xứ Đoài xưa, đó là các loại gỗ quý, kèm theo là các phụ kiện như: rơm, rạ, bùn non, trấu, đất sét mịn… Trong đó đáng chú hơn cả là loại vật liệu xây dựng mang tên đá ong.

Người Đường Lâm bảo, đá ong là loại vật liệu sẵn có trên vùng đất này. Tại đây, những khối đá xù xì nằm sâu dưới lòng đất được khai thác đơn giản, dễ kiếm, chịu được khí hậu thay đổi.

Ở ngôi làng cổ này, có thể dễ dàng thấy được những dấu tích của đá ong. Ảnh: Đinh Luyện

Cách xây dựng nhà đá ong cũng mang đầy tính dân dã. Theo như ông Hùng, chủ của một căn nhà cổ ở Đường Lâm kể: Nhà được xây cất bằng đá ong sẽ luôn đảm bảo không khí trong nhà mát về mùa Hạ, ấm áp về mùa Đông. Xưa, khi người làng chưa biết đến các vật liệu kiểu như xi măng, cát, thép… thì thời bấy giờ, việc xây dựng chỉ sử dụng đá ong kết hợp với bùn non trộn vôi để miết mạch.

Cho đến nay, nhiều người dân Đường Lâm vẫn thích nhà xây bằng đá ong vì đó như một nét văn hóa, hồn cốt của làng quê. Ảnh: Đinh Luyện

Điểm đặc trưng của những ngôi nhà này là móng thường khá nông, chiều cao căn nhà cũng chỉ khoảng độ 5m và được lợp mái bằng ngói móc, ngói ri. Cùng với thăng trầm của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm đã được cải tạo, xây mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhưng nghe những người làng bảo, mặc dù thời hiện đại có nhiều nguyên liệu khác có thể thay thế nhưng nếu để chọn lựa thì họ vẫn tín nhiệm đá ong.

Bởi nếu so sánh với các loại khác thì đá ong luôn có những tính năng vượt trội như độ bền chắc, mát mẻ. Hơn thế nữa, người dân Đường Lâm thích nhà xây bằng đá ong vì đó như một nét văn hóa, hồn cốt của làng quê, họ yêu thương, tự hào và có trách nhiệm phải giữ gìn.

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan