Trước khi du lịch Đà Lạt "nóng" như những năm đổ lại đây, TP. Đà Lạt vẫn còn mang dáng vẻ của một thành phố nhỏ, thuần nông, lượng khách du lịch còn thấp, chủ yếu là khách nhỏ lẻ, ít khách đoàn. Đường sá, khách sạn giai đoạn đó vẫn chủ yếu là phát triển khách sạn nhỏ lẻ, có sức chứa thấp. Vùng ven thành phố mang màu xanh chủ đạo của canh tác nông nghiệp truyền thống và đơn thuần.
Tuy nhiên, từ năm 2005 có lẽ là giai đoạn mà du lịch Đà Lạt có sự chuyển mình và bứt phá lớn. Thành phố này bắt đầu nhiều các chương trình khởi động nhằm thúc đẩy đầu tư vào du lịch thông qua một loạt các hoạt động quảng bá các sản phẩm đặc trưng, quảng bá văn hóa riêng mình, phát triển du lịch làng hoa, du lịch canh nông.
Theo đó, các làng hoa từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần bắt đầu hình thành tư duy kết hợp làm nông nghiệp với du lịch để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch.
Các nông trang, nông trại mọc lên ngày càng bài bản, đầu tư lớn hơn, tiếp sau đó là sự hình thành của các homestay, farmstay; các khu du lịch canh nông... Và cho đến nay, chúng ta có thể nhìn thấy những cơ sở nông nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch mọc lên ngày càng nhiều và đầu tư bài bản từ trung tâm thành phố ra đến tận cả vùng ngoại ô và các xã, huyện lân cận.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông từ đó cũng được quan tâm đầu tư mở rộng và phát triển khá đồng bộ, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Cơ sở vật chất ngành du lịch tiếp tục được đầu tư, hệ thống cơ sở lưu trú có những bước phát triển mạnh mẽ với số lượng khách sạn cao cấp ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Theo thống kê, hiện nay toàn thành phố có 2.217 cơ sở lưu trú du lịch với 28.983 phòng, tăng 1.419 cơ sở, 15.392 phòng so với thời điểm năm 2016. Trong số này có 817 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn gắn sao và tương đương với tổng số phòng lưu trú đạt chuẩn sao và tương đương là 17.835 phòng, chiếm 61,5% tổng số phòng lưu trú. Số phòng cao cấp đạt chuẩn từ 3-5 sao là 3.467 phòng, chiếm 19,4% tổng số phòng đạt chuẩn sao và tương đương.
Hiện nay, TP. Đà Lạt có 44 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 29 đơn vị lữ hành quốc tế, 15 đơn vị lữ hành nội địa; 22 khu, điểm du lịch có thu phí, 24 điểm du lịch canh nông cùng hơn 20 công trình tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh du lịch khác đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan, tổ chức các sự kiện ngày càng cao của người dân và du khách, nhất là các ngày nghỉ, tết, lễ hội.
Chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch được nâng lên; hệ thống các khu, trung tâm thương mại mua sắm tập trung như siêu thị, Đà Lạt Center, hệ thống các siêu thị mini như Bách Hóa Xanh, Langfarm... đã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, hàng đặc sản của Nhân dân địa phương và du khách.
Đà Lạt cũng chủ động tranh thủ các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng phát triển du lịch như hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nông thôn; hạ tầng thông tin, truyền thông, cấp điện và chiếu sáng công cộng; các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao, các cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Với chủ trương hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, công tác đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng thời gian qua đã được thành phố quan tâm đầu tư và thực hiện. Thành phố được quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh trong giai đoạn đầu tư phát triển đô thị loại I.
Hiện nay, ngoài tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 và Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/9/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030, thành phố cũng đang tập trung triển khai, thực hiện Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025.
Đến nay một số công trình hạ tầng về giao thông và hạ tầng khác đã phát huy hiệu quả, tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch của thành phố như nâng cấp Quốc lộ 20, đầu tư một số tuyến đường liên tỉnh nối Lâm Đồng với Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, các tuyến đường nối vào các khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm và hạ tầng các khu du lịch được đầu tư bài bản đã góp phần lớn vào việc thúc đẩy du lịch phát triển. Các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa từ đó cũng không ngừng nâng lên về cả số lượng lẫn chất lượng.
Ngoài các đơn vị kinh doanh vận tải công lập do Nhà nước quản lý (Bến xe thành phố, các hợp tác xã kinh doanh vận tải), thành phố cũng quan tâm kêu gọi xã hội hóa để mở rộng và phát triển các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ vận chuyển chất lượng cao, tạo thuận lợi cho du khách di chuyển từ khắp các tỉnh, thành đến Đà Lạt. Đà Lạt hiện cũng có 7 hãng xe, 1 hợp tác xã với khoảng 1.100 xe taxi chủ yếu phục vụ du lịch...
Theo thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, giai đoạn 2017-2020, du lịch Đà Lạt đón khoảng 20,9 triệu lượt khách tham quan, trong đó lượng khách quốc tế đạt 11,7% tổng lượng khách, mức tăng trưởng khách bình quân giai đoạn đạt 0,4%, ngày lưu trú khách bình quân đạt 2,2 ngày/khách, tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ trong cơ cấu GRDP toàn thành phố đạt 66,16%. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt ước khoảng 1.815.000 lượt, giảm 20,78% so cùng kỳ năm 2020.
Những kết quả đạt được hiện nay vẫn chưa phải là cái đích cuối cùng. du lịch Đà Lạt đã và đang tiếp tục đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển hơn nữa. Hiện thành phố đang dần hoàn thiện dự án mở rộng các nút giao thông, các tuyến đường vành đai, quy hoạch các khu du lịch, dịch vụ chất lượng cao... để mời gọi và níu chân du khách, để khi nhắc đến thành phố Đà Lạt thì với phần lớn du khách đều lưu luyến và nhận xét là một thành phố đáng đến du lịch.
Bài liên quan Có một Đà Lạt nồng nàn cùng mùa hoa dã quỳ 'Chill' đúng nghĩa tại 3 quán bar đậm chất Đà Lạt nhất Không cần xét nghiệm khi du lịch Đà Lạt nữa Những điểm chụp ảnh phong cách hoài cổ 'siêu sang' ở Đà Lạt