Thức dậy vào một buổi sáng sớm tinh mơ trên đỉnh Lang Biang (Đà Lạt, Lâm Đồng), ông Sơn vội thu chiếc lều thấm đầy những giọt sương sớm và chuẩn bị đi vào rừng kiếm đồ ăn cho ngày hôm nay. Từ khi chuyển lên đỉnh Lang Biang sống, ông đã quên mất dòng chảy của thời gian và cả những chuyện đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Tâm hồn của ông cũng trở nên bình yên và nhẹ nhàng hơn.
Thế nhưng, sự bình yên đó vẫn không thể giúp ông quên được những chuyến đi độc hành khám phá Trung Quốc trước đây. Đối với ông, đó là những chuyến đi mà ông đã dành cả cuộc đời để theo đuổi và chinh phục...
Trần Kim Sơn - gã du mục dành 30 năm để đi khám phá Trung Quốc
120 chuyến đi khám phá Trung Quốc
Trần Kim Sơn (62 tuổi) là một dân du mục chính hiệu. Ngày còn trẻ, ông từng làm hướng dẫn viên cho đoàn Don Bosco (một Hội dòng của Thánh Phanxicô Đệ Salê). Sau đó, ông tham gia vào đội Thanh niên xung phong Việt Nam du hành trong nước từ Bắc chí Nam. Đến năm 1995, ông bắt đầu hành trình đi khám phá Trung Quốc.
Ông Sơn cho biết Trung Quốc là một đất nước có sức hấp dẫn kỳ lạ trong ông. Chính vì thế, ông đã dành 30 năm để thực hiện 120 chuyến đi khác nhau để khám phá Trung Quốc:
“Đất nước này đã và đang có quá nhiều dây mơ rễ má với Việt Nam. Và hơn nữa, về mặt văn hóa, địa lý và lịch sử cũng có rất nhiều điều xứng đáng để tôi bỏ cả đời tìm hiểu”, ông chia sẻ.
Ông Sơn bắt đầu đến chuyến hành trình khám phá Trung Quốc - đất nước rộng lớn lần đầu tiên vào năm 1995. Đa số các chuyến đi, ông thường lựa chọn hình thức di chuyển bằng xe lửa liên vận quốc tế. Thông thường, người đàn ông này sẽ di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội bằng máy bay để đón xe lửa đến thành phố Nam Ninh (Trung Quốc). Sau đó, từ Nam Ninh, ông bắt xe khách liên tỉnh để di chuyển đến các địa phương khác nhau của Trung Quốc.
Ông Sơn đã thực hiện hơn 120 chuyến đi để khám phá Trung Quốc với rất nhiều vùng đất khác nhau.
Đối với ông, Trung Quốc là một quốc gia vô cùng rộng lớn mà ông có giành cả đời để đi cũng không thể khám phá hết được. Mỗi lần đến đất nước đông dân này, ông lại khám thêm nhiều điều mới mẻ. Trong 120 chuyến đi đến Trung Quốc, ông đã đi hầu hết các tỉnh thành lớn bé. Ở mỗi nơi đi qua, ông thường tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về văn hóa, địa lý, lịch sử, ngôn ngữ địa phương ở các vùng miền.
Vốn là dân du mục nên ông Sơn rất thích khám phá những vùng đất, địa phương ít người biết đến ở Trung Quốc. Ông cho biết các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô ở Trung Quốc đều không ấn tượng và chỉ dành cho những ai muốn đến để mua bán, kinh doanh. Những địa phương cách xa các thành phố lớn mới là nơi ông thực sự muốn đến để khám phá.
“Nếu nhưng ai muốn đi để khám phá Trung Quốc với những vùng đất bao la thì luôn có vô số những nẻo đường đang chờ đón bạn. Những nẻo đường không những tuyệt đẹp và lãng mạn mà còn luôn ẩn chứa những điều thú vị đầy bất ngờ”, ông Sơn chia sẻ.
120 chuyến đi dài đến những vùng đất xa lạ ở Trung Quốc luôn khiến ông Sơn cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp và đáng sống hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, những chuyến đi dù sướng hay khổ, dù vui hay buồn còn giúp ông quên đi những ngày tháng quay cuồng với áp lực trong cuộc sống. Đến tận giờ đây, những trải nghiệm và cảm xúc trong các chuyến đi đó luôn sống mãi trong ông và thường trỗi dậy mãnh liệt mỗi khi ông nhớ về.
Nhớ về Tây Tạng...
Đối với ông Sơn, Tây Tạng là vùng đất đầy bí ẩn của Trung Quốc. Vốn dĩ là một người yêu thích Phật giáo nên ông càng hứng thú với vùng đất này. Trong một lần tình cơ, ông đọc được cuốn sách “Seven 7 years in Tibet” – một cuốn sách viết về hành trình khám phá Tây Tạng của một vận động viên leo núi nổi tiếng từng đoạt giải Olympic người Áo. Và cuốn sách này đã khơi dậy sự tò mò về xứ Tây Tạng bấy lâu nay trong ông.
Năm 2000, ông bắt đầu thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Tây Tạng. Cho đến tận bây giờ, ông Sơn vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất này, dù trước đây đã tìm hiểu rất nhiều về Tây Tạng qua sách vở nhưng lần đầu tiên đến đây, trong lòng ông vẫn trao dâng vô số cảm xúc khó tả.
Tây Tạng là vùng đất khiến ông Sơn có nhiều cảm cảm xúc khó tả
Ông Sơn cho biết, lần đầu tiên đến Tây Tạng, ông đã bị choáng ngợp trước rất nhiều núi tuyết trắng xóa, xa ngút tận chân trời. Không chỉ sở hữu những dãy núi tuyết khổng lồ, địa hình vùng đất này còn có rất nhiều thung lũng sâu, sông băng và sa mạc.
Theo lời kể của ông Sơn, Tây Tạng là vùng đất Phật nên có rất nhiều tu viện lớn nhỏ với vô số những vị Lạt Ma đang ngày đêm tu học và thường dành nhiều thời gian cho thiền định để chiêm nghiệm về Phật Pháp. Họ chiêm nghiệm cả đời người để có thể thấu hiểu và thấm nhuần triết lý của Phật .
Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh thiên nhiên và các tu viện, người dân Tây Tạng cũng là một điều rất đặc biệt và ấn tượng ở vùng đất này. Ông Sơn cho biết, ông đã thực sự kinh ngạc trước khả năng chịu lạnh và thích nghi với độ cao của người Tây Tạng. Mãi về sau, qua tìm hiểu ông mới biết gen của họ đã thay đổi để thích ứng với điều kiện sống. Và đây cũng là trường hợp biến đổi gen duy nhất trên thế giới.
Cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Tạng
Khác với người dân ở các địa phượng khác của Trung Quốc, đời sống tinh thần và tôn giáo của người Tây Tạng khá đơn giản và mộc mạc . Họ chủ yếu bằng nghề làm nông hoặc du mục. Đặc biệt, tất cả người dân vùng đất này đều có một niềm tin mãnh liệt với Phật giáo. Họ xem các Lạt Ma là những đấng bề trên siêu phàm và sẵn sàng hi sinh nhiều của cải cá nhân cho các tu viện.
Người dân Tây Tạng luôn phải đối phó với tai họa như: bão tuyết, mưa đá, dịch bệnh,... nên cuộc sống hàng ngày của họ rất khó khăn. Để được cuộc sống an bình, người nông dân và du mục Tây Tạng hàng ngày đều cầu kinh khấn Phật phù độ cho gia đình, mùa màng và gia súc.
Nhớ về Tây Tạng, ông Sơn còn nhớ về những lần suýt bỏ mạng ở đây vì những cái lạnh thấu tận xương tủy hay những lần choáng váng vì thiếu oxy khi lên những đỉnh đèo 5, 6 nghìn mét. Không chỉ dừng lại ở đó, Tây Tạng còn là một nơi cô vắng lặng đến rợn người khiến ông cảm thấy lạc lõng, cô đơn đến mức cùng cực ở nơi xứ lạ quê người.
Ông Sơn đứng giữa khung cảnh những ngọn núi tuyết ở Tây Tạng
Cứ mỗi lần nhớ lại ký ức trong những chuyến độc hành khám phá Trung Quốc trong quá khứ, ông Sơn như được sống lại với những kỷ niệm ngọt bùi đắng cay trong cuộc đời. “Cảm xúc của những gì đã trải qua còn khiến trong tôi dâng trào nỗi ước vọng muốn được quay về quá khứ để được gặp lại những người đã từng gặp gỡ hoặc cùng tôi đồng hành trong những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm không bao giờ quên được", ông Sơn chia sẻ.
Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ông Sơn phải dừng lại những chuyến đi khám phá Trung Quốc của mình. Trong khoảng thời gian bị dịch giữ chân này, ông tranh thủ luyện tập sống với cái lạnh trên đỉnh Lang Biang (Đà Lạt) để chuẩn bị cho một chuyến hành trình khám phá cuối năm.
Ông Sơn cho biết, ông đang thành lập một nhóm du hành chuyên nghiệp để thực hiện những chuyến đi du lịch thách thức bản thân ở trong và ngoài nước. Cuối năm nay, nếu dịch Covid-19 ổn định, ông sẽ thực hiện chuyến leo núi, cắm trại, quay phim chụp ảnh trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam vào mùa đông trong vòng 1 tháng.
Dù đã lớn tuổi nhưng người đàn ông này vẫn luôn tràn đầy sức sống và năng lượng cho những chuyến đi của mình. Ông luôn xem những chuyến khám phá là những lần ông đang hoàn thành nốt những giấc mộng để đời đã từng khát khao từ thuở còn là một gã du mục đầy mơ mộng.
Đọc tin mới nhất hôm nay.
Bài liên quan Hành trình du lịch Tân Cương của cô gái Việt: Trải qua 30 lần xét nghiệm Covid-19 Cô gái 'phượt' xuyên Việt bằng xe đạp chỉ mang theo 3 triệu đồng U23 bỏ việc nghìn đô để phượt xuyên Việt: 'Chắc nhiều người nghĩ mình điên lắm!'