Những ‘trinh nữ tế thần’ trong các đền thờ Nhật Bản

Các cô gái gác đền đều là các trinh nữ và phải giữ gìn trinh tiết, nhằm thể hiện sự thành kính đối với thần linh.


Những ‘trinh nữ tế thần’ trong các đền thờ Nhật Bản

Bất kỳ du khách nào khi đến các đền thờ Shinto (Thần đạo) ở Nhật Bản, sẽ đều thấy thấp thoáng ít nhất bóng dáng của một cô gái trẻ, mặc hakama đỏ (quần ống rộng) hoặc váy đỏ, áo kimono trắng (hoặc áo khoác) và buộc tóc. Đó chính là miko – những cô gái được gọi bằng cái tên “trinh nữ tế thần” hoặc Vu nữ, theo Japan Visitor.

Những ‘trinh nữ tế thần’ trong các đền thờ Nhật Bản

Các Vu nữ (nữ pháp sư) bắt buộc phải là các trinh nữ, có nhiệm vụ chăm sóc ngôi đền. Ảnh: Pinterest.

Hình ảnh trẻ trung, xinh đẹp của các cô gái thường là điểm gây ấn tượng khó quên đối với du khách. Trong các bộ phim hay truyện tranh Nhật Bản, nhân vật Vu nữ khi xuất hiện thường đem lại cảm giác bí ẩn, thích thú. Họ mang theo năng lực siêu nhiên, một phần do liên quan đến công việc coi sóc đền thờ của mình. Trong bộ truyện tranh nổi tiếng Thủy thủ Mặt trăng, thủy thủ sao Hỏa Rei Hino cũng là một Vu nữ. Do vậy, cô có khả năng sử dụng bùa chú và tiên tri.

Ngoài đời thực, các Vu nữ cũng đảm nhiệm công việc như thực hiện các nghi lễ, ra quẻ bói, lên đồng… Nếu may mắn, bạn có thể chứng kiến cảnh họ nhảy múa các điệu truyền thống gọi là miko-mai. Từ thời Minh Trị, Vu nữ trở thành những người làm việc trong đền thờ, trợ giúp các hoạt động cúng lễ ở đây.

Có nhiều Vu nữ dành cả cuộc đời mình để dâng hiến cho thần thánh và không lấy chồng, hoặc truyền từ mẹ sang con. Ảnh: JPV.

Trong quá khứ, các Vu nữ được coi là những nhân vật đại diện cho tôn giáo và chính trị có quyền năng to lớn ở Nhật Bản. Tuy nhiên ngày nay, Vu nữ chỉ còn làm nhiệm vụ hỗ trợ trông coi đền.

Trước đây, họ cũng bắt buộc phải giữ gìn trinh tiết, thể hiện sự thành kính với các vị thần. Khi lấy chồng, họ sẽ buộc phải từ bỏ công việc trên. Theo thời gian, tục lệ này dần bị bãi bỏ. Một nghiên cứu của viện Đông Bắc Á cho biết, nhiều Vu nữ sau này khi kết hôn vẫn tiếp tục công việc của mình. Họ bắt đầu công việc từ khi 7 tuổi và làm cho tới khi kết hôn.

Các Vu nữ đang thực hiện điệu múa truyền thống miko-mai. Ảnh: Pinterest.

Có ba loại Vu nữ. Đầu tiên là các nhân vật coi sóc đền thờ. Loại thứ hai là những miko thời vụ. Họ là các sinh viên đại học, thường đến làm việc trong một thời gian ngắn (thường là vào các mùa lễ hội, năm mới, khi đó đền thờ đông khách). Họ được đào tạo bài bản nhưng không tham dự các nghi lễ. Loại thứ ba là những cô gái còn rất trẻ, thường là các bé gái đang học tiểu học. Nhiệm vụ của các bé là thực hiện điệu miko-mai tại các ngôi đền hàng năm. Thông thường, mỗi năm sẽ có một bé gái được lựa chọn.