'Q thật đó!' và những bí mật thú vị trong cách người Đài Loan bản địa khen đồ ăn ngon

Khi hoàng hôn bắt đầu ở chợ đêm Lehua, cũng là lúc những bóng đèn huỳnh quang của các sạp hàng ăn nhấp nháy, chủ sạp hàng phải hoạt động hết công suất. Tất cả đều diễn ra nhanh chóng vì họ phải phục vụ nhiều thực khách đói bụng, đang tìm kiếm cho mình bữa ăn ngon miệng ở một nơi được mệnh danh là thiên đường ẩm thực châu Á: Đài Loan.

'Q thật đó!' và những bí mật thú vị trong cách người Đài Loan bản địa khen đồ ăn ngon

Đi khắp nơi, người ta chỉ thấy những chồng chả cá cao ngất cùng thứ sốt chua ngọt ăn kèm. Ở chỗ bán chè, những nồi chè với trân châu sôi lục bục, hấp dẫn cả những thực khách khó tính nhất. Rồi có cả trứng hấp sò điệp, hay khoai lang chiên... đều được bày ra ở vị trí đẹp nhất, khiến không ai là không chảy nước miếng.

Chỉ cần cắn một miếng thôi, ta ngay lập tức ngây ngất với cái ngon mà nó để lại trong khoang miệng. Nhưng cảm giác đó có thể gọi là gì? Trơn tuột xuống tận họng? Dai dai? Dẻo quánh? Thực tế thì không có một từ chính xác mô tả điều này trong từ điển của nhiều nước.

Nhưng may mắn thay, người Đài Loan lại có một “từ” riêng cho kiểu kết cấu đặc biệt, chỉ có được khi ăn những món được làm từ bột gạo này. Hay nói đúng hơn, nó là một chữ cái hết sức quen thuộc với cả người không nói tiếng Trung.

Đó là “Q.”

"Thật không có cách nào để giải thích tường tận, Q nghĩa là gì", đó là lời của ông Liu Yen-ling, quản lý ở Chun Shui Tang, một chuỗi nhà hàng nổi tiếng tự cho mình là nơi đầu tiên bán trà sữa trân châu ở Đài Loan. "Về cơ bản nó có nghĩa là hiểu là kiểu dẻo dẻo, dai và nhẵn bóng."

Cũng giống như từ "unami" khi người Nhật nói về vị ngon, hay người Ý nói “al dente” cho một đĩa mì Ý tuyệt hảo, chứ “Q” chính là thứ mà người ta tìm kiếm cho một món ăn ngon. Khắp Đài Loan, chữ "Q" luôn xuất hiện với những kí tự tiếng Trung khác trên bảng hiệu ở mọi quán ăn, cửa hiệu đồ ăn.

Vậy ta ăn gì để có thể nếm được vị “Q”? Hầu như các món ăn Đài Loan, từ mì, trân châu hay viên chả cá đều phải chế biến hoàn hảo để đạt đến “Q” hay “QQ” (còn dai ngon hơn cả Q).

"Trà sữa có ngon hay không thì còn phải xem viên trân châu ‘Q’ đến thế nào," ông Liu nói. "Nếu kết cấu đạt đến độ hoàn hảo, thì đúng là chả còn gì để chê nữa."

Ông André Chiang, một đầu bếp từng được nhận sao Michelin và đồng thời là chủ sở hữu của nhà hàng RAW ở Đài Bắc, nói rằng trong thời gian gần đây, ông đã “thử nghiệm” các món ăn mới mang kết cấu này tại nhà hàng của mình, vốn chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Đài Loan.

"Nó vừa giống mà lại vừa không giống al dente (Mì ý được nấu chín, nhưng vẫn phải cứng ở lõi)” ông Chiang nói. "Chỉ khi ăn, ta mới biết được điều đó, nhưng nếu nói hẳn ra, thì ‘Q’ dai và ‘nảy’ hơn."

Không chỉ ở Đài Loan, nhiều người ở Hồng Kông và vùng duyên hải Trung Quốc cũng sử dụng “Q”. Thậm chí tại Đại Lục còn có một ứng dụng nhắn tin mang tên “QQ”, xuất phát từ chính cụm từ này.

Ở các nước châu Á khác, “Q” được tìm thấy trong rất nhiều món ăn như tteok-bokki, món bánh gạo xào trứ danh của Hàn Quốc, hay bánh dẻo mochi truyền thống Nhật Bản. Trong ẩm thực phương Tây, ta ít bắt gặp thứ kết cấu này trong các món ăn. Một số có thể điểm qua là kẹo dẻo và mì ống cũng khá là “Q”.

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ Q ra đời từ đâu. Một số cho rằng nó xuất phát từ cách đọc chữ “kiu” trong tiếng Phúc Kiến của Đài Loan. Nếu hỏi một người Đài Loan lớn tuổi, họ chắc chắn sẽ nhận ra từ trên, nhưng cũng không thể giải thích tại sao đến giờ nó lại dùng để chỉ cảm giác trơn trượt, dẻo của những viên trân châu ngọt ngào trong trà sữa.

Trong tiếng Trung, “Q” có rất nhiều ý nghĩa, nhưng không ai lại dùng nó để nói về món ăn. Ví dụ, rất nhiều người ở Đại Lục và Đài Loan biết đến 阿 Q (AQ), nhân vật chính trong AQ Chính Truyện, một trong những tác phẩm để đời của nhà văn Lỗ Tấn.

Ngay sau khi được xuất bản vào năm 1920, AQ đã trở thành biểu tượng cho sự tụt hậu của Trung Hoa thời phong kiến. Trong truyện, người kể cũng có nói với độc giả, ông không biết cái tên AQ đến từ đâu, thì một số học giả nói rằng Lỗ Tấn dùng chữ này để ám chỉ bím tóc đuôi sam mà những nhà cầm quyền gốc Mãn đã bắt người Trung Quốc phải mang trong thời gian trị vì của họ.

“Dù 'Q' có được công nhận là Hán tự hay không, thì giờ nó đã trở thành một phần trong hệ thống chữ viết Trung Quốc,” theo lời Victor Mair, giáo sư ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, khi ông nêu nhận định trên trong một bài blog.

Với người Đài Loan, kết cấu “Q” đã thành chuẩn mực của cái ngon ngay từ khi họ còn nhỏ. Và khi được hỏi tại sao “Q” lại được yêu thích đến thế, chủ một sạp hàng ăn có tên Lu Wei-chen trả lời lúc đang bán kẹo dẻo cho khách:

“Chỉ đơn giản khi ăn, anh thấy ngon là được.”