Xin Visa và những thủ tục liên quan cần phải chú ý
Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm xin giấy thông hành để các bạn có thể "vượt biên" một cách trọn vẹn nhé. Trước đây, mình đã từng đi du lịch nhiều nơi, đến với nhiều quốc gia khác nhau. Từ visa các nước trong cộng đồng Schengen (Châu Âu), rồi đến nước Nhật Bản mình đều có. Thế nên lần này, mình đến Taiwan chỉ cần làm visa online tầm 30 phút, đặc biệt là không tốn phí nhé, chỉ phải đợi một thời gian thôi họ sẽ gửi hồ sơ về.
Mình sẽ update một số thông tin hữu ích cho một số bạn muốn xin visa đi Taiwan, click vào link để xem chi tiết nha: "Kinh nghiệm xin visa và nhập cảnh Đài Loan cho team gà mờ"
Di chuyển
Mình bay thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất qua Cao Hùng, thời gian di chuyển mất khoảng 3h30p. Hãng hàng không mình chọn lựa để đi là Vietjet Air, tùy theo từng thời điểm và hãng hàng không nên giá vé cũng thay đổi, vì thế hãy thường xuyên cập nhật tình hình giá vé trên các trang web để có thể "săn lùng" những tấm vé chất lượng nhất nhé.
Phương tiện di chuyển ở Đất Đài
Nếu đã qua Taiwan chơi thì nhất định phải thử cảm giác đi những chuyến tàu điện ngầm dưới lòng thành phố, giá vé cũng rẻ hơn những phương tiện công cộng khác. Taxi ở bên Đài Loan cũng là một phương tiện di chuyển khá ổn, giá của mỗi kilomet cũng rõ ràng, cước phí chỉ đắt hơn ở Việt Nam mình một chút thôi.
Khi đã dạo quanh thành phố xong, mình lại bắt tàu cao tốc đến những tỉnh khác, nhanh và đỡ mệt hơn di chuyển bằng xe buýt.
Hiểu trọn Taiwan qua những cú "NHÁY"
Lịch trình của mình khá bộn bề, thế nên mình sẽ review một số địa điểm nhất định phải đi cho những freelancer nếu chưa biết đất Đài có những gì. Hi vọng những điều mà mình chia sẻ và một bộ album xuất thần của mình sẽ truyền được cảm hứng đến các bạn.
1. Phật Quang Sơn một ngày mưa
Ngã hồn vào chiều sâu bên một thái cực an yên và thanh tịnh của những ngày mưa giông ở Cao Hùng, mình tìm đến ngôi chùa đang lưu giữ những thánh vật lưu ly của nhà Phật - Chùa Quang Sơn. Nơi đây như một bảo tàng dành cho tín đồ nhà Phật vậy. Hôm mình đi, trời nặng nhẹ những hạt mưa nên khách du lịch cũng không đến nhiều.
Lối kiến trúc đậm nét Đông Phương gây ấn tượng mình bởi cái nhìn đầu tiên, những đường nét chạm trổ, gân guốc, uyển chuyển xuất hiện trên những bức tường kèm theo đó là khuôn viên rộng rãi cùng những pho tượng phật bằng đồng hay những bậc tam cấp bằng đá hoa cương làm ngôi chùa trở nên sáng lạng.
Cái không khí an nhiên đan xen đó là tiếng mõ chuông, đôi lúc lại khiến mình cảm giác chiêm nghiệm và muốn 1 phút buông bỏ những thứ trần tục của cuộc sống để được một lần an yên. Nếu là một tín đồ mộ đạo thì hãy đến với chùa Quang Sơn, rất đáng để thử nhé!
2. Bên Hồ Bán Nguyệt phiên bản Đài Loan
Một nơi có khí hậu trong trẻo và an lành nhất Đài Loan, thích hợp là một điểm đến của những tuýp người có châm ngôn sống Fresh như mình. Lại lác đác vài hạt mưa, tiết trời mùa thu se lạnh, rồi kèm theo cái không khí ương ẩm làm mặt hồ hòa vào nền trời mở ra một khoảng không vô lượng đến khó hiểu.
Đi một hồi thì mình lại phát hiện ra một ngôi miếu nên vào xem thử có gì, người dân ở đây gọi là miếu Quang Công. Gọi là miếu nhưng lại có lối kiến trúc như một ngôi chùa với những trụ cột cao và hoa văn được chạm trổ tỷ mỉ.
Thong dong đến những ngôi làng quanh hồ mới nhận ra cảnh sắc ở đây hữu ý lắm. Nhưng có điều người dân chỉ được phép dạo quanh làng và không được vào tham quan những khu vực ở trên, chắc có lẽ liên quan đến khu vực chính trị. Gần bờ hồ còn có những bến thuyền phục vụ du khách, trời tạnh mưa nên dại gì không mua vé leo lên thuyền dạo một vòng chứ.
3. Đồi chè
Đài Loan nổi tiếng với danh xưng thủ phủ của các loại trà, trong đó có matcha và trà ô long. Mình lại có cơ hội ghé thăm những đồi chè xanh mát mắt. Những luống chè xanh ươm, tươi tốt dưới nắng trời, thời điểm mình đi người dân chưa thua hoạch nên mấy đọt chè non vẫn còn xanh mơn mởn.
Bên cạnh những đồi chè là khu vực triển lãm và bày bán những sản phẩm chiết xuất, sơ chế từ chè, những sản phẩm được sấy khô có giá 1tr500k - 3tr/100g, sở dĩ có giá như vậy vì trà Đài Loan nức tiếng nhất vùng và có thể sánh ngang với các loại trà của Nhật Bản.
4. Đầm Liên Trì ở Cao Hùng có tháp Long Hổ
Tiếp tục hành trình ở Cao Hùng là một địa điểm cũng được truyền tụng ở Đài Loan đó là Đầm Liên Trì, nơi có tòa tháp Long Hổ chiếm lĩnh cả một vùng hồ.
Đúng như tên gọi của nó, 2 tòa tháp sừng sững bên cạnh hồ sen (lúc mình đi sen đã tàn hết rồi, chứ tới mùa là ngợp thở luôn với mùi của hoa sen) một tòa được canh giữ bởi một con Rồng, một tòa được canh giữ bởi một con Hổ. Tiết trời hôm nay, nắng đẹp nên người du lịch cũng đến nhiều hơn, họ đến cầu nguyện, tham quan và thư giãn, nói chung là đông như trẩy hội ấy.
Phía bên trong là một phần chính của tháp Long Hổ. Người Đài thích màu đỏ, kết hợp 2 dòng văn hóa của Trung Quốc, Nhật Bản và tín ngưỡng Khổng Tử thế nên những ngôi chùa hay miếu đều có những nét tương đồng giống nhau.
5. Làng Thập Phần
Ở Đài Loan nổi tiếng với 2 ngôi làng cổ vẫn còn lưu giữ những nét tinh hoa vốn có của quần đảo phát triển phồn thịnh này, đó là làng cổ Thập Phần và làng cổ Cửu Phần. Lần đi này, mình chỉ kịp ghé đến làng Thập Phần, cũng muốn ghé đến làng cổ Cửu Phần nhưng lại không có thời gian, nên tiếc lắm.
Nói một chút về làng cổ Thập Phần, ẩn mình giữa những khu đô thị sầm uất mang một dáng vẻ hoàn toàn đối lập, nhưng nơi đây vẫn giữ được những nét truyền thống, những ngành nghề cổ xưa từ đó vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cuộc hành trình ở làng Thập Phần của mình thêm phần hấp dẫn khi được một người bạn "lạ" chỉ tới nơi thả hoa đăng.
Cũng thật sự muốn một lần "sân si" với đời, bất chấp thời tiết nắng nóng rửng mỡ xếp hàng đợi mua một chiếc đèn hoa đăng, viết lên vài lời cầu nguyện, thả vào không trung hi vọng được linh ứng. Rồi lại di chuyển tiếp đến mấy địa điểm khác, trong đó có nhà ga mang vẻ hoài cổ, lãng mạn đẹp muốn xỉu.
6. Công viên địa chất Dã Liễu ở Đài Bắc
Trên chuyến xe từ đến Đài Bắc, mình đã bắt đầu cảm thấy sự oi bức của cái nắng giữa thu. Địa điểm tiếp theo đó là công viên địa chất Dã Liễu. Điều kì lạ ở đây đó chính là những mỏm đá lởm chởm có hình thù kì quái, nằm sát bờ biển.
Các phiến đá như những cây nấm, theo thời gian bị bào mòn bởi gió và thời tiết quanh biển, đi lạc vào đây cũng giống như dấn thân vào vùng đất của ngôi làng Hobbit đầy rẫy những bí ẩn. Đi lúc giữa trưa nên mình cảm nhận cái nóng gay gắt hắt lên từ biển, nên nhanh chóng chụp lại những bức ảnh rồi di chuyển vô trong.
7. Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch
Chắc mình không nói gì nhiều về địa điểm du lịch này đâu, vì ắt hẳn mỗi khi nhắc đến du lịch ở Đài Bắc thì ai cũng nghĩ đến khu du lịch Tưởng Giới Thạch đầu tiên.
Thế nên, một cái "hệ lụy" rõ ràng nhất là ở đây người du lịch đông như đi hội, nhất là mấy đoàn tour đến từ khắp nơi, à mà cũng nhiều người Việt Nam đến đây du lịch lắm.
8. Long Sơn Tự nơi thờ Phật Quan Âm
Phật Quan Âm cũng được người Đài Loan thờ phụng như một biểu tượng riêng chẳng kém cạnh với các vị la hán khác, nên việc đi đến đâu cũng bắt gặp một khu đền thờ phật Quan Âm là điều hiển nhiên, chùa mình ghé đến có tên Long Sơn Tự, không rộng rãi và chiêm nghiệm như những nơi khác, nhưng ở đây vẫn giữ được nét thanh tịnh và trang nghiêm của một ngôi chùa.
Gần đó có một khu chợ trời giữ lòng thành phố, thong dong những bước chân trong chợ dưới cái nắng oi ả tự nhiên gặp quầy bán dưa hấu cảm giác mát lạnh lại tràn về.
9. Chợ Đêm Lục Hợp, Chợ đêm Phùng Giáp và Chợ Đêm Tây Môn
Giữa lòng thành phố với những dãy nhà cao tầng đồ sộ hòa lẫn với những bảng hiệu đủ màu sắc là những khu chợ đêm sầm uất tại Đài Loan. Một trong những nét đặc trưng ở đất Đài vào ban đêm đó chính là những khu phố ăn - chơi tấp nập người. Mỗi khu chợ lại có một nét riêng nhưng chung quy lại, khu nào cũng vui hết nấc.
Những khu chợ càng thêm nhộn nhịp khi những người bạn bè của họ tụ tập lại với nhau vào mỗi tối, ăn chơi, rượu chè có chừng mực. Nhiều món đồ "xịn sò" cũng được bày bán khắp chợ, đặc biệt là kệ hàng ẩm thực, thì không có chỗ nào sánh bằng những khu chợ đêm ở Đài Loan đâu nhé.
Phía dưới chợ đêm Lục Hợp là cả một hệ thống trạm tàu địa ngầm hoành tráng, cân sức với các món ăn ngon - bổ - rẻ ở chợ xong lại xuống trạm tàu du hành đến những địa điểm khác.
5. Ăn gì ở Đà Loan?
Đài Loan nổi tiếng không chỉ những món hào sảng ăn là nghiện, mà nơi đây còn là thiên đường ẩm thực dành cho những người có quan niệm "có thực mới vực đạo" như mình đây. Ta nói, đếm những khu phố ẩm thực như muốn nuốt trọn từng khoảnh khắc vậy, không có chỉ mùi thơm nồng xộc lên làm lân lân cả sống mũi, mà cả về hình thức trình bày khéo léo hút trọn ảnh nhìn.
Những thức ăn ngon và rẻ thì tập trung nhiều ở các khu chợ trời và các khu chợ đêm, trong đó có chợ Lục Hợp, chợ Phùng Giáp, thức ăn ở đây vừa đảm bảo mà ngon hơn nhiều ở trong các quán nữa đấy.
Taiwan ở một khía cạnh khác, một khía cạnh mà ở đó là những hình ảnh nhẹ nhàng và an nhiên hơn những review trước. Những chuỗi ngày nắng muốn gục ngã, mưa muốn não lòng và ăn muốn "sập" chợ lần này của mình cán mốc 16tr /người.
Thực hiện: Cao Kỳ KhôiNguồn: Nguyen Quang Tam
Nguồn : tripnow.vn