Dù không nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, Tường thành Nam Kinh lại là bức tường bảo vệ nội đô dài nhất thế giới.
‘Vạn Lý Trường Thành’ thứ hai ít người biết ở Trung Quốc
Là nơi thu hút đông đảo khách du lịch, Vạn lý Trường Thành đã trở thành một biểu tượng kiến trúc tự hào của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là bức trường thành duy nhất của nước này, theo BBC.
Ở thành phố Nam Kinh, tây bắc Thượng Hải, có một “Vạn Lý Trường Thành” khác tọa lạc bên bờ sông Dương Tử. Chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, công trình này là bức tường thành quây tròn dài nhất thế giới.
Tường thành Nam Kinh ngày nay. Ảnh: Pinterest.
Tường thành Nam Kinh được xây dựng trong khoảng năm 1366 tới 1386 nhằm bảo vệ cố đô của triều nhà Minh. Khoảng 200.000 công nhân xây dựng thành trì này trong 21 năm và vận chuyển gần 7 triệu mét khối đất.
Chu Nguyên Chương, Hoàng đế đầu tiên của triều Minh, đã ban lệnh cho dân khắp năm tỉnh lân cận phải sản xuất gạch xây thành, mỗi viên nặng khoảng 2,7 kg, theo China Travel Guide.
Đặc biệt, mỗi viên gạch đều ghi lại các thông tin như nơi chế tác, viên quan chịu trách nhiệm, hay người thợ làm ra chúng. Nhờ đó, hơn 300 triệu viên gạch đắp Tường thành Nam Kinh trở thành bộ tài liệu lịch sử về xây dựng lớn nhất thế giới. Chúng gắn kết bằng một hỗn hợp đông đặc gồm vôi, nước gạo và dầu tùng. Chiều cao bức tường đạt từ 14 đến 20 mét, rộng 14 mét. Trên đỉnh có 13.616 lỗ châu mai để phòng thủ.
Bức tường thành quây tròn dài nhất thế giới này bao bọc một vùng rộng hơn 5.400 hecta nội đô Nam Kinh. Bức tường ban đầu dài gần 35 km; ngày nay còn sót lại gần 21 km.
Trang Travel Guide China chỉ ra Tường thành Nam Kinh được xây dựng theo phong cách truyền thống kết hợp khung cảnh non nước tự nhiên của thành phố. Bức tường thành cổ vẫn đứng vững là minh chứng cho trình độ quy hoạch đỉnh cao của người Trung Quốc xưa, cũng như phản ánh sự phồn hoa của các kinh đô cổ.
Ngày nay, du khách tới Nam Kinh có thể tham quan bức tường thành cổ tại 6 phần mở cửa cho công chúng: 6 km từ Trung Hoa Môn tới An Môn, 2 km từ cổng Zhong Shan tới đường Đông Guanghua, 6 km từ Đông Thuỷ Quan đến Tây Thuỷ Quan, 1 km từ núi Qing Ling đến Vườn Quốc phòng, 4 km từ cổng Ding Huai đến núi Sư Tử, và 2 km từ đường Zhong Fu đến cổng Zhong Fang.
Trung Hoa Môn là cổng phía nam, nằm ở phía bắc sông Tần Hoài với dấu tích còn lại của ba cung điện lớn liền kề. Khu vực phía đông của bức tường bao quanh Đông Thuỷ Quan đã được phát triển thành một công viên lớn.
Đông Thuỷ Quan ngày nay. Ảnh: Nanjing Travel.
Vũ Môn là trạm cuối trên đường đi dành riêng cho hoàng đế Minh triều, dẫn vào cung ở phía bắc Đông Thuỷ Quan. Ngày nay, một không gian xanh được mở ra trên nền cung điện cổ, với một cổng chào, hào nước, tàn tích của đàn tế trời, và một bức tường đá với tranh điêu khắc của các loài sinh vật huyền thoại từ đời Minh. Công viên giờ đây tràn đầy sức sống với những môn sinh Thái Cực Quyền tập luyện mỗi ngày.
Tiếp tục đi ngược chiều kim đồng hồ dọc theo lối đi trên tường thành, cổng Taicheng mang đến một tầm nhìn bao la về một phía hồ Huyền Vũ ở trung tâm thành phố, phía bên kia là một ngôi đền cổ xưa đứng kế tòa tháp chọc trời Zifeng.
Tại điểm cực bắc của tường thành là cửa ngõ được hoàn thiện nhất, An Môn. Nằm ngay phía bắc của hồ Huyền Vũ, pháo đài này là một khu vực quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự tò mò của công chúng trong hơn bảy thập kỷ qua. Đây cũng là cánh cổng duy nhất có tháp canh.