Đối với người Việt Nam, Tết Trung Thu được coi là Tết truyền thống lớn thứ 3 trong một năm, chỉ sao Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ. Theo như phong tục từ xưa các cụ để lại, mỗi dịp Tết thì lại có những loại bánh đặc trưng riêng gắn liền với cây chuyện ra đời của ngày lễ đó. Ngay khi nhắc đến Trung Thu, bạn sẽ liên tưởng ngay đến chiếc lồng đèn ông sao năm cánh hay chiếc bánh nướng bánh dẻo thơm ngon. Còn gì tuyệt vời hơn là khi vừa ngắm trăng vừa thưởng thức ly trà nóng bên miếng bánh nướng bánh dẻo đậm đà. Người Việt Nam còn nói rằng Tết Trung Thu chính là Tết Đoàn Viên, là dịp để cả gia đình quây quần, sum vầy bên nhau quanh mâm cỗ Rằm Tháng Tám nhỏ xinh. Bánh Trung Thu ra đời đều có ý nghĩa riêng của chúng.
Thật ra, bánh Trung Thu chúng ta ăn bây giờ có nguồn gốc sâu xa từ đất nước Trung Hoa, do nước ta ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc nên loại bánh này dần dần ăn sâu vào đời sống tinh thần người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám, đã là người con Việt Nam thì sẽ không bao giờ quên mua những chiếc bánh dẻo, bánh nướng nhỏ xinh cúng bái bàn thờ tổ tiên, mang đi biếu họ hàng bạn bè. Vì thế bánh Trung Thu cũng đặc biệt không kém bánh chưng, Tết Đoàn Viên trở thành ngày lễ tết lớn thứ 3 trong một năm.
Theo như lời các cụ kể lại thì thời gian cuối triều nhà Nguyên Trung Quốc có hai người đứng đầu phong trào cùng nhân dân khởi nghĩa. Đó chính là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn, họ đã cùng tổ chức nông dân chống lại giai cấp thống trị tàn bạo. Để thuận tiện và bí mật việc truyền đạt thông tin và mệnh lệnh, người ta đã sáng tạo ra chiếc bánh hình tròn, trong nhân đều chứa tờ giấy thời gian khởi nghĩa, đúng vào ngày rằm tháng 8 âm lịch. Dần dần, loại bánh tròn này truyền tay nhau, trở thành phương tiện thông báo an toàn và hiệu quả. Từ đó người dâ Trung Hoa lấy hình ảnh chiếc bánh Trung Thu tượng trưng cho ngày Rằm Tháng Tám, một phần cũng để kỷ niệm sự kiện đó.
Hằng năm cứ vào ngày Rằm Tháng Tám là người thân, bạn bè tặng nhau những chiếc bánh Trung Thu nhỏ nhỏ xinh xinh với ý nghĩa chúc cho mọi điều may mắn, cuộc sống luôn viên mãn, tròn đầy như chính chiếc bánh này. Vì vậy mà bánh Trung Thu không chỉ là món ăn ngon mà còn là món quà mang giá trị tinh thần cao không thể thiếu trong ngày Tết Trung Thu này. Bánh Trung Thu được chia ra làm hai loại là bánh dẻo và bánh nướng.
Bàn riêng về bánh Trung Thu dẻo thì ý nghĩa thật sự sâu sắc, chưa chắc nhiều bạn đã hiểu rõ được cặn kẽ. Bánh dẻo có nguyên liệu chính được làm từ loại bột nếp trắng tinh khôi, bột bánh sẽ được nhào cùng đường ngọt và tinh dầu hoa bưởi dậy mùi thơm lừng. Mỗi chiếc bánh sẽ được đúc trong một khuôn gỗ vuông hay khuôn chất liệu nhựa tròn hình bông hoa đẹp mắt. Bên trong chiếc bánh dẻo này là nhân bao gồm hạt sen, đậu xanh tán nhuyễn, ngoài ra cũng có thêm trứng muối, đậm sắc thái truyền thống Việt Nam. Bánh dẻo hình tròn mang ý nghĩa tượng trưng hình ảnh vầng trăng rằm tròn vành vạnh, giống từ tình cảm gia đình đoàn viên bên nhau và đặc biệt là tình cảm khăng khít vợ chồng.
Dù đi đâu xa, sống tại nước ngoài nhưng mỗi khi đến dịp Tết Trung Thu, không chỉ trẻ nhỏ mà người già, người trẻ, người trung niên cũng vui vẻ háo hức. Đây là dịp mà bạn sẽ cố gắng sắp xếp gác lại hết mọi công việc bận bịu để trở về bên cạnh gia đình, đoàn tụ bên mâm cơm ấm áp, thưởng thức miếng bánh Trung Thu ngọt ngào đậm chất quê hương.
Bánh Trung Thu dẻo được đánh giá là dễ làm hơn nhiều so với bánh nướng. Tuy nhiên phần chuẩn bị nguyên liệu khá mất thời gian và lỉnh kỉnh. Cùng JAMJA’s BLOG điểm mặt những thành phần không thể thiếu khi muốn làm bánh Trung Thu dẻo chiêu đãi cả nhà nhé.
Trong các thành phần chính của một chiếc bánh Trung Thu dẻo trọn vẹn, nguyên liệu bột chính là quan trọng nhất, phần không thể thiếu sót. Yêu cầu cho loại bột dùng để làm bánh dẻo phải là bột gạo nếp đã được làm chín, có màu trắng không quá đục. Bột bánh cách làm cũng khá đơn giản, nổ chỗ gạo nếp thành bỏng, sau đó xay cho thật mịn, bột màu trắng mịn, hương thơm đậm chất gạo. Một khi bột bánh dẻo đã được làm chín thì bạn có thể ăn ngay mà không cần qua bươc làm chín nào nữa. Nếu bạn tự làm bánh dẻo ở nhà thì nên mua loại bột đặc biệt, chất lượng cao, thơm dẫn đến mẻ bánh thơm ngon nhất. Lời khuyên là không nên tự rang bột bánh dẻo tại nhà, bởi dễ chuyển sang màu vàng giống như thính. Hiện nay thị trường có bán đến 3 loại bột làm bánh Trung Thu dẻo mà chị em nên lưu vào ghi chú:
Bột làm bánh dẻo: là loại bột làm bánh Trung Thu truyền thống được người miền Bắc sử dụng nhiều nhất. Ưu điểm của loại bột này là có mùi thơm đặc trưng, không cần dùng đến tinh dầu hoa bưởi cũng được, tuy nhiên tinh dầu hoa bưởi khiến cho bánh tuyệt vời hơn. Thành phẩm bánh Trung Thu từ loại bột này sẽ thơm ngon, đậm nét truyền thống người Bắc từ xa xưa. Nhưng nhược điểm lại là bánh Trung Thu dẻo lại không được trắng tinh, màu bánh hơi đục đục ngà ngà, không được đẹp mắt lắm.
Bột bánh dẻo Sanh Ký: nhiều bạn miền Bắc sẽ không hề biết đến bột bánh dẻo Sanh Ký bởi đây là nguyên liệu người miền Nam làm bánh Trung Thu. Ưu điểm của chiếc bánh được làm từ bột Sanh Ký là màu trắng đẹp mắt, hấp dẫn, phù hợp để mang đi biếu họ hàng gia đình. Và nhược điểm lại là không thơm như loại bột người miền Bắc dùng, nên trong quá trình làm bánh dẻo không thể thiếu tinh dầu hoa bưởi.
Bột bánh dẻo sên nhân: đây cũng là nguyên liệu làm bánh có nguồn gốc từ loại bột nếp rang chín. Tuy nhiên bột bánh dẻo sên nhân không dùng để làm phần vỏ bánh mà lại dùng nhiều trong nhân bánh. Tác dụng của loại bột này chính là hỗ trợ nhân bánh luôn giữ dáng của mình, không bị bục hay chảy xệ khi vo thành viên tròn. Thêm vào đó bột bánh dẻo sên nhân còn giúp cho nhân ráo bớt dầu, không xuống dầu khi đang thực hiện đóng bánh.
Không khác bánh nướng, bánh dẻo cũng có thêm nước đường đun, nhưng đối với bánh dẻo thì nước đường đơn giản và làm không mất nhiều thời gian như bánh nướng. Bạn chỉ cần đun đường với nước theo công thức định sẵn, dùng được ngay khi nước đường trở nên nguội hơn. Hiện nay nhiều cửa hàng cũng bán hai loại đó chính là nước đường bánh dẻo truyền thống và loại từ Hàn Quốc dành riêng cho bánh dẻo. Mỗi loại đều đem đến ưu và nhược khác nhau.
Đối với bánh Trung Thu dẻo thì không thể bỏ qua được nước hoa bưởi. Đặc trưng của nước hoa bưởi chính là hương thơm dịu nhẹ, tạo mùi và sự hấp dẫn cho chiếc bánh dẻo. Trong quá trình làm bánh dẻo bạn chú ý cho thêm nước hoa bưởi vào bột bánh với lượng không quá nhiều, lượng lớn sẽ làm bột bánh và thành quả mùi hơi nồng, khi ăn sẽ không chuẩn vị. Tuy nhiên không cho nước hoa bưởi vào bánh dẻo cũng được, nhưng bạn sẽ đối mặt với việc bánh không có mùi thơm, hương vị không hấp dẫn.
Nhân bánh dẻo được chia làm hai loại là nhân chay và nhân thập cẩm. Đối với nhân chay là bao gồm đậu xanh, khoai môn, hạt sen, khoai lang,… Trong số này thì có lẽ đậu xanh được sử dụng nhiều nhất, trở thành nguyên liệu cơ bản để hòa trộn thêm nhiều loại nhân hương vị khác nhau. Từ chỉ loại nhân đậu xanh bạn có thể tạo nên nhân bánh dẻo cacao, cà phê, lá dứa thơm lừng hay từ hạt sen biến tấu thành nhân trà xanh. Hiện nay bánh Trung Thu dẻo cũng thêm một số biến tấu như nhân dâu tây, nhân cream cheese, nhân bánh flan,… độc đáo mới lạ.
Một loại nhân bánh dẻo truyền thống nữa chính là nhân thập cẩm. Làm nhân thập cẩm có khá nhiều cách và tùy theo sở thích mỗi người lại đem đến nguyên liệu khác nhau, cơ bản nhất vẫn bao gồm: mứt bí, hạt sen, hạt dưa, lá chanh, lạp xưởng, vừng, mỡ, xá xíu,… Thêm vào đó nước sốt cũng khá quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng cho chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm: mật ngô, xì dầu, dầu mẹ, rượu.
Trong những chiếc bánh Trung Thu dẻo được bán trên thị trường hiện nay nhân thường có thêm nguyên liệu trứng muối đem đến hương vị bánh độc đáo và mới lạ. Bạn hoàn toàn có thể tự làm trứng muối ngay tại nhà của mình, hoặc tiết kiệm hơn là mua trực tiếp ở chợ. Nếu trứng tự muối ở nhà thì nên làm trước thời gian làm bánh khoảng 20 đến 25 ngày. Trứng muối không cần lòng trắng, ngâm trong rượu một lúc, chắt bo rượu đi, trước khi nhồi nhân nên nướng cho trứng chín.
Như bạn thấy nhân bánh chay hay thập cẩm thì đều không thể thiếu đi các loại hạt ngũ cốc bên trong. Công dụng của các loại hạt này chính là tăng thêm hương vị thơm ngon của nhân bánh Trung Thu dẻo, quen thuộc nhất là vừng trắng, hạt dưa, hạt bí, vừng đen đã trải qua rang chín và bóc tách vỏ bên ngoài. Nhân bánh mà có thêm hạt này sẽ cực kỳ thơm ngon, khi ăn cảm nhận sự sần sật, vị bùi bùi vô cùng độc đáo.
Mạch nha là nguyên liệu dùng riêng cho công đoạn làm nhân bánh bởi chúng sẽ khiến cho nhân trở nên kết dính với nhau, đảm bảo được độ ẩm bền lâu của nhân. Mạch nha làm bánh Trung Thu dẻo sẽ có hai loại là mạch nha trắng và mạch nha vàng. Thường thì làm bánh Trung Thu sẽ chọn mạch nha trắng bởi độ kết dính cao, tăng thêm hương vị bánh và dùng cho loại bánh thập cẩm.
Mỗi một mùa Tết Trung Thu không thể trọn vẹn, viên mãn nếu như vắng bóng đi hương vị thơm ngon, đậm đà của những chiếc bánh tròn tròn mềm mại. Dù ngày nay cuộc sống hiện đại hơn, đồng thời nhiều loại bánh Trung Thu được phá cách, ra đời với kiểu dáng mới lạ, hương vị độc đáo nhưng chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên được chiếc bánh dẻo truyền thống. Thường thì người Việt Nam sẽ đặt mua bánh của những thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Bảo Ngọc… Hay chọn cách tự làm tại nhà, cùng khám phá công thức chi tiết ngay sau đây nhé.
Mỗi nguyên liệu thì lại đem đến một tác dụng khác nhau như dầu thực vật sẽ giúp làm cho bánh mềm hơn, tinh dầu hoa bưởi khiến cho bánh thơm hơn rất nhiều. Một điểm bạn nên chú ý là bột nếp nên dùng loại đã được rang chín sẵn, chỉ cần thao tác ngắn gọn, đóng bánh là có thể thưởng thức được luôn.
Các bước hoàn thiện vỏ bánh Trung Thu dẻoBước 1: làm nước đường bánh dẻo:
Nếu như bạn tự làm nước đường bánh dẻo ngay tại nhà thì tốt hơn hết nên dùng đường phèn, vừa không ngọt quá lại giúp bánh dễ ăn hơn rất nhiều. Làm nước đường bánh Trung Thu dẻo cũng khá đơn giản, đầu tiên hãy cho lượng đường đã chuẩn bị vào nồi, thêm nước rồi bắt đầu bật bếp đun. Đun cho đến khi đường tan hết, lọc một lượng nước cốt chanh nhỏ vào, sôi thêm 5 phút rồi tắt hẳn bếp. Khi nước đường đã nguội thì nhỏ thêm 2g dầu hoa bưởi cùng vài giọt tinh dầu hoa bưởi.
Bước 2: chế biến bột bánh dẻo:
Trước tiên hãy trộn bột bánh dẻo với dầu ăn cùng nước đường đã làm từ bước trên. Dùng tay nhẹ nhàng làm cho bột dần trở nên dẻo hơn, mịn hơn, nhưng không nên trộn quá lâu khiến bột bánh bị chai cứng, rất khó ăn, khi trộn nhớ thêm một chút nước chanh. Thêm vào đó nhào vỏ bánh dẻo không nên thêm áo bột bởi lượng bột không chính xác sẽ đem đến tình trạng bột khô, khó khăn cho việc làm bánh.
Trong quá trình làm không được để bột nghỉ, đặc biệt là ngay trước khi đóng thành bánh Trung Thu. Mấu chốt của công thức làm bánh dẻo là thao tác nhanh chóng, lần bột lúc mới nhào xong luôn đem đến độ dẻo đàn hồi chuẩn xác nhất. Xác định rõ ràng như sau: 2 người làm thì 3 phút được một bánh, còn làm một mình thì khoảng 5 phút được một bánh.
Bước 3: làm vỏ bánh:
Đổ lượng bột nhào mịn trong bát tô ra một mặt phẳng được làm sạch, dùng tay hoặc chày đẩy bột thật miết ra. Sau đó dần dần gấp lại khoảng 4 đến 5 lần, phủ thêm lớp áo bột mỏng là được. Tiếp theo đó hãy chuẩn bị khuôn nhựa hoặc gỗ để đóng bánh của mình. Nhưng trước tiên là phủ vào khuôn bánh một lớp bột mỏng dính. Cho bột cùng với nhân lên bàn cân với tỉ lệ chuẩn xác nhất là 2:1. Dùng tay dàn bột ra đều khắp mặt khuôn rồi đặt nhân vào giữa.
Ngoài chiếc bánh Trung Thu dẻo có màu trắng truyền thống, bạn có thể tạo thêm nhiều màu sắc khác nhau từ bột màu tự nhiên. Làm tại nhà cũng giúp bạn sáng tạo theo ý thích của mình, dùng nguyên liệu từ bột thiên nhiên tốt cho sức khỏe. Màu bánh Trung Thu dẻo được chia làm hai loại: bột nhuyễn màu trầm tối (bột trà xanh, cacao, than tre) và rau củ nghiền nhỏ được phơi khô (lá nếp, lá cẩm, gấc, hoa đậu).
Với bài viết này JAMJA’s BLOG đã giới thiện cho bạn công thức cách làm vỏ bánh Trung Thu dẻo chi tiết nhất. Nếu có thời gian rảnh rỗi thì hãy trổ tài nấu nướng, khao cả nhà mẻ bánh Trung Thu thơm ngon nhé.