Tạo “cú huých” cho hạ tầng giao thông


Tạo “cú huých” cho hạ tầng giao thông

Nhánh N1 hầm chui An Sương đã được thông xe, góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của TP Hồ Chí Minh.

Hàng loạt dự án (DA) hạ tầng giao thông (HTGT) lớn đã và đang được TP Hồ Chí Minh triển khai với nhiều chính sách ưu đãi, hứa hẹn đưa thành phố trở thành đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tạo kết nối vùng

Nhằm tạo “cú huých” về HTGT cho TP Hồ Chí Minh, mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành của các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh đã nhất trí điều chỉnh bổ sung mới 15 tuyến đường giao thông và hoàng loạt DA HTGT khác kích thích phát triển kinh tế thông qua kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ kết hợp các tỉnh điều chỉnh bổ sung mới năm tuyến giao thông kết nối với tổng chiều dài khoảng 239,1 km. Cụ thể, tuyến đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh); tuyến đường nối từ nút giao Gò Công (Long An) qua sông Đồng Nai kết nối quốc lộ (QL) 20, QL 1A; tuyến đường nối QL 14 với Nhơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Sa Mát… Đồng thời điều chỉnh, bổ sung, kéo dài 10 trục đường chính đã quy hoạch với tổng chiều dài 727,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 62.000 tỷ đồng như: Trục khép kín vành đai 4 qua khu vực Cần Giờ và kết nối đường liên cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) qua cầu Phước An (Đồng Nai). Bổ sung kết nối giữa trục đô thị số 4 với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Sân bay Long Thành (Đồng Nai) - vành đai 4 nhằm kéo giảm áp lực giao thông cho cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khi Sân bay Long Thành đưa vào khai thác. Bổ sung hướng tuyến vành đai bắc Biên Hòa qua sông Đồng Nai đi tỉnh Bình Dương để kết nối đường vành đai 3. Ngoài ra, bổ sung vành đai 4 để kết hợp một số tuyến đường nhằm kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng khép kín tuyến vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông) đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái). DA có chiều dài 3,82 km, rộng 8-10 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 5.732 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, khép kín vành đai 2 tạo ra tuyến tránh cho các phương tiện giao thông không đi vào trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông đối với các tuyến đường hiện hữu. Đặc biệt, các hướng lưu thông kết nối khu vực cảng Cát Lái ra Xa lộ Hà Nội, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông phía đông thành phố. Ngoài ra, đoạn tuyến vành đai 2 (đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) với chiều dài 2 km, bề rộng 8-10 làn xe cũng được xây dựng, giúp tạo ra tuyến tránh cho các phương tiện giao thông không đi vào trung tâm thành phố, giảm áp lực giao thông đối với các tuyến đường hiện hữu. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai thực hiện DA vành đai 3, theo quy hoạch, có tổng chiều dài hơn 90 km, quy mô từ bốn làn xe đến tám làn xe. Sau khi hoàn thành, DA sẽ kết nối giao thông TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Thông thoáng các cửa ngõ

Hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai DA nút giao thông An Sương. DA quan trọng bậc nhất ở cửa ngõ phía tây thành phố này sau khi hoàn thành sẽ kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và nước bạn Campuchia, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Theo đề án được phê duyệt, DA nút giao thông An Sương được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng hai hầm chui trên đường Trường Chinh (quốc lộ 22) thuộc địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn với vốn đầu tư gần 550 tỷ đồng. Giai đoạn 2 xây dựng thêm hai cầu bê-tông ở hai bên cầu vượt nút giao thông An Sương hiện hữu. Ngoài ra, DA mở rộng các tuyến đường chung quanh như mở rộng QL 1 lên 120 m cho mười làn xe lưu thông trên trục chính và hai làn xe dân sinh ở hai bên đường. Chưa hết, DA còn mở rộng lộ giới QL 22 và đường Trường Chinh... với tổng vốn đầu tư khoảng 1.585,8 tỷ đồng.

Hiện giai đoạn 1 của DA đã hoàn thành, nhánh N1 (hướng đi từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi) thuộc DA nút giao thông An Sương đã đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tăng sự lưu thông của các phương tiện hướng từ trung tâm TP Hồ Chí Minh về huyện Củ Chi, tạo sự thông thoáng cho cửa ngõ tây bắc. Hiện nhánh N2 cũng đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

TP Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút thực hiện DA nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là DA được lãnh đạo thành phố đánh giá là “kỳ vĩ” nhất ở cửa ngõ phía đông, tạo nên nét đẹp riêng cho TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành. Theo thiết kế, DA dài hơn 1,8 km, bắt đầu từ cổng Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Theo đó, DA gồm xây dựng làn chính với tám làn xe, hai cầu vượt, mỗi cầu dài 61 m, rộng 17 m; hai cầu vượt dành cho người đi bộ, mỗi cầu dài 110 m, hai đường song hành hai bên tuyến gồm ba làn xe và hàng loạt hầm chui, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. DA được thực hiện theo hình thức đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với tổng số vốn là 164 tỷ đồng.

Tiền đề để phát triển kinh tế

Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII (chủ đầu tư DA nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, Xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch, cửa ngõ phía đông bắc nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền trung và miền bắc. Hầu hết hàng hóa từ các tỉnh miền bắc, miền trung và Nam Trung Bộ đều được vận chuyển, lưu thông qua các tuyến đường cửa ngõ này. Hiện thành phố đã quy hoạch và xây dựng khu Công nghệ cao với quy mô hàng nghìn ha, quy hoạch khu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế. Do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu “huyết mạch” là rất cấp thiết. Nút giao thông Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là công trình rất quan trọng trên tuyến Xa lộ Hà Nội và QL 1A. Khi hoàn thành, nó sẽ góp phần giải quyết bài toán kẹt xe, kích thích giao thông hàng hóa, đồng thời góp phần tạo nên bộ mặt của thành phố trong tương lai. Ngoài ra, các DA mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú); DA nâng cấp, mở rộng QL 22 nhằm kết nối giao thông theo các hướng đông, tây, tây nam thành phố với các tỉnh khu vực; cùng với các DA Metro đang xây dựng và năm tuyến đường trên cao đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ kết nối giao thông nội đô và các tỉnh lân cận để tạo nên cơ sở HTGT rộng lớn cho TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay người dân thành phố nói chung và các tỉnh lân cận nói riêng rất quan tâm vấn đề kết nối giao thông vùng. DA vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng - an ninh nên các tỉnh phải cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt. Trong thời gian qua, thành phố cũng đã thực hiện nhiều DA HTGT, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hiện thành phố đang cân đối nguồn lực để triển khai các DA HTGT trên tinh thần ứng vốn làm trước, hoàn vốn sau.

Để thực hiện các DA nhanh chóng, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn, thu hút đầu tư, kích thích phát triển KT-XH, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với các DA do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao. Nếu được chấp thuận, mô hình này có thể được áp dụng vào các DA xây dựng khép kín tuyến vành đai 2, DA xây dựng đường trên cao số 1, DA nâng cấp, mở rộng QL 22, DA đường trục bắc - nam (đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh), DA đường trục bắc - nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước), DA xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã sáu công trường Dân Chủ.

Nguyễn Anh/Nhandan