Hòa Bình là tỉnh có lợi thế về đất đai, khí hậu và giao thương để phát triển nông nghiệp, nhất là cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi... Những năm gần đây, sản phẩm cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc... của Hòa Bình đã có thương hiệu trên thị trường, không những giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 8.100 ha, tăng 5.700 ha so với năm 2013; trong đó cam, quýt 5.400 ha, diện tích kinh doanh 3.600 ha, cho thu nhập trung bình 700 triệu đồng/ha/năm; bưởi 2.700 ha, diện tích kinh doanh 760 ha, cho thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha/năm. Theo quy hoạch chung của ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020 diện tích cây ăn quả có múi trong toàn tỉnh là 8.500 ha.
Diện tích cây ăn quả tại Hòa Bình tăng, một phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, nhưng việc gia tăng quá nhanh cũng tạo áp lực lớn về thị trường tiêu thụ. Cụ thể, trong niên vụ 2017- 2018, sản phẩm cam, bưởi bắt đầu có dấu hiệu tiêu thụ khó khăn hơn, nhiều nhà vườn bị tư thương ép giá, khiến nông dân lao đao. Hầu hết người dân đều trồng tự phát trên diện tích nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống không bảo đảm, ít áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn nên chất lượng sản phẩm không ổn định, dễ dẫn đến tình trạng mất giá.
Trước tình trạng này, các hộ dân mong muốn chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ đối với những diện tích đang trồng và cho thu hoạch thông qua cách thức như tìm đầu mối thu mua sản phẩm; hỗ trợ vốn, kinh phí, kỹ thuật để áp dụng phương pháp trồng sạch, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng khu sơ chế sản phẩm với công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Ðối với những địa bàn người dân đang có ý định mở rộng diện tích, quy mô trồng, cần tổ chức khảo sát lại điều kiện đất đai, quy hoạch và tín hiệu thị trường để hạn chế thấp nhất tình trạng tự phát trong nông dân.
Hải Hà/Nhandan